(HNMO) – Chiều 15-10, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp một số vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.
Bình luận trước thông tin nhóm các nước đối tác gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia mong muốn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN trong lĩnh vực tự do trên biển, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “ASEAN luôn hoan nghênh các ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh chung. Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đặt nhiệm vụ chính trong năm là xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò Chủ tịch của mình, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài và sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu và khu vực, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng ASEAN và các nước đối tác, cũng là đối tác của ASEAN chung tay khôi phục kinh tế, ổn định đời sống người dân vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Trong quá trình này, luật pháp quốc tế, tinh thần đối thoại và hợp tác cần luôn được đề cao”.
Cũng trong khuôn khổ họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng sẽ đồng chủ trì Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN 2020 trong hai ngày 22 và 23-10 tại Hà Nội theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với chủ đề “Đô thị thông minh hướng tới cộng đồng bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn.
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức một số hoạt động văn hóa, bao gồm cả việc phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức giải chạy marathon ASEAN 2020 với khẩu hiệu “Đón bình minh, chào bình thường mới” vào lúc 0h ngày 18-10.
* Bình luận về thông tin Trung Quốc có hơn 400 doanh nghiệp trên cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.