(HNM) - Thật may mắn khi tôi được tham gia cùng đoàn cán bộ ngành nông nghiệp Hà Nội đến thăm, học tập kinh nghiệm xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.
Khu NNCNC lớn nhất cả nước
Khu NNCNC của TP Hồ Chí Minh là mô hình đầu tiên trong cả nước được xây dựng từ năm 2004 tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi với tổng diện tích 88,17ha. Khu NNCNC nằm trên tuyến đường đi địa đạo Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 44km về phía Tây bắc nên thuận tiện giao thông và được xây dựng mô hình đa chức năng khá hiệu quả. Do sự cần thiết và tính chất quan trọng của khu nên UBND thành phố đầu tư toàn bộ kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật với số tiền 152,627 tỷ đồng và quyết định Ban Quản lý Khu NNCNC trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh.
Tham quan Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. |
Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết, Khu được giao 2 nhiệm vụ chức năng cơ bản là hỗ trợ, tác động, dẫn dắt, quảng bá cách làm NNCNC thông qua hoạt động trình diễn và chuyển giao công nghệ, huấn luyện đào tạo, xây dựng mô hình khảo nghiệm giống, cung cấp các giống rau, hoa, quả, cá cảnh, chế phẩm sinh học... cho thị trường. Thế mạnh của Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh là hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện các quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao cho sản xuất. Từ năm 2006 đến nay, Khu đã thực hiện 15 đề tài cấp tỉnh, thành phố tập trung vào các đối tượng như hoa lan (sưu tập, bảo tồn giống lan rừng, lan....), cây rau (rau ăn lá, cây rau ăn quả như cà chua, dưa lê, dưa leo, ớt). Trong năm 2014, Khu đang thực hiện 3 đề tài cấp tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Khu thực hiện 124 nội dung nghiên cứu thường xuyên tập trung vào các nhóm đối tượng hoa lan, rau ăn quả, cá cảnh, các loại chế phẩm sinh học...
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm khá hồ hởi khẳng định kết quả rất thuyết phục sau 4 năm Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động. Khu NNCNC dành hơn 56ha để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, đến thời điểm này đã hoàn thành kêu gọi đầu tư 14 dự án với diện tích 56,8ha triển khai phù hợp tiêu chí NNCNC của Bộ NN&PTNT, tổng vốn đã đầu tư hơn 193 tỷ đồng, suất đầu tư trung bình đạt hơn 8 tỷ đồng/ha. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng NNCNC trong chọn tạo, nhân giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, công nghệ tế bào thực vật, công nghệ sinh học phân tử, sản xuất các chế phẩm sinh học. Như vậy, các nhà đầu tư đã lấp đầy Khu NNCNC, trong đó hơn 70% diện tích đất đã được sử dụng tạo ra sản phẩm, theo tiến độ đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành 100% các hạng mục của dự án để đi vào hoạt động ổn định với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết: Trước yêu cầu của sản xuất nông nghiệp đô thị, thành phố đã quyết định đầu tư mở rộng theo hướng vùng NNCNC thêm 3 khu, đó là khu NNCNC ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ 90ha (năm 2014 hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư); khu NNCNC ngành chăn nuôi tại huyện Bình Chánh, quy mô 180ha thuộc đất Nông trường An Hạ và khu NNCNC ngành trồng trọt giai đoạn 2 tại huyện Củ Chi, quy mô 200ha (trình thành phố phê duyệt 2014).
Trao đổi kinh nghiệm
về thành công của Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh với đoàn cán bộ nông nghiệp Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh Trần Xuân Lý cho biết: Từ năm 2004, TP Hồ Chí Minh đã xác định phát triển nông nghiệp theo định hướng đô thị làm nông nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường nên rất cần thiết phải xây dựng khu NNCNC. Khi quy hoạch, thành phố đã chọn diện tích đất của Nông trường Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), chỉ cách thành phố 44km, không phải thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nên triển khai khá nhanh. Mặt khác, thành phố quan tâm đầu tư toàn bộ ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, Khu NNCNC dành rất nhiều tiện ích cho doanh nghiệp như được sử dụng văn phòng làm việc, hội trường, phòng hội thảo, khu thí nghiệm và toàn bộ hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, an ninh và hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước. TP Hồ Chí Minh áp dụng nhiều chính sách cho nhà đầu tư như: Miễn phí dịch vụ về thành lập doanh nghiệp, giấy phép đầu tư, thủ tục giao đất, thời hạn thuê đất tối đa 50 năm, hỗ trợ 50% phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng, tín dụng, thuế xuất nhập khẩu, chi phí xúc tiến thương mại, kinh phí đào tạo nghề trong nước...
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Dẫn đoàn cán bộ nông nghiệp TP Hà Nội đi thăm thực địa, Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh Từ Minh Thiện cho biết, sau khi đủ 14 nhà đầu tư nhận thuê đất lấp đầy 58,6ha, việc triển khai đầu tư trong Khu NNCNC khá hiệu quả. Đây là khu đa dạng trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất giống, chế phẩm sinh học cho đến xử lý sau thu hoạch các sản phẩm đa dạng; trong đó có 12 doanh nghiệp ươm tạo và tiền ươm tạo, làm chức năng vừa chuyển giao công nghệ bên ngoài vừa đào tạo nhân lực cho NNCNC thông qua hợp tác trong và ngoài nước.
Trong hơn 2 năm qua, Khu đã khảo nghiệm rất nhiều giống rau, hoa chất lượng cao, 49 giống lan các loại, 34 giống dưa dài, 19 giống dưa lê, 2 giống dưa hấu, 2 giống cỏ ngọt, 10 giống ớt, 6 giống cá chép Nhật Bản và các loại giống khế, chuối la ba, cam ruột đỏ... Khu đã nhân được trên 510.389 cây lan nuôi cấy mô các loại; ươm và chuyển giao 28.100 cây cà tím, 42.800 cây bí giống và hàng nghìn cây ớt, bí, cà chua các loại; cung ứng 59,5 tấn hạt giống chất lượng cao, 8.100 tấn thành phẩm và 11.438 lít chế phẩm sinh học... cho nông dân.
Đặc biệt, Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện 5 mô hình trình diễn ứng dụng CNC trên hoa lan, rau ăn lá, chế phẩm sinh học vào sản xuất, hiệu quả tăng gấp 4 đến 5 lần giá trị sản phẩm. Khu đã chuyển giao 11 mô hình và 10 quy trình kỹ thuật về lai tạo giống rau, kỹ thuật trồng lan Hồ điệp, trồng lan trong nhà lưới... cho các doanh nghiệp, hộ nông dân.
Giám đốc Công ty TNHH Chánh Phong, ông Huỳnh Đoàn Phong cho biết, là một trong số 14 doanh nghiệp sớm đầu tư vào Khu NNCNC thuộc lĩnh vực chuyên sản xuất các loại hạt giống rau cung cấp cho thị trường, công ty làm ăn rất hiệu quả. Áp dụng khoa học NNCNC, sử dụng nhà kính và nhà lưới che phủ, kỹ thuật tưới sương mù, hằng năm doanh nghiệp cung cấp hàng chục tấn hạt rau và hàng vạn cây giống rau cho nông dân. Công ty còn tiến hành liên kết, huấn luyện nông dân kỹ thuật lai tạo giống để tăng nhanh giá trị sử dụng đất nông nghiệp. Ông Phong cho biết thêm, hoạt động trong Khu NNCNC rất yên tâm và thuận lợi, được đáp ứng đủ yêu cầu của cơ sở sản xuất CNC, giúp cho doanh nghiệp cung ứng giống, chuyển giao công nghệ cho thực tiễn sản xuất của nhiều địa phương.
Đến thăm khu sản xuất nấm tại Khu NNCNC, bà Hàn Châu Trang, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Trang Sinh hồ hởi chỉ vào những giỏ nấm đặt trên giá thể cho biết, sức tiêu thụ nấm của thành phố rất lớn, việc áp dụng NNCNC đã giúp cho tăng năng suất, sản lượng nấm đáp ứng thị trường. Bà Trang khẳng định thời gian tới sẽ tiến tới sản xuất quy mô lớn để có thể xuất khẩu nấm.
Hướng dẫn đoàn cán bộ Sở NN& PTNT Hà Nội thăm vườn lan, nấm, rau quả, Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC Từ Minh Thiện cho biết, Khu NNCNC đã tiếp thu tiến bộ kỹ thuật của nhiều nước có công nghệ tiên tiến như Hà Lan, Israel, Phần Lan, Thái Lan, Sri Lanka... kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu nâng cao năng lực hoạt động, chuyển giao công nghệ. Tại khu này đang áp dụng những mô hình tiên tiến, đó là: Mô hình rau ăn lá như rau muống, cải ngọt, cải xanh theo hướng thủy canh trồng trên giá thể, cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt; sản xuất dưa lưới, dưa được trồng trong nhà che nilon và lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; trồng hoa lan (giống hoa lan Mokara cắt cành, giống lan Hồ điệp, lan nuôi cấy mô trồng trong nhà lưới che). Theo ông Từ Minh Thiện, thời gian qua Khu NNCNC đã liên kết hợp tác áp dụng NNCNC với một số nước có thế mạnh về nông nghiệp khá hiệu quả như Israel, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Australia... Hiện đã có hơn 80 đoàn cán bộ, ngành, tỉnh, thành phố, 50 đoàn doanh nghiệp, 90 đoàn các trường, trung tâm, viện nghiên cứu đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm, cách làm tại Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh. Tại đây đã tổ chức 17 khóa tập huấn, đào tạo cho hơn 1.000 lượt người tham dự về các lĩnh vực ứng dụng CNC, kỹ thuật bảo quản trước và sau thu hoạch, xử lý ra hoa, công nghệ sinh học... do chuyên gia trong nước và nước ngoài giảng dạy. Khu đã ký biên bản hợp tác với nhiều tỉnh hỗ trợ xây dựng đề án khu NNCNC và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, Khu còn hỗ trợ trực tiếp sản xuất NNCNC cho các tỉnh liên kết sản xuất hơn 50 tấn hạt giống rau F1 các loại và cung cấp cho nông dân hơn 6.000 bình nấm linh chi, 61.400 túi men giống nấm và 647.000 bịch phôi nấm nhằm thúc đẩy việc ứng dụng NNCNC vào thực tiễn sản xuất.
Đánh giá về thành tựu của Khu NNCNC, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm khẳng định, Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trên địa bàn thành phố mà lan rộng ra khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Áp dụng NNCNC với việc hình thành hàng loạt những mô hình rau, hoa, quả, cá cảnh đạt siêu lợi nhuận, góp phần nâng cao hiệu quả thu nhập bình quân 1 hécta canh tác của TP Hồ Chí Minh từ 139 triệu đồng năm 2009 lên 202 triệu đồng năm 2011, năm 2012 đạt 239 triệu đồng và năm 2013 tăng lên 282 triệu đồng/ha/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.