Thành phố Quế Lâm nằm ở phía đông bắc Khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Nơi đây không chỉ có phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn có nền văn hóa đa dạng được hình thành bởi 12 dân tộc, được công nhận là “Thành phố Lịch sử và Văn hóa quốc gia nổi tiếng”.
Vùng “sơn thủy giáp thiên hạ”
Cái tên “Quế Lâm” đầy thơ mộng được đặt cho thành phố 2.000 năm tuổi này bởi tại đây từng là rừng trồng quế lớn. Quế Lâm đi vào thi ca của văn học Trung Quốc từ thời cổ đại đến nay và được ca ngợi là vùng “sơn thủy giáp thiên hạ”, nghĩa là vùng có phong cảnh đẹp nhất thiên hạ. Nằm ở độ cao trung bình 150m so với mực nước biển, Quế Lâm có địa hình karst điển hình với khoảng 100.000 ngọn núi đá vôi với nhiều hình thù, soi bóng xuống dòng Li Giang dài 83km nước trong như gương. Dọc theo dòng sông thơ mộng này là hơn 80 điểm tham quan, trong đó có nhiều kiệt tác thiên nhiên như núi Vòi Voi, Cửu Mã Họa Sơn, núi Thất Tinh... cùng hệ thống hang động chứa đầy nhũ đá, măng đá tuyệt đẹp như Lư Địch Nham, Ngân Tử Nham, Kim Thủy Nham... Khung cảnh thiên nhiên độc đáo của Quế Lâm đã được chọn làm bối cảnh quay trong nhiều tập của bộ phim “Tây Du Ký” phiên bản 1986 nổi tiếng khắp châu Á.
Để khám phá phong cảnh thiên nhiên hữu tình đẹp như một bức tranh thủy mặc ở Quế Lâm, du khách không nên bỏ qua trải nghiệm tham quan thắng cảnh “Hai sông, bốn hồ” gồm: Sông Li Giang và sông Đào Hoa; hồ Dung, hồ Sam, hồ Mục Long và hồ Quế. Các dòng sông và hồ nước này được liên thông với nhau tạo thành một hệ thống du lịch đường thủy vô cùng thú vị, giúp du khách có thể khám phá toàn bộ khung cảnh Quế Lâm hữu tình ban ngày và lộng lẫy về đêm.
Điểm check-in đầu tiên du khách không nên bỏ qua là tòa Nhật Nguyệt song tháp nằm trên hồ Sam. Tòa tháp Nhật (mặt trời) có màu vàng, cao 41m, gồm 9 tầng, được đúc từ 350 tấn đồng; tháp Nguyệt (mặt trăng) cao 35m, gồm 7 tầng, được làm bằng ngọc lưu ly. Phía dưới chân hai tháp có cầu thông nhau. Khi đặt hai tháp cạnh nhau và ghép tên “Nhật - Nguyệt” lại sẽ được chữ “Minh”, tiếng Hán nghĩa là tỏa sáng, ngụ ý là một tương lai tốt đẹp cho vùng đất Quế Lâm.
Từ bến tàu, du khách sẽ bắt đầu hành trình khám phá “Hai sông, bốn hồ” bằng du thuyền. Lần lượt là hồ Dung, nơi có cây si hơn 1.000 năm tuổi và một khách sạn 4 sao được xây dựng từ năm 1952. Quế hồ là nơi hai bên bờ có rất nhiều cây quế. Mộc Long hồ là một hồ nước nhân tạo, được đặt theo tên của ngọn tháp Mộc Long xinh đẹp. Mộc Long hồ được xây dựng nhằm kết nối 3 hồ trên với dòng Li Giang. Tại đây, du khách sẽ có một trải nghiệm đặc biệt là chứng kiến quá trình tàu chuyển từ hồ sang sông với độ cao chênh lệch khoảng 2 - 4m, tùy theo từng mùa và con nước. Quá trình chuyển tiếp này diễn ra tại một âu thuyền, nơi có hệ thống đập nhỏ có thể nâng lên, hạ xuống để điều hòa nguồn nước giữa sông Li Giang và hồ Mục Long cho tới khi mực nước sông và hồ bằng nhau để tàu bè có thể dễ dàng qua lại. Đây là trải nghiệm đặc biệt khiến nhiều du khách đều thích thú, ấn tượng.
Từ đây, du khách có thể thong thả ngắm nhìn khung cảnh hai bên bờ sông Li với những thắng cảnh không thể bỏ qua. Đó là núi Long Môn có hình con cá chép đang chuẩn bị vượt long môn; là Cửu Mã Tọa Sơn có hình dáng như 9 con ngựa được xuất hiện trên tờ tiền 20 tệ của Trung Quốc. Đặc biệt phải kể đến núi Vòi Voi - biểu tượng của thành phố Quế Lâm. Ngọn núi này cao 220m, có hình dáng giống như một con voi khổng lồ đang vươn vòi ra uống nước sông và được xem là vị thần bảo vệ sông Li Giang. Phần giữa vòi và thân voi tạo nên một khoảng trống được gọi là động Thủy Nguyệt. Nếu đến đây vào buổi tối, bằng nghệ thuật chiếu sáng, du khách sẽ thấy động mang vẻ đẹp như một vầng trăng khuyết in trên mặt nước vô cùng thơ mộng. Ngoài ra, trên đỉnh núi Vòi Voi còn có tòa tháp Phổ Hiền, đền Vân Phong và vô số những bài thơ được người xưa chạm khắc trên đá...
Những sắc màu văn hóa
Quế Lâm không chỉ thu hút du khách bằng phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn khẳng định tính độc đáo của mình qua bản sắc văn hóa đa dạng cùng hệ thống di tích phong phú. Một trong số ấy là lầu Tiêu Dao, tọa lạc trên đường Tân Giang (quận Tú Phong, thành phố Quế Lâm), được xây dựng từ năm 621 (thời nhà Đường). Đây là một trong những công trình nổi tiếng nhất của Trung Quốc cùng với Đằng Vương các, Hoàng Hạc lâu, Nhạc Dương lầu... Tại tầng 1 của di tích này hiện còn tấm bia dập lại bản đồ của Quế Lâm từ 1.400 năm trước, trong đó có 36 ký hiệu thể hiện sông, nước, trang trại... Bản chính của bản đồ này được khắc trên núi Anh Võ ở ngoại ô của Quế Lâm. Tầng 2 là nơi trưng bày các mô hình lầu Tiêu Dao qua các thời kỳ. Từ lan can của tòa lầu, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn trọn vẹn cảnh thành phố Quế Lâm xinh đẹp nằm bên bờ Li Giang thơ mộng, hiền hòa.
Quế Lâm được biết đến là vùng đất đa dạng văn hóa, là nơi sinh sống của 12 dân tộc thiểu số gồm người Choang, Dao, Miêu, Động... Mặc dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu dân số, nhưng dân tộc Động ở Quế Lâm hiện còn bảo tồn nguyên vẹn bản sắc văn hóa của mình. Đến với Quế Lâm, du khách đừng nên bỏ qua cơ hội tham quan Động Trại - ngôi làng còn gìn giữ được nguyên vẹn hàng trăm nếp nhà mang kiến trúc truyền thống. Nhiều phong tục dân gian độc đáo của người Động được gìn giữ, nay trở thành những sản phẩm du lịch phục vụ du khách như biểu diễn nghệ thuật múa sậy, hát pipa, điệu múa Doye, trình diễn nghệ chạm bạc thủ công truyền thống... thu hút hơn 20.000 khách du lịch mỗi năm.
Với sự đa dạng, độc đáo mang sức hấp dẫn riêng, Quế Lâm luôn là một trong những điểm du lịch được nhiều người Trung Quốc mong ước đặt chân đến, và cũng là điểm đến của nhiều du khách Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.