Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ảo tưởng quyền lực, nhiều nhà báo quên trách nhiệm của người cầm bút

Theo Thu Hằng/VOV| 17/06/2016 07:52

Nhiều nhà báo nghĩ báo chí là cơ quan quyền lực, nên hay dọa nạt, hách dịch với cơ sở; sa vào điều kiện vật chất mà quên đi trách nhiệm xã hội.

Hiện nay, tình trạng đưa tin giật gân, câu khách, thậm chí sai sự thật, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cộng đồng xã hội, thiệt hại đến đời sống của người dân đã khiến uy tín của người làm báo chân chính bị ảnh hưởng, niềm tin của công chúng đối với báo chí bị giảm sút. Hơn lúc nào hết đạo đức báo chí đang là vấn đề được đặt ra, đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của người làm báo cần được nâng cao hơn nữa.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong những năm gần đây đã trở thành lực đẩy để các nhà báo “tăng tốc” cho kịp với tốc độ của thông tin thời “số hóa”. Điều đáng nói, bên cạnh sự chính xác, trung thực trong phản ảnh, thì sự nhanh nhạy, kịp thời thì sự “sốt ruột” của một số tờ báo, nhất là báo điện tử trong việc cung cấp thông tin đã khiến không ít những sự kiện bị bóp méo hoặc bị đẩy đi quá xa bản chất của vấn đề.

Các PV trong một lần tác nghiệp (Ảnh minh họa: MD)


Thậm chí, “lấn sân” đưa ra những chiêu thức câu khách “thiếu văn hóa”, mất đạo đức nghề nghiệp: từ việc xuất hiện ảnh nóng, chuyện phòng the của người nổi tiếng đến những clip nữ sinh đánh nhau…

Không chỉ xảy ra đối với báo mạng, mà ngay cả những cơ quan báo chí chính thống cũng xảy ra tình trạng này, điển hình như phóng sự "Cây chổi quét rau" đã phát trên một kênh truyền hình có uy tín ngày 3/5, ngay sau đó đã gây ra nhiều ý kiến không đồng thuận. Sự việc khiến dư luận bức xúc, nhất là khi nhiều người dân Thanh Hóa chia sẻ clip hình ảnh phóng viên truyền hình xin lỗi và mong bà con nông dân thông cảm do đã sai sót trong khi thực hiện phóng sự.

Chị Phạm Thị Hường ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: “Chỉ với chiếc điện thoại tôi có thể xem được nhiều thông tin. Có lần tôi thấy tít hay nhưng nhấp chuột thì nội dung lại không đúng, thậm chí phản cảm. Ngay như clip lấy chổi quét rau của VTV, một kênh truyền hình uy tín, khi đưa ra tin bài viết như vậy ai cũng tin, ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất của họ”.

Có thể thấy, trong quá trình tác nghiệp, một tác phẩm vi phạm đạo đức nghề nghiệp không những gây hậu quả xã hội to lớn mà còn khó có thể lấy lại được danh dự và uy tín của cơ quan báo chí đối với công chúng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Biên tập báo Yên Bái cho rằng, một bộ phận phóng viên, nhà báo được đào tạo về nghề, nhưng lại không trải qua những trường đời về đạo đức. Họ có thể viết tốt, nhưng lại thiếu cái tâm để lựa chọn vấn đề hữu ích, phù hợp với lợi ích chung của xã hội, đôi khi ảo tưởng về quyền lực của một nhà báo mà quên đi trách nhiệm của người cầm bút, ảnh hưởng không nhỏ đến hình tượng người làm báo chân chính.

“Trước kia, phóng viên báo Yên Bái đi tác nghiệp nhiều khi nghĩ báo chí là cơ quan quyền lực, nên hay dọa nạt, hách dịch với cơ sở. Nhiều phóng viên sa vào điều kiện vật chất mà quên đi trách nhiệm xã hội của mình, có những phóng viên quá chén, quá đà dẫn đến tư cách, hình tượng của người làm báo xấu đi” – ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Đạo đức của nhà báo không chỉ là sự dũng cảm, dám xông vào những nơi nguy hiểm nhất để phanh phui những mặt trái của đời sống, mà còn góp phần trong việc “định hướng” dư luận, ngòi bút của nhà báo phải như nguồn sáng dẫn đường để mọi người cùng hướng thiện.

Tiến sĩ Phạm Văn Thấu, Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, người làm báo còn bị chi phối bởi lương tâm và trách nhiệm. Vì vậy, người làm báo phải có trách nhiệm hơn, nhất là đối mặt với cái xấu, phi tiến bộ để đấu tranh triệt tiêu nó, đó cũng là một khía cạnh về đạo đức của nhà báo.

Không chỉ vậy, vấn đề đạo đức cần được coi trọng ngay trong chương trình đào tạo báo chí truyền thông, để sinh viên nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ về trách nhiệm của người cầm bút từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đạo đức báo chí và trách nhiệm xã hội của người làm báo thời đại nào cũng được đặt lên hàng đầu. Hơn lúc nào hết, xã hội hiện nay rất cần những người làm báo chân chính thể hiện cái tâm, tầm và trách nhiệm trước công chúng để tạo ra những sản phẩm phản ánh công minh, có định hướng một cách chân thực, biết chia sẻ những vui buồn với người dân, hướng đến một xã hội ngày một tốt đẹp hơn./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ảo tưởng quyền lực, nhiều nhà báo quên trách nhiệm của người cầm bút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.