(HNM) - Trong màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội, tôi đến đất nước Triệu Voi vào những ngày cuối hè. Lần đầu tiên tôi được nếm trải sự khắc nghiệt của thời tiết, khi chứng kiến cả một cánh rừng phủ màu nắng như đổ lửa, bỗng chốc lại rung rinh trong tiếng tí tách của mưa mùa hạ.
Thiên nhiên nắng, mưa thất thường là vậy, nhưng con người của xứ sở hoa Chăm Pa lại hiền hòa, hiếu khách vô cùng. Suốt hành trình, đoàn chúng tôi được chào đón bằng những ánh mắt trìu mến, những cử chỉ thân tình và những món quà ý nghĩa. Chính sự thân thiện, gần gũi đó đã níu giữ biết bao người con của đất Việt khi đặt chân đến đây và đất nước Lào đã trở thành quê hương thứ hai của họ.
Một góc thủ đo Viêng Chăn. Ảnh: Thanh Bình |
Kỷ cương và văn hóa
Qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), đất nước Vạn Tượng dần hiện ra trong mắt tôi một màu xanh tít tắp. Tìm hiểu trên sách báo, vẫn biết nước Lào không giáp biển, có nhiều núi non và rừng xanh bao phủ nhưng khi tận mắt thấy, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự trù phú của núi rừng nơi đây. Hành trình từ tỉnh Bolykhamsay đến Thủ đô Viêng Chăn hơn 400km trải đều thảm động, thực vật phong phú. Rừng cùng với những cánh đồng nông nghiệp đang đem lại nguồn thu chủ yếu cho khoảng 8 triệu người dân các bộ tộc Lào.
Xe ô tô được nhập khẩu giá rẻ, hộ dân mức trung bình cũng có thể sắm được một chiếc, vì vậy, đây là phương tiện tham gia giao thông chủ yếu. Xe máy, đặc biệt là xe đạp rất hiếm gặp trên đường. Có một điều chắc chắn đối với bất cứ ai sống tại Hà Nội, từng nghẹt thở, thậm chí stress vì nỗi ám ảnh tắc đường mỗi ngày đều cảm nhận được sự thanh thản và bình yên khi tham gia giao thông ở Lào. Tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nội đô của Viêng Chăn đều bằng phẳng, rộng rãi, thông thoáng, không hề có chuyện hành lang giao thông, lòng lề đường bị lấn chiếm để kinh doanh, chứa nguyên, vật liệu. Hệ thống đèn giao thông cũng không nhiều như ở Hà Nội nhưng không thấy cảnh phóng nhanh, vượt ẩu, tai nạn giao thông cũng ít xảy ra. Ý thức "kính trên, nhường dưới" đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành nét văn minh của người dân nơi đây; đặc biệt trong tham gia giao thông. Điều này, khiến chúng ta - những người đang kế thừa, phát huy truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh phải suy ngẫm.
Hạt Xai Phong, một huyện nghèo với hơn 81.000 dân, nằm ở phía Đông Nam và cách Thủ đô Viêng Chăn 40km. Chánh Văn phòng Huyện ủy Hạt Xai Phong Nousai Kaimanyvong cho biết, đồng đất ở đây bạt ngàn, Hạt lại có 2 cửa khẩu giao lưu thương mại với Thái Lan. Tiềm năng là vậy, nhưng do tập quán canh tác còn lạc hậu, phần lớn hộ dân có mức sống trung bình, thiếu kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Trong hai năm vừa qua, bà con Xai Phong rất cảm kích khi Bộ Nông nghiệp & PTNT Việt Nam hỗ trợ xây dựng 2 trạm bơm, tạo thuận lợi về tưới, tiêu cho 2 vụ lúa mỗi năm. Dù còn khó khăn, nhưng điều ông Chánh Văn phòng Huyện ủy Hạt Xai Phong tự hào, đó là nhân dân luôn đoàn kết giúp đỡ nhau, gìn giữ nét đẹp văn hóa và an ninh trật tự.
Gia đình chị Khăn Kẹo ở bản 7 Simano (thuộc huyện Hạt Xai Phong) có hai cô con gái, cô chị học lớp 5, múa lăm vông rất đẹp. Được mẹ khuyến khích, cô bé mạnh dạn hướng dẫn mấy chị trong đoàn thanh niên tình nguyện Thủ đô Hà Nội múa thử. Con trai, con gái Lào đều múa lăm vông rất đẹp. Đôi tay nhẹ nhàng, khéo léo, cùng chuyển động trong tiếng nhạc dặt dìu. Lăm vông được coi là quốc vũ, phổ biến trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Lào. Người con thứ hai của chị Khăn Kẹo mới 5 tuổi, nước da đã rám nắng Lào. Khi các anh chị Việt Nam cho kẹo, em lễ phép chắp hai tay trước ngực và nói "khop chai lai lai" (cảm ơn rất nhiều). Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì cử chỉ của bé (qua lời phiên dịch của một bạn sinh viên Việt Nam đang học tại Lào), chị Khăn Kẹo cho biết, điều đầu tiên khi đứa trẻ mới bi bô tập nói là dạy cho chúng biết chắp tay trước ngực để cảm ơn, bày tỏ sự lễ phép. Con càng lớn, người mẹ càng phải dạy nhiều lễ nghi, đặc biệt là giáo dục con biết tôn trọng người lớn và chấp hành pháp luật. Có lẽ đây chính là bí quyết để văn hóa của các bộ tộc Lào không bị mai một trong quá trình hội nhập quốc tế…
Đúng là "đi một ngày đàng, học một sàng khôn"! Rời Viêng Chăn, có hai thứ mà tôi thấy cần phải học tập ở người Lào, đó là ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là chấp hành luật giao thông và ý thức của mỗi người dân trước việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Người Hà Nội trên đất Lào
Ước tính, tại Lào hiện có khoảng hơn 50.000 người Việt đang sinh sống, tập trung đông ở Thủ đô Viêng Chăn. Thật tình cờ trong chuyến đi này, tôi được gặp rất nhiều người con của Thủ đô Hà Nội đang sinh sống, làm ăn và học tập tại nước bạn. Cách cửa khẩu Cầu Treo khoảng 200km là khu chợ của thị trấn Lắc-sao, thuộc huyện Khăm-cợt (Bolykhamsay). Rất đông người Việt đang kinh doanh tại đây, trong đó có gia đình ông Nguyễn Hữu Hạnh ở huyện Gia Lâm. Là quân nhân chuyên nghiệp của Quân đội nhân dân Việt Nam được cử sang công tác tại Lào, ông Hạnh cùng với vợ và hai con quyết định định cư ở nước bạn sau khi được nghỉ chế độ. Hiện tại, ông đang kinh doanh các mặt hàng nông sản tại khu chợ của thị trấn Lắc-sao. Vì nông nghiệp ở đây chưa phát triển nên toàn bộ nông sản ông đều nhập từ Việt Nam (TP Vinh - Nghệ An). Nói thành thạo tiếng Lào, công việc kinh doanh tương đối thuận lợi, mỗi tháng ông Hạnh thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng. Người con trai đầu đang học đại học, ông dự định sẽ xin cho cháu làm việc trong một cơ quan của huyện Khăm-cợt và yên tâm gắn bó lâu dài ở đây. Thị trấn Lắc - sao có khoảng 7.000 nhân khẩu, trong đó người Việt chiếm 20-30%, hầu hết đều kinh doanh, buôn bán nhỏ, mức sống từ trung bình trở lên.
Cùng "bị" sự hiền hòa, dễ mến của người Lào níu chân, ông Phan Duy Thông ở quận Hà Đông đã sống gần 30 năm và gây dựng được một cơ ngơi bề thế tại đường Dôngpalan, phường Sixattanark giữa Thủ đô Viêng Chăn. Quán Phở Thông đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với không chỉ bà con Việt kiều mà rất đông người dân sở tại. Phục vụ vài trăm thực khách mỗi ngày, nguồn thu nhập rất ổn định, ông đã mua được đất, xây nhà khang trang, nuôi 3 con ăn học. Ông Thông cho biết, tại phường Sixattanark có khoảng 300 người Việt sinh sống và làm các nghề xây dựng, buôn bán nhỏ, thợ mộc, thợ uốn tóc… Do chăm chỉ, năng động trong làm ăn, nhiều người từ tay trắng trở nên giàu có. Nhưng tại Lào, người Việt cũng đang phải cạnh tranh với tiểu thương các nước Thái Lan, Trung Quốc trong kinh doanh. Để hỗ trợ nhau làm ăn, ở mỗi tỉnh, thành phố đều thành lập hội Việt kiều, có các ban thanh niên, phụ nữ, kinh tế, tài chính. Ông Thông hiện là Hội phó Hội Việt kiều của phường. Ngoài việc trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Hội còn quan tâm dạy tiếng Việt cho con em, duy trì nét đẹp văn hóa của dân tộc thông qua tổ chức đón Tết cổ truyền và các hoạt động hướng về Tổ quốc như quyên góp kinh phí hỗ trợ đồng bào trong nước bị thiên tai, bão lụt, những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam… Với những việc làm thiết thực của mình, ông Thông và đông đảo Việt kiều tại Lào đang trở thành những cầu nối về kinh tế, văn hóa, củng cố thêm mối tình hữu nghị, thủy chung bao đời nay giữa hai đất nước Việt - Lào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.