Giao thông

Ba đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Tuấn Lương 18/08/2024 - 12:26

UBND thành phố Hà Nội vừa trình Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Có 3 nội dung quan trọng được Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh liên quan đến quy mô xây dựng, tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện.

nam-thang-long-tran-hung-dao.jpeg
Sơ đồ hướng tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Ảnh: MRB

Lần thứ tư Hà Nội kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư

Đáng chú ý, đây là lần kiến nghị điều chỉnh thứ tư tính từ khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vào tháng 5-2021 và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ về ga ngầm C9 được đề cập tại Thông báo số 328/TB-VPCP ngày 14-10-2022 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, riêng từ đầu năm 2024 đến nay là 3 lần.

Tại tờ trình mới nhất (Tờ trình số 275/TTr-UBND, ban hành ngày 12-8-2024), có 3 nội dung chính tại Dự án xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo mà UBND thành phố Hà Nội xin Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh.

Nội dung điều chỉnh thứ nhất liên quan đến quy mô xây dựng chủ yếu của dự án. Tại Tờ trình số 275/TTr-UBND, tổng chiều dài tuyến của dự án được đề xuất là 11,5km, gồm 8,9km đoạn đi ngầm và 2,6km đoạn đi trên cao; phương tiện vận tải gồm 10 đoàn tàu có 4 toa.

So với Quyết định số 2054/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư (ngày 13-11-2008), tổng chiều dài tuyến của dự án vẫn được giữ nguyên, nhưng có thay đổi về chiều dài đoạn đi trên cao (tăng từ 8,5km lên 8,9km) và đoạn đi ngầm (giảm từ 3km xuống 2,6km); số lượng đoàn tàu được giảm từ 14 đoàn tàu xuống còn 10 đoàn tàu.

Nội dung điều chỉnh thứ hai là sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh lên 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu yên), tăng 16.033 tỷ đồng so với thời điểm năm 2008.

Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế là 167.079 triệu yên, tương đương 29.672 tỷ đồng, tăng 13.187 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội là 5.916 tỷ đồng (tương đương 33.665 triệu yên), tăng 2.846 tỷ đồng.

Đối với phần vốn vay ODA, UBND thành phố Hà Nội sẽ vay lại 57%, ngân sách trung ương cấp phát 43%. Đối với phần vốn đối ứng, UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ.

Nội dung điều chỉnh thứ ba là việc dự án có thời gian thực hiện mới, từ năm 2009 đến năm 2031. Trong đó, UBND thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và cần thêm 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng, thay vì hoàn thành vào năm 2015 như kế hoạch ban đầu.

“Do quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bị kéo dài (phải điều chỉnh vị trí ga C9, thay đổi các quy định về đầu tư công, về quản lý vay nợ...), nên thời gian thực hiện dự án phải điều chỉnh để phù hợp thực tế hiện nay” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết.

Bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt

Về kế hoạch bố trí vốn cho dự án, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận thời gian bố trí vốn thực hiện dự án qua 3 thời kỳ đầu tư công trung hạn để phù hợp với thời gian điều chỉnh dự án. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, dự kiến bố trí khoảng 9.223 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030, khoảng 19.929 tỷ đồng; năm 2031, khoảng 5.581,5 tỷ đồng.

ga-ngam-c9.jpg
Vị trí ga ngầm C9 tại khu vực hồ Gươm gây nhiều tranh luận, một trong những nguyên nhân khiến dự án kéo dài. Ảnh: MRB

Luật Đầu tư công năm 2019 không có quy định pháp lý cụ thể về việc cân đối, bố trí vốn đầu tư công trung hạn trong 2 kỳ liên tiếp. Song, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội khẳng định, kế hoạch vốn cho từng thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn nói trên phù hợp với hạng mục công việc dự kiến thực hiện theo tiến độ điều chỉnh dự án.

Thành phố sẽ đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện và báo cáo nội dung này với Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án vào kỳ họp cuối năm 2024 theo quy định tại Điều 104, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư và cập nhật vào dự thảo quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, UBND thành phố Hà Nội bảo đảm tổng mức đầu tư và nguồn vốn vay ODA, vốn ngân sách thành phố không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.