Âu Lâu nổi danh lịch sử với bến phà ăm ắp truyền kỳ và huyết mạch 13A huyền thoại nối Việt Bắc với Tây Bắc. Trước, mấy đại đoàn bộ đội từ Chiến khu qua đây, Âu Lâu đêm ngày rầm rập bước chân người. Giờ, thị xã Yên Bái lên thành phố, cách Âu Lâu một đoạn có hẳn chiếc cầu hoành tráng nối hai bờ sông Hồng, bến phà xưa tĩnh mịch hẳn. Tuyến đường quốc lộ 13A từng ngót 200 ngày không ngớt tiếng bom rơi đạn nổ nay đã gần 10 năm không người qua lại nên xe cứ chực nhảy chồm chồm. Mặc cảnh ẩm ướt, lầy lội của đầu mùa “mưa dai Yên Bái”, trẻ con bám theo xe cả đoàn, người lớn tò mò ra đường ngắm khách lạ...
Bến đò - bến phà Âu Lâu lịch sử thuộc xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nơi đưa bộ đội, dân công cùng lương thực, vũ khí từ chiến khu Việt Bắc vượt sông Hồng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Thời kháng chiến chín năm, đám viễn chinh đóng mác thực dân dựng đồn Ca Vịnh, Đồng Bằng, kẹp Âu Lâu trong vòng cương tỏa. Người đất này vừa lo đánh địch càn quét, vừa cung cấp sức người, sức của cho bộ đội Cụ Hồ. Chiến dịch Tây Bắc mở màn, Âu Lâu được chọn là nơi tập kết lương thực, vũ khí, đò ngang đan nhau đưa bộ đội qua sông. Ngày cả nước chuẩn bị cho thiên sử vàng Điện Biên, người Âu Lâu dầm mưa dãi đạn lo đóng phà, chở thuyền, nhiều người dỡ nhà lấy tre gỗ lát đường cho xe pháo vào chiếndịch .
Bí thư Đảng ủy xã Bùi Ngọc Bình nói : Đất này có truyền thống nhưng chúng tôi là lớp hậu sinh không biết bao nhiêu nên chỉ kể lại chuyện của những người chép sử. Đại để trong chiến dịch Tây Bắc, người Âu Lâu ủng hộ bộđội và bệnh viện đóng tại địa phương 12 trâu bò , 20 lợn, 250 kg gia cầm, 1150 kg thóc, 41 súng , 9 nhà ... Với chiến dịch Điện biên, Âu Lâu có 136 người vào bộ đội, 35 người đi thanh niên xung phong, 350 người tham gia dân công hỏa tuyến. Đáng nói nhất là những câu chuyện bên Ngòi Lâu với những con người vai trần đẩy phà kéo xe, đưa pháo qua sông.
Ông Phạm Trung Tốn, 77 tuổi ở thôn Nước Mát là người sống bằng nghề chở phà trên bến Âu Lâu. Ông Tốn kể, năm 1952 mới có bến phà Âu Lâu, đầu năm 1953 cả bến chỉ có một con phà gỗ 8 tấn chở vo (tức là chỉ dùng sức người). Khi đưa xe, đưa pháo lên phà, 4 người bơi theo bên dưới đẩy phà, 8 người đứng hai bên chống sào đẩy rồi còn hàng chục người nữa đứng trên bờ kéo phà bằng dây bện. Cứ thế mỗi đêm phà chở được khoảng 15-20 chuyến. Sau này bộ đội sang sông đông lắm, phải đóng thêm hai con phà nữa, cũng cải tiến đóng thêm động cơ cho phà để bớt sức người nhưng động cơ nhỏ chẳng ăn thua gì, lại trục trặc hỏng hóc luôn, vậy nên mang tiếng là máy trưởng nhưng ông Tốn cũng phải đẩy phà, kéo phà như anh em thôi. Nhà ông Tốn bây giờ đầy đủ tiện nghi, chẳng thiếu thứ gì. 8 người con của ông nay đều đã trưởng thành, có hai người cũng theo nghiệp bố làm nghề giao thông đường thủy.
Sau mấy mươi năm gắn cuộc đời với con đò, bến sông, cụ Trần Thị An đã vào phố với căn nhà tình nghĩa 2 tầng dang dở cát vôi. 90 tuổi lưng còng thõng, đôi bàn tay dăn deo dập cối trầu, cụ tiếp tôi trên bộ bàn ghế nhựa duy nhất trong căn nhà hơ hoác với những câu chuyện được mất phủ bụi thời gian. Thỉnh thoảng đôi mắt cụ ánh lên hóm hỉnh.
Ngày ấy khổ nhưng vui lắm ! Cụ cười bỏm bẻm: “Người ta đứng trên bến gọi : Cô lùn ơi ! Cô đòơi ! Bố tôi ốm sắp chết rồi ! Tôi tất tả chèo sang, nào ai ốm đau đâu, chỉ có mấy “ông” bộ đội trẻ. Tôi ức, bắt họ phải cải trang thành dân thường theo đúng nguyên tắc phòng gian bảo mật thì mới đưa qua đò. Bom đạn nhiều, các anh ấy hỏi có sợ không ? Tôi bảo : Chết là cùng chứ gì, còn đò đắm cũng chẳng sao bởi tôi như con dái cá chỉ lo các anh thôi ! Mạng người nhỏ nhưng lúc này to lắm, bộ đội chết ở đây thì ai đi đánh giặc ?”
Cụ An nói, ngày ấy người ta bầu tôi làm tổ trưởng, tôi thích nhưng không dám nhận vì sợ mẹ chồng. Nhiều lần tôi bỏ tiền túi ra đưa cho mẹ rồi thưa : Các ông, các bà ấy cho con tiền đưa bầm. Kỳ thực chở bộ đội làm gì có tiền. Có lần chở một người đâu như chỉ huy bộ đội, ông ấy cho cho tôi mấytrăm, bảo về đưa mẹ. Tôi sợ không nhận. Ông ấy nói : Bác như bố chồng cháu thôi, bác là người cách mạng không có gì phải ngại. Bộ đội mình tình cảm lắm !
Chủ tịch UBND xã Âu Lâu Bùi Xuân Thắng líu ríu điện thoại di động, buộc phải tiếp chúng tôi trong cái cảnh đợi đoàn trung ương về làm việc. Ông nói: Người Hà Nam, Thanh Trì (Hà Nội) lên đây định cư từ lâu, không ít gia đình làm ăn khá giả. Về kinh tế, chưa chắc thị trấn Cổ Phúc của huyện đã hơn Âu Lâu. Xã này có tới 12 cái ô tô, tính trung bình 2 hộ có một xe máy, 90 % dân được dùng điện lưới, gần như nhà nào cũng có ti vi hoặc đài, số hộ nghèo chỉ còn khoảng 1,5 %, thu nhập bình quân đầu người gần 4 triệu đồng/năm, xã đã phổ cập xong THCS, nhìn chung các cháu học hành khá. Với mô hình nhà nước bỏ 60%, dân 40%, tình hình giao thông nông thôn được cải thiện nhưng ở quê nông dân có bao tiền đâu mà bỏ vốn góp làm đường nên vài xã vẫn chật vật với mùa mưa.
Ông Thắng bảo : Đất xã nằm bên triền sông Hồng, suối Ngòi Lâu, mùa nước lên để lại phù sa, trồng cây vụ Đông rất được. Chúng tôi đang vận động dân cải tạo vườn tạp, trồng cam, quýt hoặc xen quế với chè và đã nghĩ đến việc chuyển hướng sang trồng rau sạch cho thành phố. ở đây cứ làm được là dân tin , ví như chuyện gieo mạ khay chẳng hạn. Lúc mang về làm thí điểm, dân mắt tròn mắt dẹt : “Khoa học quái gì mà cho bùn vào gạt gạt mấy cái, mạ lên, ném xuống nước đổ lộn tùng phèo. Mạ cắmxuống đất, cấy thành hàng còn chẳng ăn ai nữa là nghe mấy ông cán bộ xã. Cuối cùng gieo mạ khay sau dăm bảy ngày cây lúa ngóc đầu lớn như thổi, thế là dân làm theo. Ngày xưa cấy cả ngày không được một sào, bây giờ vô tư, làm như chơi mà ăn thật. Tôi về, đánh cả áo trắng, giày đen ra ruộng vãi cho vợ vài sào cứ như đi thể dục”.
Mùa màng của Âu Lâu có khá là do thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là vùng đất bãi sông luôn được thảm lớp phù sa màu mỡ sau mùa nước còn hệ thống thủy lợi đã có đâu. Chẳng nói cảnh hạn vừa rồi, Âu Lâu đã gặp đủ thứ họa. Chè là một trong hai loại cây chủ lực của xã nhưng nhà nước không bao tiêu nổi, giá tùy hứng theo thị trường tự do. Trước chiến tranh I-rắc, giá chè tới 20.000đ/yến, mỗi vụ, mỗi hộ cũng thu từ 5 đến 6 triệu đồng, đùng một cái giá rơi xuống 4.000-5.000đ/yến, nhúc nhắc mãi nay mới được khoảng 7.000đ/yến. Dân hoang mang, nhiều nhà tính đốn bỏ chè. Mới đây lại là họa cúm gia cầm, cả xã có khoảng 30.000 gia cầm, vừa rồi phải thiêu hủy tới 10.000 con. Có nhà mất đến 800 con, lại có nhà mất đến 1,5 tấn thịt gà đem đi thiêu hủy, sao mà không xót. Nhiều nhà mới thất bát chè vốn liếng bao nhiêu đổ dồn sang nuôi gà, để rồi họa vô đơn chí. Ông Thắng thở dài thườn thượt nói: “Bây giờ dịch bệnh đã qua, chúng tôi đang ngóng Nhà nước bù cho 50% tiền mua giống, mỗi conđược 1.500đ”.
Chúng tôi hỏi về cơ lên phường của xã Âu Lâu. áp thành phố lại tiện đường đi lại, đô thị hóa là chuyện chẳng chóng thì chày. Bí thư Bùi Ngọc Bình bảo : Chúng tôi đã chỉ đạo ngừng cấp sổ đỏ sử dụng đất để chờ và sẽ khoanh vùng dành riêng đất cho dân làm ruộng và làm dịch vụ. Người ra mặt đường buôn bán kinh doanh sẽ phải nhường lại ruộng cho người làm nông nghiệp. Cây trồng cũng sẽ chuyển đổi cơ cấu theo hướng tăng giá trị nông sản. Lên phường dân được lợi nhiều hơn nhưng chúng tôi lo lắm. Hiện 10 trong số 13 thôn không có người mắc nghiện, nhưng khi đô thị hóa liệu có giữ được không, bởi cùng với đó luôn là các kiểu tệ nạn như buôn gian, bán lận, trộm cắp, chích hút...
Quán nước bên đường trước cửa UBND xã người ta nói chuyện giá đất vùn vụt tăng theo dòng người tứ xứ đổ về. Cò đất, người mua đất để kinh doanh chao chát “nâng lên đặt xuống”. Nỗi lo của ông bí thư xã chẳng còn phải là “đâu đó quanh đây “.
Buổi chiều trên vùng đất bãi ven sông cảnh tượng thật thanh bình. Từ xã Âu Lâu nhìn sang thành phố Yên Bái chỉ cách đúng con sông Hồng, gần thật đấy khi tiếp cận với những cơ hội đổi mới, phát triển kinh tế mà sao vẫn thấy lòng băn khoăn, lúng túng - Trong sập sùi mưa đầu mùa, chúng tôi chia sẻ những lo toan của mấy ông cán bộ ở mảnh đất từng là địa danh lịch sử. Không lẽ cứ ở miền núi là gắn với sự nghèo ?
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.