Đối ngoại

ASEAN thống nhất các nội dung quan trọng tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 44-45

Theo TTXVN 08/10/2024 - 17:59

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 8-10, tại thủ đô Viêng Chăn diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và Hội đồng Điều phối ASEAN.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự các Hội nghị.

Các Bộ trưởng Ngoại giao đã thống nhất chương trình nghị sự và chương trình hoạt động của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 - 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Nhiều nội dung quan trọng sẽ được trao đổi tại các Hội nghị Cấp cao lần này, bao gồm các biện pháp thúc đẩy kết nối và tự cường khu vực theo tinh thần chủ đề của ASEAN năm nay, củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới mục tiêu liên kết sâu rộng hơn và chuẩn bị cho tương lai phát triển cao hơn của ASEAN, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trên cơ sở hiệu quả, thực chất và cùng có lợi, và thảo luận về tình hình quốc tế và khu vực.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các Bộ trưởng bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc tới các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi vừa qua, khẳng định đoàn kết và sẵn sàng hỗ trợ các nước này khắc phục hậu quả và tái thiết.

Đánh giá cao chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, các nước chúc mừng Chủ tịch Lào về những kết quả đạt được trong năm nay, đề cao ý nghĩa chiến lược của tự cường, tự chủ, chiến lược trước những chuyển biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Các bộ trưởng ghi nhận những bước phát triển mới trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, mở ra những cơ hội tiềm năng mới. Các nước nhất trí sớm khởi động xây dựng các kế hoạch hành động giai đoạn 2026-2030 giữa ASEAN với một số đối tác, gắn kết và bổ trợ các ưu tiên chiến lược trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước bày tỏ quan ngại về tình hình đang xấu đi ở Myanmar, tái khẳng định “Đồng thuận 5 điểm” là văn kiện định hướng các nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp khả thi và bền vững, nhấn mạnh cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa các bên và triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Các nước cũng nhất trí củng cố lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng xây dựng Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, các nước đánh giá cao các hoạt động được triển khai trong năm qua, nâng tỷ lệ triển khai Kế hoạch tổng thể Chính trị - an ninh ASEAN 2025 lên 99,6%.

Trao đổi về xây dựng Chiến lược hợp tác chính trị - an ninh cho giai đoạn mới, các nước đề cao tính kế thừa, tiếp nối, đồng thời nhấn mạnh, cần bảo đảm tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao của ASEAN trong môi trường an ninh quốc tế và khu vực nhiều biến động, góp phần khẳng định vai trò và đóng góp của ASEAN vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Trước sự gia tăng ngày càng gay gắt của các thách thức an ninh phi truyền thống, các kênh chuyên ngành đặc biệt chú trọng triển khai các hoạt động nâng cao năng lực ứng phó và khả năng chống chịu của ASEAN. Hội nghị ghi nhận nhiều Tuyên bố sẽ được trình lên các Lãnh đạo thông qua dịp này như chống buôn bán ma túy bất hợp pháp và tiền chất hóa học, thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và đáng tin cậy, hệ thống điều phối y tế công cộng khẩn cấp…

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, các bộ trưởng xem xét báo cáo của các cơ quan chuyên ngành và cho chỉ đạo về nhiều vấn đề liên ngành, liên trụ cột. Đáng chú ý, về triển khai Lộ trình hỗ trợ Timor Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, các nước trao đổi về quy trình Timor Leste tham gia các văn kiện pháp lý của ASEAN trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, thành lập Bộ phận hỗ trợ Timor Leste đặt tại Ban Thư ký ASEAN nhằm giúp Timor Leste chuẩn bị kỹ càng hơn cho việc gia nhập ASEAN và giai đoạn đầu hội nhập khu vực.

Ghi nhận tiến độ xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, các Bộ trưởng đều nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của các văn kiện này đối với tương lai của ASEAN trong những thập kỷ tới, đề nghị ASEAN tiếp tục tư duy sáng tạo với những mục tiêu kỳ vọng làm động lực cho ASEAN phát triển nhanh và mạnh hơn. Hội nghị đánh giá cao thành công của Diễn đàn Tương lai của ASEAN 2024 được tổ chức tại Việt Nam, bổ trợ hiệu quả cho tiến trình thảo luận của ASEAN.

Phát biểu tại các hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Chủ tịch Lào, đưa ASEAN vượt qua các thách thức, giữ vững đà xây dựng Cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, đoàn kết, vai trò trung tâm được củng cố, tự chủ chiến lược được nâng cao, tạo cơ sở vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, hỗ trợ của các nước dành cho những nước bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, trong đó có Việt Nam, thể hiện giá trị trân quý của tình đoàn kết, tương trợ trong khó khăn. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tự cường khí hậu trong bối cảnh diễn biến ngày càng phức tạp của các hình thái thời tiết cực đoan.

Đánh giá cao tỷ lệ triển khai trên các trụ cột Cộng đồng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị kiểm điểm toàn diện các Kế hoạch tổng thể 2025, đánh giá kỹ lưỡng tác động mang lại để rút ra các bài học kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả và chất lượng thực thi trong giai đoạn tới.

Bày tỏ ủng hộ Timor Leste sớm trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất xây dựng lộ trình cụ thể cho việc Timor-Leste tham gia các văn kiện pháp lý của ASEAN, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho sự tham gia của Timor-Leste.

Nhấn mạnh đoàn kết và vai trò trung tâm là chìa khóa thành công của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị, ASEAN cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiếng nói chung, duy trì cách tiếp cận hài hòa và cân bằng trong triển khai quan hệ đối ngoại cũng như trong các vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh khu vực.

Trước các diễn biến phức tạp tại Myanmar, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ quan ngại chung về tình hình bất ổn tại đây cũng như hệ lụy của việc gia tăng các loại hình tội phạm xuyên quốc gia, ảnh hưởng đến ổn định chung ở khu vực; nhấn mạnh các bên liên quan tại Myanmar cần chấm dứt bạo lực, nỗ lực đối thoại vì lợi ích đầu tiên và trên hết của người dân Myanmar. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đề xuất ASEAN cần bảo đảm tính liên tục và hiệu quả trong triển khai “Đồng thuận 5 điểm”, phát huy vai trò trung tâm trong hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp khả thi và bền vững cho Myanmar cũng như tăng cường công tác hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này, đồng thời tối ưu hóa các cơ chế và sáng kiến bổ trợ cho các nỗ lực chung của ASEAN.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định lại sự cần thiết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Ngày 9-10, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia của Lào.

Cũng trong ngày 9-10, lãnh đạo các nước ASEAN và Timor Leste sẽ tham dự các phiên họp toàn thể, phiên họp hẹp và các phiên đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) và Thanh niên ASEAN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
ASEAN thống nhất các nội dung quan trọng tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 44-45

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.