(HNMO) - Việc các trung tâm ủy quyền của Apple tại Việt Nam trong tuần qua chính thức từ chối tiếp nhận bảo hành đối với iPad, MacBook không phải chính hãng hoặc thiếu hóa đơn, dù sản phẩm trong diện bảo hành toàn cầu đã khiến người tiêu dùng gặp khó.
Khác với iPhone, đa phần iPad và MacBook trên thị trường hiện nay đều là hàng "ngoài luồng" và được xách tay từ Mỹ, châu Âu, Hong Kong và nhiều nước trong khu vực ASEAN (đặc biệt là Malaysia, Singapore).
Nhờ chính sách bảo hành khá rộng rãi của Apple, những sản phẩm này lâu nay vẫn được bảo hành như hàng bán ra qua các kênh phân phối chính hãng. Các cửa hàng kinh doanh tư nhân được lợi khi bán máy ra mà không cần lo về hậu mãi và sửa chữa.
Tuy nhiên, việc bảo hành không cần hóa đơn như vậy đã tạo ra sức ép lớn về số lượng máy bảo hành; đồng thời, tạo ra sơ hở, cho phép một số các cửa hàng sửa chữa nhỏ lẻ lợi dụng để tráo đổi linh kiện cũ lấy mới thông qua thủ thuật lắp đồ cũ hỏng vào một mẫu máy còn bảo hành.
Đây là thực tế đã tồn tại nhiều năm, gây ra nhiều bất cập đối với hoạt động của hệ thống dịch vụ ủy quyền chính hãng, khiến chất lượng dịch vụ suy giảm. Trong khi đó, những người dùng chấp nhận bỏ ra nhiều tiền mua máy từ hệ thống phân phối của Apple cũng bất bình vì không được hưởng đặc quyền nào.
Trong bối cảnh thị trường MacBook, iPad xách tay hay đã qua sử dụng ở Việt Nam sống dựa vào chế độ bảo hành toàn cầu của Apple như vậy, chuỗi dịch vụ ủy quyền của Apple buộc phải siết lại các quy định về bảo hành là điều dễ hiểu. Động thái này cũng giúp bảo đảm quyền lợi của hệ thống phân phối hàng chính hãng, cũng như những người tiêu dùng mua hàng từ các kênh này.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách bảo hành bất ngờ nhưng lại không thông báo rộng rãi từ trước khiến nhiều người dùng gặp khó. Không ít người tuy mua máy mới tinh từ các cửa hàng nhưng vẫn bị từ chối bảo hành vì thiếu hóa đơn “xịn”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng quy trình mới của Apple là quá nhiêu khê đối với người dùng trong nước, nhất là khi nhiều hãng công nghệ khác đều đã áp dụng bảo hành theo số hiệu (serial number) của sản phẩm thay vì yêu cầu hóa đơn, vốn là hình thức đã cũ.
Bên cạnh đó, việc phải bảo quản hóa đơn trong thời gian dài (thậm chí lên tới trên 3 năm đối với các máy có gói bảo hành mở rộng Apple Care) là điều không dễ dàng.
Tuy nhiên, qua trao đổi với hệ thống dịch vụ ủy quyền của Apple tại Việt Nam (Futureworld), được biết chính sách bảo hành mới đã được áp dụng triệt để kể từ đầu tháng 8-2019. Giờ đây, người dùng không có cách nào khác buộc phải xuất trình hóa đơn chứng thực nguồn gốc máy để được bảo hành chính hãng.
Theo ghi nhận, với các máy có hóa đơn điện tử, người dùng sẽ phải gửi email gốc hoặc phải in ra và xuất trình khi bàn giao máy bảo hành (tên không nhất thiết phải đúng với chủ sở hữu). Các trường hợp xuất trình ảnh chụp sẽ không được chấp nhận.
Hiện nay, hệ thống phân phối chính hãng Apple sẽ gửi email hóa đơn bán hàng nếu người dùng đặt mua qua mạng, và chỉ bàn giao phiên bản giấy in khi mua trực tiếp.
Đối với hệ thống kinh doanh máy tính Mac và iPad không chính hãng tại Việt Nam, thay đổi nói trên chắc chắn tạo ra sức ép lớn trong thời gian tới.
Một số công ty cho biết, việc không còn bảo hành chính hãng khi thiếu hóa đơn gốc sẽ tác động nhiều nhất tới các dòng máy mới “nguyên seal”, đặc biệt khi thời gian bảo hành cam kết với nhóm mặt hàng này thường ít nhất 12 tháng.
Mặt khác, tuy phần lớn không có hóa đơn gốc nhưng đây lại là nhóm máy thường được quảng bá “bảo hành chính hãng” như một thế mạnh để hút khách.
Để được hưởng quy trình bảo hành đúng theo chuẩn Apple, những máy này giờ đây sẽ phải được cửa hàng bán ra gửi sang Singapore với chi phí khoảng từ 2-3 triệu đồng/lần thông qua các “dịch vụ trung gian”.
Chi phí bảo đảm chất lượng sử dụng tăng lên có thể khiến người bán rơi vào cảnh “càng bán càng lỗ”, chắc chắn sẽ dẫn tới những hạn chế kinh doanh trong tương lai.
Trong khi đó, với các công ty chuyên bán máy cũ, máy lướt, việc bảo hành chính hãng giờ đây rơi vào bế tắc cũng sẽ khiến giá tới tay người dùng giảm ít nhiều.
Tuy nhiên, việc các cửa hàng tự đứng ra bảo hành không phải điều quá khó. Chủ một cửa hàng kinh doanh nhóm này cho biết, hầu hết các lỗi nhỏ của Macbook hay iPad đã có thể tự khắc phục bởi tay nghề kĩ thuật viên trong nước giờ đây khá tốt. Việc gửi bảo hành chính hãng ở nước ngoài chỉ bắt buộc khi máy bán ra bị lỗi màn hình hay bo mạch chủ (logic board).
Tuy nhiên, việc tự can thiệp sửa chữa lỗi trên những dòng máy tinh vi như Macbook hay iPad sẽ tiềm ẩn nhiều bất cập khó lường trước, và người dùng cần phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với các rủi ro dạng này.
Dĩ nhiên, đối với người dùng đang tìm mua máy mới tại Việt Nam, phương án tối ưu vào lúc này chính là chọn các sản phẩm đang được phân phối chính hãng qua các kênh ủy quyền trong nước của Apple (như FPT hay Thế giới di động).
Dĩ nhiên, mức giá máy nhóm này sẽ cao hơn nhiều các lựa chọn xách tay hay lướt mà họ đã quen thuộc nhiều năm qua (thậm chí tới cả chục triệu đồng), nhưng đổi lại có được chế độ bảo hành tiêu chuẩn.
Với những người mua máy mới từ nước ngoài, việc yêu cầu nơi bán bàn giao hóa đơn bán hàng là điều cần phải lưu tâm, trong khi bảo quản hóa đơn giờ đây đương nhiên là “nhiệm vụ” bắt buộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.