(HNMO) - Thống kê mới công bố của Counterpoint Research ghi nhận, trong 10 mẫu điện thoại bán chạy nhất hiện nay, có tới 8 mẫu iPhone.
Theo đó, thị trường toàn cầu trong toàn năm qua chứng kiến 8 mẫu iPhone bán chạy đầu bảng. Trong đó, vị trí số một thuộc về iPhone 13, với khoảng 5% thị phần; iPhone 13 Pro Max ở vị trí thứ hai với thị phần 2,6%; iPhone 14 Pro Max giữ vị trí thứ ba với thị phần 1,7%. Toàn bộ các vị trí thứ 5, 6, 7, 8, 9 cũng đều là sản phẩm Apple, lần lượt là iPhone 13 Pro (1,6%), iPhone 12 (1,5%), iPhone 14 (1,4%), iPhone SE 2022 (1,1%).
Cũng theo các số liệu, iPhone 13 là sản phẩm chủ lực hiện nay của Apple, đóng góp 28% tổng doanh số của hãng này. Các thị trường chứng kiến mẫu máy này đứng đầu gồm có Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Lượng iPhone 13 bán ra thị trường cũng nhiều gấp đôi “đàn anh” iPhone 13 Pro Max, thậm chí là máy bán chạy nhất thế giới hằng tháng, kể từ tháng 9-2021 (thời điểm trình làng) cho tới tháng 8-2022. Việc iPhone 14 ra mắt khiến giá iPhone 13 giảm mạnh khiến cho sức tiêu thụ trở nên mạnh mẽ hơn trong những tháng qua.
Về phần mình, iPhone 12 tuy đã ra mắt 2 năm nhưng vẫn bán chạy ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây cũng là lựa chọn điện thoại 5G “giá rẻ” hiện nay trong danh mục sản phẩm Apple.
Tên tuổi thứ hai và cũng là duy nhất còn lại nằm trong nhóm 10 mẫu điện thoại bán chạy là Samsung, nhưng chỉ có 2 đại diện sản phẩm là Galaxy A13 (với thị phần 1,6%) ở vị trí thứ 4 và Galaxy A03 (với thị phần 1,1%) ở vị trí thứ 10. Việc có hai đại diện trong nhóm điện thoại bán chạy là bước tiến đáng chú ý, bởi năm 2021, Samsung chỉ có một mẫu lọt vào nhóm này.
Theo giới chuyên môn, lý do A13 có thể cạnh tranh với đối thủ iPhone là nhờ việc tích hợp nhiều tính năng mạnh ở khoảng giá khá hấp dẫn (dưới 250 USD). Các thị trường chủ lực của sản phẩm là khu vực Caribbean, Mỹ Latinh, Ấn Độ, Trung Đông…
Như vậy, 10 mẫu sản phẩm bán chạy nhất đã chiếm khoảng 19% tổng số điện thoại tới tay người tiêu dùng toàn cầu. Con số này được dự báo sẽ còn tăng mạnh, trong bối cảnh năm 2023 sẽ là giai đoạn các nhà sản xuất tiếp tục tập trung giải phóng kho dự trữ và tối ưu hóa dải sản phẩm. Nỗ lực này cũng sẽ khiến số đầu sản phẩm của mỗi thương hiệu giảm mạnh, để hạn chế tối đa tình trạng “dẫm chân lên nhau”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.