Theo dõi Báo Hànộimới trên

ASEAN theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình

Theo TTXVN| 17/06/2021 06:51

Sáng 16-6, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8 được tổ chức dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Awang Halbi bin Haji Md Yussof, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 Brunei.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng/đại diện Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác (Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ); Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Trưởng đoàn Việt Nam dự hội nghị là Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về tình hình an ninh thế giới, khu vực, đặc biệt là các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống có ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực; đánh giá kết quả hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ thời gian qua…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định ủng hộ các sáng kiến của Brunei đưa ra trong năm 2021, đồng thời chia sẻ về vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Về vấn đề Biển Đông, Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng, tất cả các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đồng thời cần sớm hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất. Các lực lượng hoạt động trên biển của các quốc gia phải hết sức kiềm chế, không có những hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp dưới mọi hình thức.

Hội nghị ADMM+ lần thứ 8 đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan của ADMM+ về việc thúc đẩy một ASEAN sẵn sàng cho tương lai hòa bình và thịnh vượng. Đối với việc ứng phó với các thách thức an ninh biển cũng như xử lý các vấn đề trên biển trong khu vực, các nước ADMM+ nhấn mạnh sự cần thiết phải theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
ASEAN theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.