(HNM) - Thời gian gần đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là bệnh ấu trùng sán dây lợn, nhiễm sán lá gan lớn… Nguyên nhân là do ăn uống không bảo đảm vệ sinh, ăn thực phẩm sống. Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân đến viện muộn khiến việc điều trị khó khăn, ký sinh trùng đã tấn công lên não kéo theo nhiều di chứng.
Nhiễm sán lại tưởng bị tai biến, đột quỵ
Đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, liệt nửa người trái, ông N.V.S (54 tuổi, ở Thái Nguyên) được làm các xét nghiệm và chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả, ông S được chẩn đoán bị nhiễm ấu trùng sán lợn trong não và xét nghiệm huyết thanh dương tính với giun lươn. Bệnh nhân được chỉ định tẩy sán trưởng thành, dùng thuốc điều trị bệnh đặc hiệu để làm giảm sự phát triển của ấu trùng và các triệu chứng lâm sàng kèm theo.
Ông S cho biết, ông thường xuyên ăn rau sống, nem chạo, nem thính. Thỉnh thoảng ông còn ăn thêm tiết canh và thịt lợn tái sống. Khi xuất hiện tình trạng đau đầu, liệt nửa người, ông đã nghĩ mình bị tai biến. Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, các bác sĩ cho biết, các biểu hiện nhiễm ấu trùng sán dây lợn, nhiễm giun lươn sẽ khiến nhiều người lầm tưởng bị tai biến, đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và có những di chứng khác kèm theo.
Tương tự, bà N.T.O (58 tuổi, ở Hải Dương) thường xuyên bị nóng trong người. Do đó, mỗi tháng, bà ăn tiết canh tự đánh để giải nhiệt. Cách đây mấy tháng, bà bị ngã và được cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương. Sau 7 ngày điều trị tại đây, bà O được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Tại bệnh viện, bà được chẩn đoán bị ấu trùng sán lợn lên não và được chuyển sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Sau khi điều trị tại đây, bệnh tình đã thuyên giảm, bà O được về nhà uống thuốc theo đơn bác sĩ. Mới đây, bà lại đến bệnh viện để kiểm tra. Ở lần tái khám này, các bác sĩ phát hiện, bệnh nhân có hiện tượng phù não và phải nhập viện điều trị.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, bệnh về ký sinh trùng diễn biến âm thầm trong cơ thể người, kéo dài nhiều năm có thể tới 10 năm, thậm chí 20 năm. Nhiều bệnh nhân từng đi ngoài ra đốt sán hàng chục năm nhưng không thấy cơ thể có biểu hiện gì khác lạ nên cho đó là bình thường và không đi khám. Cho đến khi cơ thể yếu, có nhiều cơn co giật, họ mới đến bệnh viện thì khi đó, các loại ký sinh trùng có thể đã gây tổn thương ở não.
Không ít bệnh nhân từng đi khám ở rất nhiều cơ sở y tế, từ bệnh viện, phòng khám tư cho đến các bệnh viện công ở địa phương và Trung ương nhưng không chẩn đoán ra bệnh, làm mất đi “thời gian vàng” điều trị bệnh. Thậm chí, có nhiều người nghĩ mình mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm. Khi đến được bệnh viện chuyên khoa điều trị các bệnh ký sinh trùng thì đã ở giai đoạn tương đối muộn, ký sinh trùng đã tấn công lên não và phải chịu nhiều di chứng kéo dài suốt cuộc đời như: Giảm thị lực, co giật…
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ lưu ý thêm, sán não cũng khiến cho bệnh nhân bị ảnh hưởng, suy giảm trí nhớ. Có những trường hợp nhập viện trong tình trạng nhớ nhớ, quên quên. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng, trung bình một ngày có từ 5 đến 6 cơn co giật toàn thân. Những cơn co giật có thể xuất hiện không báo trước rất nguy hiểm, nhất là khi người bệnh tham gia giao thông.
Luôn bảo đảm ăn chín, uống sôi
Đề cập đến nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn, giun lươn, theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ là do ăn uống không bảo đảm vệ sinh, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như tiết canh, nem chạo, nem thính, rau sống… Hơn nữa, ở vùng núi, tình trạng chăn thả lợn rông còn nhiều. Trong chất thải của lợn có thể có trứng sán. Khi người hoặc động vật ăn phải rau, cỏ, thực phẩm có trứng sán thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm sán lợn.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ cũng cho hay, tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lỵ, cho đến liên cầu khuẩn, giun sán… Tiết canh từ lợn do gia đình nuôi vẫn có nguy cơ lây nhiễm sán cao. Thậm chí, trong quá trình cắt tiết, chế biến không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn dẫn tới vi khuẩn ở da, lông con vật dễ dàng xâm nhập vào máu…
Để phòng ngừa bệnh giun sán, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở cả trẻ em và người lớn. Việc sử dụng các loại thuốc tẩy giun sán phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, trứng và ấu trùng sán sẽ chết khi ở trong nhiệt độ trên 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi liên tục với 100 độ C trong 2 phút. Do đó, người dân cần thực hiện đúng quy tắc “ăn chín, uống sôi”. Ăn các thực phẩm được nấu chín, không ăn các thức ăn sống từ lợn như nem chua sống, thịt lợn tái, tiết canh…
Ngoài ra, ăn các loại rau sống không bảo đảm vệ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh sán dây lợn. Đặc biệt, người tiêu dùng cần cẩn thận trước khi chế biến thực phẩm. Không sử dụng thịt lợn bệnh để chế biến thực phẩm. Tránh mua thịt lợn, rau, củ quả không có xuất xứ nguồn gốc. Cùng với đó, người dân cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm; giữ môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ… Khi nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng cần tới các cơ sở chuyên khoa về bệnh ký sinh trùng để được thăm khám và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.