Chính trị

Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, hướng tới sự minh bạch, đàng hoàng

Phong Thu 20/12/2023 - 19:59

Chiều 20-12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nội vụ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chuyển biến toàn diện, rõ nét

z4992381748549_9e954bc54be35af2e8d3031393a3b8c2.jpg
Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2023, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Nội vụ đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt thực hiện tốt “3 đột phá, 4 trọng tâm”, tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương.

Trong đó, kết quả nổi bật là ngành tập trung cao cho xây dựng và hoàn thiện thể chế: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm sự liên thông, thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời đã chủ động, tích cực giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó, những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đặt ra và yêu cầu, nhiệm vụ của xu thế đổi mới và phát triển, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Tham mưu Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt là cải cách mạnh mẽ về công vụ, công chức: Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và tập trung giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ; tăng cường thanh tra công vụ, công chức và xử lý nghiêm việc sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; điều chỉnh mức lương cơ sở lên 20,8% từ ngày 1-7-2023; tích cực tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TƯ Ban Chấp hành Trung ương bảo đảm đồng bộ, thống nhất để thực hiện từ 1-7-2024; hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức và kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thẩm định, tham mưu chặt chẽ, đúng quy định công tác cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

z4992402362519_4e615263a142c52694397a548e035311.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, ngành Nội vụ cũng đã tập trung tham mưu, triển khai quyết liệt thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tích cực tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 60 đơn vị hành chính đô thị của 12 tỉnh và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương. Đổi mới căn bản, toàn diện đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.

Cần có hướng dẫn về cơ cấu ngạch công chức, viên chức

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thời gian qua, cũng như đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt công tác ngành Nội vụ trong thời gian tới..

z4992483801240_b691e677aec14094e7fa7e010e3fbfa4.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tham luận tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tham luận tại hội nghị cho biết, thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính. Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát xây dựng quy chế, quy trình giải quyết công việc nội bộ ngoài thủ tục hành chính theo định hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số bằng các chính sách tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp...

Về phương án giải quyết những vấn đề cơ bản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải thông tin, thành phố Hà Nội luôn nhận thức, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, tại 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã: Thành phố Hà Nội có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Thành phố đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Bộ Nội vụ thống nhất thông qua. Theo phương án tổng thể của thành phố, sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã (54 xã, 15 phường, 1 thị trấn). Sau khi sắp xếp thành phố sẽ phải thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn.

Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị một số nội dung, trong đó, đề xuất Bộ Nội vụ có hướng dẫn về cơ cấu ngạch công chức, viên chức trong quá trình xây dựng đề án vị trí việc làm để thống nhất và đồng bộ.

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành Nội vụ đã đạt được, đồng thời đề nghị năm 2024 ngành cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

z4992803255096_2fbaa31a5ea08951ad42834cacb9b790.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Trong đó, cần tiếp tục hoàn thành các Nghị định, bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Nhấn mạnh việc xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm là việc khó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị cần thực hiện theo nguyên tắc kết nối tốt với địa phương để kịp thời hướng dẫn thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh, không cầu toàn, bám vào nguyên tắc chung mang tính cốt lõi và và quá trình triển khai có sự linh hoạt, phù hợp; đặc biệt cần phân cấp mạnh cho các địa phương. Mục tiêu đề án vị trí việc làm xong trong quý I (trước ngày 30-3-2024), để ngày 1-7-2024 áp dụng được chính sách tiền lương mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phải làm kịp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới. Đồng thời, đề nghị cần đề nghị tính toán việc tuyển dụng theo phương thức mới, kết hợp với chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài. Cùng với đó, phải đẩy mạnh tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính; áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, để hướng tới sự minh bạch hơn, đàng hoàng hơn, tử tế hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị ngành Nội vụ cần tiếp tục lưu ý thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, tôn giáo, tín ngưỡng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, hướng tới sự minh bạch, đàng hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.