Đây là một ca khúc mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã viết về một nhân vật có thật, đó là Đại tá Hứa Hòa Hưng (1927 - 2016).
Năm 1947, trong một trận đánh quân Pháp do Tiểu đội trưởng Ba Hưng (tên thường gọi của ông Hứa Hòa Hưng) chỉ huy ở Bạc Liêu, đơn vị đã tiêu diệt được nhiều tên địch, phá hủy nhiều xe cơ giới, trở thành lá cờ đầu lập chiến công của huyện Giá Rai, được cấp trên khen ngợi. Vào thời điểm trên, một đoàn văn nghệ sĩ đi lưu diễn và thực tế sáng tác ghé ngang đơn vị. Đoàn gồm các nhạc sĩ và ca sĩ như Trần Kiết Tường, Văn Luyến, Tường Thanh, Văn Lưu, Khánh Dân...
Ở tại đơn vị, các văn nghệ sĩ được nghe những người lính kể về sự chỉ huy tài tình của Tiểu đội trưởng Hứa Hòa Hưng. Sau buổi trò chuyện ấy, nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã sáng tác ca khúc “Anh Ba Hưng” và chuyển về cho Đài Phát thanh Nam Bộ. Ca khúc như một lời kể chuyện với giai điệu vui tươi, âm hưởng ngợi ca: “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân/ Đi lính ba năm trường vừa mới được huân chương/ Thằng Sáu nó khen anh hoài/ Cái thằng nhỏ xíu mà khôn/ Nó khen, nó khen anh hoài/ Nó nói rằng anh có tài”.
Sinh thời, nhạc sĩ Trần Kiết Tường từng nói về chất liệu mà ông vận dụng để sáng tác ca khúc. Ông nói rằng, ca khúc này mang đậm âm hưởng Nam Bộ vì ông đã mượn giai điệu của bài dân ca “Con chim manh manh”.
Nhờ lời ca vui tươi, dễ nhớ và gần gũi với dân ca nên rất nhanh chóng ca khúc “Anh Ba Hưng” đã “phủ sóng” khắp các tỉnh Nam Bộ. Khi mà bài hát nổi tiếng khắp vùng giải phóng thì ông Hứa Hòa Hưng không dám nhận mình là nhân vật trong bài hát ấy vì sợ ảnh hưởng đến tổ chức và có thể nguy hiểm cho chính bản thân anh. Mãi khi nghỉ hưu, ông mới chính thức nhận mình là nguyên mẫu trong bài hát nổi tiếng năm xưa.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường (1924 - 1999) quê ở Cần Thơ. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Áo bà ba”, “Bốn bánh xe tôi lăn”, “Cánh tay miền Nam trên đất Bắc”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Em đi chơi thuyền”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.