Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ăn trái đắng”!

Người Tiêu Dùng| 27/08/2012 06:43

Theo Tổng cục Hải quan, gần 50% lượng rau quả nhập khẩu vào nước ta có xuất xứ từ Trung Quốc. Đấy là nói việc nhập khẩu chính ngạch, nếu tính cả nhập qua đường tiểu ngạch thì con số này lớn hơn nhiều.


Rau quả Trung Quốc vào Việt Nam có giá thành rất thấp, nhưng khi tới tay người tiêu dùng thì lại có giá rất cao, tăng gấp 10, thậm chí tới 20 lần so với giá gốc. Chưa kể, nhiều người còn dán tem, mác hoa quả có nguồn gốc Mỹ, Thái Lan để bán với giá cao hơn.

Một số người kinh doanh cho biết, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), bắp cải, khoai tây Trung Quốc có giá 1.800 đồng/kg, cải thảo 2.100 đồng/kg, hành củ khô, cà rốt, hành tây, gừng giá 2.500 đồng/kg… Sau hơn 150km vận chuyển, tại nhiều chợ ở Hà Nội, giá phổ biến của các loại rau trên là: bắp cải 18.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg, cải thảo 15.000 đồng/kg, cà rốt 18.000 đồng/kg, gừng 30.000 đồng/kg, đặc biệt, hành khô và tỏi tới 50.000 đồng/kg v.v...

Các mặt hàng hoa quả nhập khẩu cũng vậy, trên thị trường bán lẻ giá được đẩy lên cao gấp nhiều lần giá nhập vào. Tại một cửa hàng hoa quả tươi ở quận Cầu Giấy, lê Trung Quốc có giá 38.000 đồng/kg, đào 45.000 đồng/kg, cam 60.000 đồng/kg, dưa vàng 40.000 đồng/kg, táo 70.000 đồng/kg... Trong khi đó, đào, dưa vàng, cam Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh giá chỉ khoảng từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg… Điều đáng nói nữa là các mặt hàng rau quả nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu nếu có giấy chứng nhận xuất xứ hàng nhập (từ Trung Quốc) thì thuế nhập khẩu là 0%, chưa kể còn không phải chịu thuế VAT. Các thương lái chỉ việc đánh ô tô lên cửa khẩu, mua với số lượng không hạn chế không phải qua các nấc trung gian như rau quả nội nên lãi càng nhiều, bất kể bán tại Hà Nội hay ở đâu.

Chuyện nêu trên thật quá vô lý! Giá thực nhập (tức là giá gốc) thấp, bán tới tay người tiêu dùng với giá cao, rau quả Trung Quốc nhập khẩu và lưu thông dễ dàng với số lượng nhiều đã tự nhiên khẳng định được vị thế song chỉ làm giàu cho một số nhỏ người buôn bán, gây lộn xộn thị trường, còn người tiêu dùng thì vẫn oằn lưng cõng giá. Chưa kể, khi rau quả Trung Quốc được xác định sử dụng chất bảo quản bị cấm, người chịu thiệt đầu tiên vẫn là người tiêu dùng. Còn chuyện rau quả Trung Quốc tràn lan, "bóp chết" rau quả nội thì là chuyện mà người nông dân nước ta đã bức xúc "kêu cứu" từ lâu.

Tình trạng trên phải được các cơ quan quản lý của ta xem xét một cách nghiêm túc để người tiêu dùng không phải mất tiền "ăn trái đắng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ăn trái đắng”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.