Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bà Chúa Vực Vông

ANHTHU| 06/10/2008 16:43

(HNM) - Người ta kể, chỗ khúc lượn của sông Hoàng Long thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là nơi thuở nhỏ Đinh Bộ Lĩnh thường dùng ngọn lau tập trận và mò cua bắt ốc nuôi mẹ. Đây là vùng đất hiểm, núi bọc ba bề, sông vòng bốn phía.

(HNM) - Người ta kể, chỗ khúc lượn của sông Hoàng Long thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là nơi thuở nhỏ Đinh Bộ Lĩnh thường dùng ngọn lau tập trận và mò cua bắt ốc nuôi mẹ. Đây là vùng đất hiểm, núi bọc ba bề, sông vòng bốn phía.

Cách đó không xa có một ngôi đền thiêng gọi là Đền bà chúa Vực Vông. Khách đến Ninh Bình không thể không thăm Tam Cốc - Bích Động và Kinh đô Hoa Lư, Đền thờ Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Lê Đại Hành; càng không thể không đến thắp hương tại Đền bà chúa Vực Vông, để thêm một lần họ được nghe sự tích về ngôi đền và cuộc đời bà chúa họ Nguyễn tài sắc, đức độ, nêu tấm gương tiết hạnh, được truyền tụng muôn đời.

Vậy bà chúa Vực Vông là ai? Có gì liên quan giữa nơi bà được thờ ở Ninh Bình với dòng họ Nguyễn ở làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa (Thanh Oai) mà người đời lưu truyền?

Bà tên Nguyễn Thị Niên, con gái của Nguyễn Quyện, một danh tiếng lỗi lạc thời nhà Mạc. Nguyễn Quyện là con của Trạng nguyên Nguyễn Thiến, quê làng Canh Hoạch. Nguyễn Quyện có hai người con gái nhan sắc hơn người. Người chị tên là Nguyễn Thị Nguyệt, vợ vua Mạc Mậu Hợp, được tấn phong hoàng hậu; người em là Nguyễn Thị Niên, lấy Mỹ quận công Bùi Văn Khuê. Ông Bùi Văn Khuê người làng Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) vốn rất thông minh tài giỏi, võ nghệ cao cường, được học ở Quốc Tử Giám. Cùng khóa có một người con gái được "đặc cách" vào học, đó là Nguyễn Thị Niên. Sau đó, họ thành vợ chồng. Thời đó, Mạc Mậu Hợp đang là vua, lại lấy người chị gái tên là Nguyệt nên bà Niên thường được theo vào cung. Thấy người em vợ vừa tài, vừa sắc, Mạc Mậu Hợp sinh lòng mến mộ và ngầm tính kế hại Bùi Văn Khuê. Biết chuyện và để tránh điều không hay xảy ra, vợ chồng Bùi Văn Khuê cùng một số thủ hạ lui về trấn giữ vùng đất Gia Viễn, Ninh Bình - khi ấy vùng này còn hoang sơ, chỉ có rừng rậm, dân cư thưa thớt. Hai vợ chồng chiêu dân lập ấp và quy thuận vua Lê. Chưa tin tưởng Bùi Văn Khuê nên vua Lê lập kế cho quận công Phan Ngạn đem quân đến cùng trấn giữ vùng Gia Viễn. Ngạn là vị tướng hiếu sắc, thấy bà Niên đẹp, bèn tính kế cho quân giết chết Mỹ quận công Bùi Văn Khuê, sau đó bắt ép bà Niên lấy mình.

Mối thù lớn khắc sâu trong lòng. Bà Niên quyết lập mưu giết chết Phan Ngạn để trả thù cho chồng. Sau tuần chay tế chồng, bà vờ nhận lời lấy Phan Ngạn. Đêm nọ, Phan Ngạn tổ chức tiệc lớn ở ngay sông Hoàng Long, đầu huyện Gia Viễn - nơi có cầu Gián Khẩu bắc qua, để đón bà Niên. Bà Niên ép cho Ngạn uống say rồi lệnh cho quân hầu bịt chặt mồm, giết chết ném xác xuống sông. Trả thù cho chồng xong, bà Niên chèo thuyền tới nơi sâu nhất của sông Hoàng Long rồi gieo mình tuẫn tiết. Nơi đó là Vực Vông và cũng chính là quê chồng của bà - làng Chi Phong (xã Trường Yên). Nhiều ngày sau, xác của bà mới nổi lên, dân làng Chi Phong đem chôn cất, sau đó lập đền thờ tại Vực Vông và gọi là Đền bà chúa Vực Vông. Ngôi đền được xây bề thế, hai bên đền có hai chữ "Trung liệt"; trong đền còn lưu giữ 17 đạo sắc phong cho Mỹ quận công Bùi Văn Khuê và hai đạo sắc phong cho bà Nguyễn Thị Niên... Hai chữ "Gián khẩu" (bịt mồm), được nhân dân vùng Gia Viễn cắt nghĩa từ sự tích quân hầu của Mỹ quận Công Bùi Văn Khuê bịt mồm Phan Ngạn, ném xuống sông Hoàng Long. Cầu Gián Khẩu nằm trên quốc lộ 1A, cách thị xã Ninh Bình khoảng 10 km, bắc qua sông Hoàng Long. Ngã ba đường từ quốc lộ 1A rẽ vào Rừng quốc gia Cúc Phương, người ta gọi là Ngã ba Gián Khẩu. Địa danh "Ngã ba Gián Khẩu" nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng của tỉnh Ninh Bình bao gồm Tam Cốc - Bích Động - Kinh đô Hoa Lư.

Gia phả của dòng họ Nguyễn ở làng Canh Hoạch hiện lưu giữ tại Nhà thờ họ Nguyễn - Di tích lịch sử cấp quốc gia ghi rõ về danh phận của bà Niên. ở nhà sắc - nơi thờ danh tướng Nguyễn Quyện và cũng là nơi ghi công trạng của gia đình Trạng nguyên Nguyễn Thiến, có đôi câu đối:

"Văn đỗ Trạng nguyên, võ làm trí thường quốc công phú quý đầy triều.

Làm trai thì trung thần, làm gái giữ trọn đạo làm vợ, điều đó sử sách còn ghi."

Ca tụng tấm gương tiết nghĩa của bà Niên, có nhiều bậc danh nho đã làm câu đối, trong đó có một câu đối bằng chữ Nôm, nói về địa danh Gián Khẩu:

"Gián Khẩu nhô lên gương tiết nghĩa.

Vực Vông gieo xuống gánh cương thường".

Một điều nể trọng nữa là trong dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch, cả ông cháu cha con, cả trai cả gái đều tài ba và đức độ. Những người phụ nữ họ Nguyễn đều để lại tấm gương sáng. Người cô ruột của bà Niên (em ông Nguyễn Quyện) tên là Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, lấy chúa Trịnh. Bà chính là người lập nên từ đường thờ phụng cha con Nguyễn Quyện và là người bỏ tiền ra mua ruộng đặt hậu vào nhà sắc, nhờ dân làng hương hỏa thờ phụng dòng họ. Dân làng gọi bà là bà chúa Thuận....

Sông Bằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Chúa Vực Vông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.