(HNM) - Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) do Việt Nam đăng cai tổ chức, sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5-2022. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Thể dục - Thể thao đang nỗ lực chuẩn bị, chọn phương án tối ưu nhất để tổ chức thành công sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á này, với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn sức khỏe cho thành viên các đoàn tham dự.
Thích ứng linh hoạt
Theo Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), dự kiến có khoảng gần 25.000 vận động viên, huấn luyện viên, quan chức, trọng tài, phóng viên và du khách cũng như cổ động viên các nước đến Việt Nam trong thời gian diễn ra SEA Games 31.
Với số lượng lớn người tham gia các hoạt động vào cùng thời điểm, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, thì việc bảo đảm an toàn cho các thành viên tham dự sẽ là thách thức lớn đối với Ban Tổ chức, nhất là địa điểm cách ly, nơi luyện tập cho vận động viên. Trong khi đó, địa điểm tổ chức thi đấu của SEA Games 31 ở 12 tỉnh, thành phố, lại không có làng vận động viên, thành viên các nước tham dự phải lưu trú trong 40 khách sạn và di chuyển liên tục đến các địa điểm thi đấu, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng tiểu ban Thường trực Tiểu ban Y tế SEA Games 31 cho biết, Tiểu ban Y tế đang xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch một cách chi tiết, cụ thể.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, tại Hà Nội, một số địa điểm thi đấu phục vụ SEA Games 31 cũng đã trang bị “lá chắn” phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm an toàn cho các vận động viên, vừa tổ chức các sự kiện thể thao đông người trong điều kiện “bình thường mới”. Trong trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam và đội tuyển bóng đá Nhật Bản tại vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình vừa qua, 12.000 khán giả được vào sân để cổ vũ. Ban Tổ chức trận đấu đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cao nhất: Khán giả vào sân phải quét mã QR, có giấy chứng nhận hoặc xác nhận điện tử về việc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin (mũi 2 đã qua 14 ngày trở lên) hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng trở lại đây. Có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế, ngồi giãn cách trên khán đài, đặc biệt phải đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian có mặt tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
"Đây là mô hình thích ứng linh hoạt, có thể áp dụng để tổ chức các trận đấu bóng đá cũng như chương trình thi đấu các môn thể thao khác tại SEA Games 31", ông Trần Đức Phấn nói.
Thực hiện nhiều giải pháp
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho hay, chỉ còn hơn 6 tháng nữa là SEA Games 31 sẽ diễn ra, do đó các đơn vị cần đẩy nhanh công tác chuẩn bị, đặc biệt là hướng dẫn quy trình phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn thông tin, Ban Tổ chức Đại hội sẽ xây dựng 3 phương án tổ chức các môn thi đấu, tùy theo tình hình dịch Covid-19 ở địa phương đăng cai để thực hiện. Cụ thể là: Có khán giả, hạn chế khán giả, không có khán giả và phải bảo đảm 3 yếu tố: Vắc xin, test nhanh và thực hiện nguyên tắc “5K”. Trong khi đó, ông Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng tiểu ban Thường trực Tiểu ban Y tế SEA Games 31 khẳng định, Tiểu ban Y tế sẽ sớm xây dựng các phương án tổ chức và sẽ được ban hành trước khi Đại hội diễn ra 3 tháng.
“Ngành Thể dục - Thể thao và ngành Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ xây dựng các kịch bản chi tiết; đặc biệt là quy mô tổ chức, địa điểm thi đấu, số lượng thành viên tham gia... Ngành Y tế sẽ xây dựng hướng dẫn thực hiện. Các địa phương tổ chức cũng phải tính toán cách thức tổ chức và có dự trù riêng”, ông Lương Ngọc Khuê nói.
Còn theo Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Nguyễn Trọng Hổ, Khu liên hợp sẽ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, trong đó bảo đảm tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và xét nghiệm cho tất cả số người tham gia phục vụ Đại hội.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, sau khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về phòng, chống dịch tại SEA Games 31, Ban Tổ chức sẽ thông báo tới các quốc gia tham dự để họ có thể chuẩn bị lực lượng, các thủ tục đáp ứng yêu cầu của nước chủ nhà.
"Chúng ta sẽ học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác tổ chức và phòng, chống dịch Covid-19 tại Olympic Tokyo 2020. Tuy khó có thể áp dụng theo nguyên tắc “bong bóng khép kín” như Nhật Bản, do điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, song Việt Nam tự tin tổ chức thành công SEA Games 31”, ông Trần Đức Phấn khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.