(HNM) - Theo các chuyên gia y tế, chỉ số cholesterol "xấu" LDL cao trong máu có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và đột quỵ. Chỉ số cholesterol cao đồng nghĩa trong cơ thể có quá nhiều chất béo. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, trong củ tỏi có chứa chất chống ô xy hóa, giúp giảm cholesterol trong máu. Nếu ăn tỏi thường xuyên sẽ giúp giảm mỡ máu.
Chế độ ăn nhiều chất béo là nguyên nhân phổ biến gây ra cholesterol cao - còn được gọi là tăng cholesterol máu. Cholesterol toàn phần trong máu từ trên 5 mmol/lít được đánh giá ở mức không tốt cho cơ thể. Các bác sĩ khuyên nên ăn càng ít chất béo bão hòa càng tốt.
Còn về tác dụng của tỏi có thể làm giảm lượng cholesterol, theo các chuyên gia, trong tỏi có chứa allicin là chất chống ô xy hóa mạnh có đặc tính hạ mỡ máu. Cụ thể, trong tỏi tươi có chứa một axit amin được gọi là alliin. Khi nghiền nát hoặc cắt nhỏ, tỏi giải phóng ra một loại enzyme là alliinase. Sự tương tác giữa alliin và alliinase tạo thành allicin. Tỏi có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol từ ruột vào máu.
Tỏi ức chế squalene monooxygenase và HMG-CoA, những enzym cần thiết để tạo ra cholesterol, do đó làm giảm quá trình tổng hợp cholesterol. Tỏi còn có tác dụng đối với chức năng gan làm tăng tiết axit mật, hỗ trợ phân hủy và bài tiết cholesterol. Ngoài ra, allicin có khả năng chống xơ vữa động mạch, tiểu đường, tăng huyết áp và còn có tác dụng tăng cường hiệu suất tập thể dục.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, tỏi an toàn và thường được dung nạp tốt nhưng có thể cản trở một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, chống vi rút, chống viêm không steroid. Vì vậy, nếu người nào đang uống các loại thuốc trên, cần tham vấn bác sĩ về việc ăn tỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.