Theo dõi Báo Hànộimới trên

Auschwitz, tội ác không thể quên

ANHTHU| 23/01/2005 07:53

Toàn thân Jerrzy Afanasjew tỏ ra căng thẳng với đôi mắt nhắm nghiền, nhớ lại cái ngày mà ông bước ra khỏi đoàn tàu chở gia súc chen chúc người khi mới 14 tuổi và bắt đầu một cơn ác mộng kéo dài 6 tháng. “Auschwitz là gì ? Đó là địa ngục. Địa ngục.

Bên ngoài khu di tích Auschwitz

Toàn thân Jerrzy Afanasjew tỏ ra căng thẳng với đôi mắt nhắm nghiền, nhớ lại cái ngày mà ông bước ra khỏi đoàn tàu chở gia súc chen chúc người khi mới 14 tuổi và bắt đầu một cơn ác mộng kéo dài 6 tháng. “Auschwitz là gì ? Đó là địa ngục. Địa ngục. Là 1 nhà máy giết người. Nếu bạn không chết vì khí ga, thì sẽ chết vì mệt lả, nếu không chết vì kiệt sức thì chết vì đói, còn nếu không chết vì đói thì cũng vì bệnh tật”. Afanasjew là 1 trong số rất ít những người may mắn thoát chết ở Auschwitz, trại tập trung lớn nhất của Đức quốc xã.

Mới đây, hàng trăm người sống sót và rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày trại tập trung Auschwitz được Hồng quân Liên Xô giải phóng, và cũng để tưởng nhớ đến khoảng 1,5 triệu người, phần lớn là người Do Thái, đã bị phát xít Đức giết tại đây. Do Đức quốc xã xây dựng từ năm 1940, gần thành phố Oswiecim phía Nam Ba Lan, với mục đích làm trại lao động, Auschwitz dần dần trở thành địa điểm để tên trùm phát xít độc tài Adolf Hitler thực hiện kế hoạch tiêu diệt người Do Thái, gọi là “Giải pháp cuối cùng”. Quy mô của cỗ máy giết người, sự tàn ác của đội bảo vệ và những cuộc thí nghiệm y tế khủng khiếp của các bác sĩ nhà tù đã biến Auschwitz trở thành một cỗ máy diệt chủng và là bằng chứng rõ nét của sự suy thoái nhân tính.

Những người đàn ông, đàn bà và trẻ em, phần lớn là người Do Thái, người Digan, Nga và Ba Lan, đã bị đưa đến Auschwitz trên những đoàn tàu chở gia súc chật chội. Nhiều người chết vì đói và ngạt thở trong suốt chuyến đi nhiều ngày. Thật khủng khiếp, mùi hôi thối và đói khát, những người sống sót hy vọng một viễn cảnh về không khí trong lành và thức ăn. Họ không biết rằng những đám khói bay lên từ các ống khói gần đó chính là từ lò thiêu xác những người đến trước. ảo tưởng nhanh chóng tan biến khi những tên cai ngục phân chia những người có khả năng lao động khỏi người già và trẻ em. Các gia đình bị ly tán và nhiều phụ nữ, do không muốn bị tách khỏi những đứa con nhỏ của mình, đã bị bắn chết. “Những người được lựa chọn” phải cởi bỏ quần áo, tất cả của cải mang theo và chứng minh thư. Họ bị in số vào tay và được phát cho 1 cái bát và 1 cái thìa. “Chúng tôi không còn là người, chúng tôi đã trở thành các con số, tôi là 73.526” Walkiewics, chỉ mới 18 tuổi khi bị đưa đến Auschwitz, nói.

Mặc những bộ đồng phục khác nhau, các tù nhân bị đưa đến trại lao động có một cánh cổng lớn với hàng chữ bằng tiếng Đức “Lao động là tự do”. Mùi xác người cháy khiến các tù nhân dần dần nhận ra số phận đang chờ đợi họ. Bị nhồi nhét trong những căn phòng gỗ trống trải hoặc xây gạch, những người tù bắt đầu làm việc từ 5 giờ sáng, suốt 12 tiếng không nghỉ. Những người may mắn hơn được làm việc trong nhà bếp hoặc văn phòng, nơi họ có thể ăn trộm thức ăn và nhờ đó sống sót.

Sau một giấc ngủ ngắn ngủi và ngày lao động dài đến kiệt sức, cứ sau vài giờ, tù nhân phải ra ngoài tập trung để điểm danh. Những người chết bị xếp đống sang bên cạnh để đếm. “Nỗi sợ hãi bất tận, những cuộc điểm danh bất tận và mùi thịt cháy bất tận tỏa ra từ những lò thiêu” - Anfanasjew cay đắng nhớ lại. Năm 1942-1943, do bệnh dịch, tỷ lệ người chết lên tới 19 - 25% trong 1 tháng. Nhiều tù nhân, bao gồm cả Anfanasjew, trở thành vật thí nghiệm cho các bác sĩ Đức quốc xã, do tên tiến sĩ khét tiếng Josef Mengele, kẻ đã giết hàng trăm người, cầm đầu, chỉ để chứng minh học thuyết tối thượng của chủng tộc Ayryan. Nhưng trong sự khốn khổ, cái chết và vật lộn để sống, nhiều tù nhân đã tìm ra sức mạnh để giúp đỡ không chỉ mình họ. Thức ăn ăn trộm được chia sẻ cho nhiều người, những tù nhân vào giai đoạn cuối được giấu để khỏi bị tống vào các phòng hơi ngạt. Nhiều người tù tin rằng Đức quốc xã đã dùng những người to béo để làm xà phòng.

“Giải pháp cuối cùng” càng được tăng tốc khi Đức quốc xã nhận ra rằng chúng có thể thua trong cuộc chiến, nhà máy giết người Auschwitz khôngcòn chỗ chứa vào giữa năm 1944.

Auschwitz không phải là điểm dừng cuối cùng của tất cả các tù nhân, nhiều người đã bị chuyển đến những trại tù mới, một số trốn thoát và được cứu sống khi chiến tranh kết thúc. Khi Hồng quân Liên Xô đến Auschwitz vào ngày 17-1-1945, họ đã cứu thoát được 7000 người bị bỏ lại khi quân Đức tháo chạy.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Auschwitz, tội ác không thể quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.