Nhà nước quan tâm đầu tư gia cố công trình, nhân dân chung sức tạo cảnh quan, hơn 20km đê tả Hồng, hữu Đuống đi qua địa bàn quận Long Biên không chỉ vững vàng trước mưa lũ, mà còn là điểm nhấn đô thị. Tuyến đê đi qua quận Long Biên xứng đáng là điểm đến để trao đổi kinh nghiệm xây dựng đê đô thị kiểu mẫu.
Đi qua địa bàn quận Long Biên, phóng viên Báo Hànộimới ấn tượng mạnh bởi các tuyến đê tả Hồng, hữu Đuống nơi đây. Nhiều đoạn có bề mặt đê, chân đê thảm nhựa, bê tông, đủ rộng để 2 làn xe ô tô lưu thông. Nhiều đoạn mái đê không rác thải, xanh mướt cỏ, rực rỡ sắc hoa trở thành điểm “check in” của người dân Thủ đô trong những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ.
Ông Đinh Văn Việt ở tổ dân phố số 26 (phường Thượng Thanh) cho biết, những năm trước đây, mái đê hữu Đuống cỏ dại mọc um tùm, trùm kín lối qua đê từ làng sang bãi sông... “Là người con của thôn Thanh Am (tổ 26, phường Thượng Thanh), tôi nhận thấy mình có trách nhiệm làm sạch đoạn đê này, vừa để người làng đi lại thuận lợi, vừa dẫn luồng không khí trong lành từ sông Đuống vào làng”, ông Đinh Văn Việt nói về mục đích của việc bỏ hàng trăm ngày công lao động, hơn 400 triệu đồng làm sạch, trồng và chăm sóc hàng nghìn mét vuông cỏ trên mái đê hữu Đuống suốt từ năm 2023 đến nay.
Thấy việc làm có ý nghĩa vì cộng đồng, một số người dân trong làng đã hỗ trợ gia đình ông vận chuyển rác thải, trồng thảm cỏ trên mái đê. Để bảo vệ thành quả, gia đình ông lắp đặt đường ống tưới thảm cỏ bằng nước sạch. Từ tháng 6-2024 đến nay, gia đình ông thuê một lao động hỗ trợ trồng và chăm sóc thảm cỏ. Sau những nỗ lực của gia đình ông Đinh Văn Việt và người dân địa phương, hơn 500m đê hữu Đuống đã và đang trở thành điểm nhấn cảnh quan đô thị của phường Thượng Thanh. “Tôi rất mong các cấp, ngành cho kiên cố đường ống dẫn nước từ gia đình tôi qua đường chân đê để thường xuyên tưới dưỡng thảm cỏ trên mái đê. Tôi sẽ cố gắng trồng khoảng 1.000 cây hoa mẫu đơn trên mái đê đoạn dẫn vào đường làng Thanh Am”, ông Đinh Văn Việt chia sẻ.
Theo ông Doãn Hữu Chiến, kiểm soát viên Hạt Quản lý đê số 11 (Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội), từ năm 2023 đến nay, đoạn đê hữu Đuống qua tổ dân phố số 26 (phường Thượng Thanh) không còn xuất hiện tình trạng để rác thải sinh hoạt bừa bãi, làm chuồng nuôi chó, gà hoặc đổ trộm phế thải xây dựng. Ngoài cảnh quan đẹp, đoạn đê cũng an toàn hơn do dễ dàng phát hiện và kịp thời xử lý, kiểm soát phát sinh tổ chuột, ổ mối trong mái đê, thân đê.
Ngoài Thượng Thanh, 9 phường tại quận Long Biên có đê tả Hồng, hữu Đuống đi qua đã và đang sôi nổi triển khai phong trào thi đua xây dựng tuyến đê, đoạn đê xanh, sạch, đẹp về cảnh quan, an toàn làm nhiệm vụ chống lũ, giao thông do quận Long Biên phát động. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Thượng (phường Ngọc Thụy) Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, triển khai phong trào thi đua, nhà trường đã huy động 100% cán bộ, giáo viên làm sạch, đóng góp kinh phí mua cây hoa, duy trì cảnh quan hơn 150m mái đê hữu Đuống đi qua cổng trường. “Đoạn đê đẹp đã trở thành công cụ trực quan để giáo dục học sinh, nâng cao nhận thức của phụ huynh và cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường, công trình phòng, chống thiên tai trong thời gian vừa qua...”, bà Nguyễn Thị Thúy Mai nói thêm.
Với hai dòng sông lớn chảy qua, quận Long Biên có 2 tuyến đê cấp I là tả Hồng và hữu Đuống, tổng chiều dài hơn 20km. Để vững vàng trước lũ, khai thác hiệu quả về giao thông, quận Long Biên đã huy động nguồn lực lớn để cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang hai tuyến đê này trong nhiều năm qua. Đến nay, toàn bộ bề mặt của đê đã được thảm nhựa, bê tông với chiều rộng 7,5m; thân đê và nền đê được khoan phụt vữa gia cố. Đặc biệt, quận Long Biên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng gần 26km đường hành lang chân đê, đủ rộng để 2 làn xe ô tô lưu thông; trong đó có gần 7,9km đường chân đê phía sông, gần 18km phía đồng... Việc làm này không chỉ giảm tải cho bề mặt đê mà còn ngăn ngừa phát sinh vi phạm, thuận lợi trong công tác hộ đê. Sau khi nâng cấp, cải tạo, quận Long Biên giao các phường phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê số 11 chung tay quản lý bảo vệ, trồng và duy trì chăm sóc cỏ, hoa trên mái đê luôn xanh, sạch, đẹp.
Với sự đầu tư đồng bộ, sự tích cực của người dân, hơn 20km đê tả Hồng, hữu Đuống đã trở thành một trong những điểm nhấn đô thị của quận Long Biên; xứng đáng là điểm đến để các cấp, các ngành trao đổi kinh nghiệm xây dựng các tuyến đê đô thị kiểu mẫu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.