Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba công thức vàng từ doanh nghiệp “bứt phá” trong kỷ nguyên số

Thọ Đức| 22/10/2022 08:30

(HNM) - Nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) trong tình hình mới: “Từng bước làm chủ công nghệ lõi, kết hợp bản lĩnh dấn thân và tinh thần phục vụ nhân dân” là những công thức mới được Ban Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ để bứt phá trong kỷ nguyên số.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Thanh Nam:
“Cần theo sát và cập nhật công nghệ thế giới một cách bài bản”

“Nếu trước đây, chúng ta chỉ nghiên cứu, tìm hiểu chủ yếu qua internet thì bây giờ cần phải đi nhiều hơn, đến tận nơi gặp người thật, việc thật. Mà đã đi là người đứng đầu và những người làm chuyên môn phải đi. Đến nơi là phải gặp người cao nhất để hiểu vấn đề”, ông Nguyễn Thanh Nam nhấn mạnh.

Phân tích về Metaverse (vũ trụ ảo), ông Nguyễn Thanh Nam dẫn thông tin về metaverse trong công nghệ thiết kế mô phỏng tại triển lãm công nghệ tại Australia. “Họ” có thể thiết kế toàn bộ công trình tổng kho bưu chính trong thế giới ảo. Chúng ta có thể đóng vai người quan sát trong chính kho ảo đó, rà soát mọi quy trình vận hành. Quy mô thị trường metaverse thế giới hiện mới chỉ bằng 24% quy mô viễn thông di động toàn cầu, nhưng đến năm 2030, nó sẽ gấp từ 1,5 đến 4 lần.

3 câu hỏi mà Viettel cần phải trả lời khi tiếp cận công nghệ mới:

Công nghệ còn mới không? Chúng ta có thể nói nó không còn quá mới nữa. Thế giới đã đưa vào ứng dụng trong thành phố thông mình, trong thiết kế mô phỏng... Nói cách khác, công nghệ này đã đến độ chín của nó.

Công nghệ có hiệu quả không? Thị phần 199 tỷ USD là con số cần quan tâm, mà chỉ trong vài năm nữa, thị trường lên tới metaverse lớn gấp 1,5-4 lần di động. Tôi nghĩ chỉ cần nó đem lại doanh thu như di động đã là tốt rồi.

Viettel có thể ứng dụng ngay được không? Thứ nhất là hệ thống tổng kho của VTPOST là có thể tối ưu lại ngay được. Thứ hai là Viettel có thể ứng dụng để trình diễn công nghệ về thành phố thông minh. Khách hàng ngồi trong phòng nhỏ có thể nhìn hết toàn bộ thành phố vận hành với toàn bộ hệ sinh thái giải pháp của Viettel. Giải pháp này có thể mang đi bất kỳ đâu.

Phó Tổng Giám đốc Viettel Đỗ Minh Phương:
“Các sản phẩm dịch vụ mới phải thật tốt. Không tốt thì không cần làm”

Kết thúc nửa đầu năm 2022, Tập đoàn hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh doanh chính. Ông Đỗ Minh Phương cho biết, đây là những con số tăng trưởng cao nhất của Viettel trong vòng 4 năm gần đây. Bên cạnh kết quả ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận, vị Phó Tổng này cũng đánh giá cao sự tăng trưởng tốt, ổn định của hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn.

Trong số hơn 5.000 tỷ đồng tăng trưởng, khối các đơn vị hạch toán độc lập và thị trường nước ngoài đóng góp tới 90%; còn khối hạch toán phụ thuộc đóng góp 10%. Mặt tốt là Viettel đã tìm được lĩnh vực đúng để đầu tư. Nhưng vấn đề là các lĩnh vực của khối hạch toán phụ thuộc chưa phát huy được đúng mức, vẫn xoay quanh viễn thông và các lĩnh vực liên quan.

Trong lĩnh vực dịch vụ mới, Viettel còn có một số dịch vụ ra chậm hơn kế hoạch và chưa tốt. Cái gì không tốt, không bán được hàng Viettel sẽ xem xét bỏ đi, không cần làm nữa, mất thời gian. Còn đã làm cái gì là phải tốt. Viettel không chấp nhận các giải pháp chơi vơi, chất lượng không bảo đảm, khi khách hàng sử dụng sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel 
Nguyễn Đình Chiến: “Ba nhận thức để Viettel mãi là niềm tự hào”

“Về tổng thể, Viettel đang sống trong một thế giới đầy biến động và không thể dự báo được. Từ giờ trở đi, thế giới sẽ như thế, thậm chí sẽ thay đổi nhanh hơn nữa”, ông Nguyễn Đình Chiến nhấn mạnh về tầm quan trọng trong vấn đề nắm bắt và làm chủ công nghệ trong thế giới hiện đại.

Vì vậy, Viettel muốn kinh doanh được thì đầu tiên phải tiếp tục bám nắm các lĩnh vực đang nghiên cứu: Từ công nghệ đến sản phẩm, thị trường, khách hàng... đến cả tâm tư, tình cảm của những thế hệ mới (như thế hệ GenZ); từ đó định hướng các sản phẩm cho phù hợp. Đây là một sự chuyển đổi rất lớn và thách thức đối với tất cả công ty trên thế giới, chứ không chỉ riêng Viettel.

Viettel cần phải thức tỉnh việc này và cần được thực hiện hằng ngày. Nếu chỉ ngồi một chỗ, Viettel không thể biết được thế giới ngày hôm qua, hay đêm hôm qua diễn ra điều gì đâu.

Thứ hai, Viettel ngày hôm nay đã là một tập đoàn công nghệ cao trong lĩnh vực viễn thông, về công nghiệp điện tử, công nghiệp quốc phòng của đất nước. Tất cả những gì Viettel đã suy nghĩ, đề xuất và làm đều là vì đất nước. Viettel đã trở thành một thành phần quan trọng của đất nước, của nền kinh tế. Đó cũng là một vị thế để mỗi người Viettel nghĩ mạnh hơn, nghĩ lớn hơn và mạnh dạn đề xuất để tháo gỡ các cơ chế vướng mắc.

Thứ ba, Viettel phải nhận thức được Viettel là một đơn vị quân đội và Viettel phải đóng góp cho quân đội, giữ gìn thương hiệu quân đội và duy trì kỷ luật quân đội. Riêng về kỷ luật quân đội, không mâu thuẫn với sáng tạo, càng kỷ luật Viettel càng sáng tạo. Đó là cơ sở để mỗi cá nhân người Viettel xây dựng thương hiệu Viettel liên tục tăng trưởng để tất cả mọi người đều tự hào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ba công thức vàng từ doanh nghiệp “bứt phá” trong kỷ nguyên số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.