Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp-ga-ni-xtan: Ghập ghềnh con đường tái thiết

THUHANG| 24/04/2004 10:56

Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về đầu tư và thương mại lần thứ 2 của Tổ chức Hợp tác kinh tế 10 nước Trung và Nam Á (ECO) vừa diễn ra tại thủ đô Ca-bun (Áp-ga-ni-xtan) trong hai ngày 18-19/4 là sự kiện thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Cảnh thiếu nước sinh hoạt ở Áp-ga-ni-xtan

Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về đầu tư và thương mại lần thứ 2 của Tổ chức Hợp tác kinh tế 10 nước Trung và Nam Á (ECO) vừa diễn ra tại thủ đô Ca-bun (Áp-ga-ni-xtan) trong hai ngày 18-19/4 là sự kiện thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Đây không chỉ là hội nghị quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Áp-ga-ni-xtan - một đất nước vừa gượng dậy sau hơn 20 năm bị chiến tranh tàn phá - mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của quốc gia Trung á này trong quá trình phục hồi kinh tế và tái thiết đất nước. Đây là cơ hội để Áp-ga-ni-xtan - quốc gia vừa nhận được khoản cam kết cho vay 8,2 tỷ USD từ cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế hồi đầu tháng 4 - tìm hướng khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào công cuộc tái thiết ở đây.

Song để đạt được điều đó, Áp-ga-ni-xtan hiện vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng nghèo đói, mất an ninh, nạn sản xuất và buôn bán thuốc phiện...v.v. Những trở ngại này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc tái thiết, mà còn làm cản trở tiến trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 6 tới. Người phát ngôn Liên hợp quốc M.E.Xin-va cho biết, cuộc tổng tuyển cử này đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ do tình trạng mất an ninh. Trước đó, để tăng cường công tác an ninh cho các cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra, hồi cuối tháng 3 vừa qua, Mỹ đã điều động thêm 2.000 lính thủy đánh bộ đến hỗ trợ 12.000 binh sĩ Mỹ đang có mặt tại Áp-ga-ni-xtan truy lùng trùm khủng bố Bin La-đen, các lãnh đạo Ta-li-ban và An Quây-đa. Nhưng xem ra các cuộc truy lùng, tìm diệt trong “Chiến dịch Bão núi” của lính Mỹ và liên quân không hiệu quả cho lắm. Ngược lại, dường như tình hình bất ổn ở Áp-ga-ni-xtan hiện nay lại là “môi trường” thuận lợi để các phần tử của Ta-li-ban và An Quây-đa tập hợp lại lực lượng, tiến hành các vụ tấn công, gây cản trở cho các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang làm nhiệm vụ tại đây.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã hơn 2 năm rưỡi trôi qua kể từ khi chính quyền Ta-li-ban sụp đổ nhưng Áp-ga-ni-xtan vẫn là quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, Áp-ga-ni-xtan lại là nước sản xuất thuốc phiện, nguyên liệu bào chế hê-rô-in lớn nhất thế giới. Khoảng 90% lượng hê-rô-in len lỏi trên các đường phố châu Âu có xuất xứ từ cây anh túc được trồng tại Áp-ga-ni-xtan. Năm ngoái, hoạt động này đem lại lợi nhuận 2,3 tỷ USD, gần bằng 1/2 GDP của quốc gia này. Điều đáng nói là, trong số các tổ chức được hưởng lợi từma túy có cả Ta-li-ban, An Quây-đa và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Bất chấp việc càn quét của lính liên quân do Mỹ cầm đầu thời gian qua ở Áp-ga-ni-xtan, mối liên hệ giữa buôn lậu ma túy và sự tồn tại của An Quây-đa ngày càng mật thiết hơn. Đó là một trong những trở ngại lớn nhất đối với quá trình tái thiết Áp-ga-ni-xtan - điều mà chính quyền Mỹ cũng như các quốc gia cam kết viện trợ cho quốc gia Trung á này hết sức lo ngại.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, thật khó có thể xây dựng lại một đất nước Áp-ga-ni-xtan đã bị tàn phá nặng nề sau 2 thập kỷ nội chiến và chiến tranh, khi mà nền an ninh đang bị hủy hoại bởi hoạt động buôn lậu ma túyvà tội ác của các nhóm khủng bố được thuốc phiện nuôi dưỡng ! Vậy các nhà lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan đã và đang làm gì để đưa nền kinh tế nước này đi lên ? Thực ra, kể từ khi thành lập đến nay, bộ máy lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan vẫn chỉ là một “ủy ban điều đình của các thủ lĩnh phe nhóm”, chưa có tiếng nói quyết định. Trước tình trạng trên, hôm 20-4 vừa qua Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai đã yêu cầu cắt giảm số lượng thành viên trong nội các chính phủ vì nội các Áp-ga-ni-xtan hiện nay gồm 30 bộ nhưng nhiều bộ vẫn hoạt động chồng chéo nhau về chức năng, nhiệm vụ và không hiệu quả...

Tuy nhiên mong muốn này của Tổng thống Ca-dai xem ra khó thực hiện vì việc phân chia quyền lực trong các nhóm, phe phái ở quốc gia Trung Á này vẫn là một bài toán khó. Chính vì vậy, có một bộ máy lãnh đạo đủ năng lực để đưa Áp-ga-ni-xtansớm đi vào ổn định tình hình kinh tế - chính trị là điều mà người dân Áp-ga-ni-xtan đang trông đợi ở cuộc tổng tuyển cử này.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Áp-ga-ni-xtan: Ghập ghềnh con đường tái thiết

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.