Phòng cháy chữa cháy

An toàn sử dụng điện sau công tơ: Nhận thức đúng, hành động kịp thời

Bảo Hân 23/04/2025 - 18:35

Tỷ lệ các vụ cháy nổ có nguyên nhân liên quan đến hệ thống, thiết bị điện thời gian gần đây đáng báo động. Đặc biệt, các vụ hoả hoạn đã cướp đi nhiều sinh mạng, thiêu huỷ nhiều tài sản.

2ad0a3340c86bfd8e697.jpg
Khách mời tham gia toạ đàm. Ảnh: Thắng Trường

Số vụ cháy do sự cố điện chiếm tỷ lệ cao

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), 5 năm gần đây (2020 - 2024), toàn quốc xảy ra trên 14.000 vụ cháy. Trong số các vụ cháy được làm rõ nguyên nhân, có 62,98% xuất phát từ hệ thống thiết bị điện gặp sự cố. Có năm, tỷ lệ này lên đến 74%.

Đáng lưu ý, 3 tháng đầu năm 2025, trong tổng số trên 900 vụ cháy, 74,4% có nguyên nhân sự cố về điện.

Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư, công sở, trường học, nhà máy... nên những vụ cháy xảy ra trên địa bàn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) nêu, năm 2024, Hà Nội có khoảng 1.600 vụ cháy, trong đó 70% có nguyên nhân do sử dụng điện. Có tháng, tỷ lệ này lên đến 90%.

Làm rõ thêm, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ là hệ thống điện bị quá tải, sử dụng nhiều thiết bị cùng trên một đường dây. Thiết bị điện cũ, mối nối dây không chặt, cách điện kém dẫn đến chập điện, gây cháy.

"Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh khi thiết kế không tính toán đường dây điện đảm bảo cho việc sử dụng thiết bị điện, hoặc có tính đủ nhưng theo thời gian số thiết bị sử dụng điện tăng lên nhưng lại không thay thế đường dây, dẫn đến quá tải, gây chập, cháy", Đại tá Nguyễn Minh Khương nói.

Ngoài ra, còn có rất nhiều lý do khác, như thiết bị điện chất lượng kém, bị con vật cắn gây hở dây điện, sử dụng thiết bị điện sinh nhiệt (như bàn là, bếp từ…) rồi để quên không tắt cũng gây cháy.

Như vậy, nguyên nhân các vụ cháy nổ liên quan đến thiết bị điện rất đa dạng nhưng chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan, thiếu hiểu biết của người dùng.

Phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ

khuong.jpeg
Đại tá Nguyễn Minh Khương trao đổi về nguyên nhân dẫn đến sự cố thiết bị điện. Ảnh: Thắng Trường.

Để phòng ngừa và ngăn chặn các vụ cháy từ việc thiếu an toàn trong sử dụng thiết bị điện, Đại tá Nguyễn Minh Khương nêu một số nhóm giải pháp, trong đó hàng đầu là nâng cao ý thức, hiểu biết của người sử dụng điện. Đó là sử dụng thiết bị điện chính hãng, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, sửa chữa kịp thời hư hỏng, không sử dụng cùng lúc quá nhiều thiết bị, không để vật dụng dễ cháy gần đường dây, thiết bị điện...

Nhóm giải pháp thứ hai liên quan đến việc quản lý chặt chẽ các phương tiện, thiết bị điện lưu hành trên thị trường. Bộ Công an, Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm phối hợp kiểm tra, giám sát ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường.

Nhóm giải pháp thứ ba là các cơ quan có liên quan làm hết trách nhiệm, quản lý chặt chẽ về an toàn phòng cháy chữa cháy nói chung và an toàn điện nói riêng.

Liên quan đến quản lý an toàn sử dụng điện, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho hay, ngành điện có nhiệm vụ quản lý vận hành, đảm bảo an toàn điện đến trước công tơ.

Trong nhiều năm liền, ngành điện Hà Nội đã cải tạo hệ thống lưới điện. Tại 12 quận nội thành Hà Nội, 100% hệ thống đường dây điện đã được ngầm hoá; 70% lưới điện hạ áp đã được hạ ngầm. 100% công tơ điện tử, đo đếm từ xa.

Ngành điện quy định rõ, lưới điện không được phép vượt quá 80% công suất, nếu vượt phải khẩn trương có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn, tránh quá tải.

Hà Nội là địa phương đặc thù với 2,9 triệu khách hàng sử dụng điện. Năm 2024, công suất sử dụng điện mùa hè có lúc lên đến gần 5.300 MW, tương đương 12% tổng công suất phát điện toàn quốc.

Để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, EVNHANOI thường xuyên cải tiến thiết bị và ứng dụng công nghệ tự động hoá. Toàn bộ 65 trạm biến áp 110KV đều được đóng, cắt tự động từ xa, không cần người trực. Hàng ngàn trạm biến áp phân phối cũng được lắp đặt thiết bị kiểm soát tự động.

Trong năm 2025, ngành điện dự kiến triển khai một thiết bị chung để đóng, ngắt từ xa đối với các cụm 3-5 trạm biến áp. Tất cả thiết bị đều được kiểm định, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên. Từ công tơ vào các hộ gia đình được lắp đồng bộ aptomat 65 Ampe cùng dây dẫn đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn.

"Thời gian tới, EVNHANOI sẽ xây dựng các quy tắc phục vụ cho việc kiểm tra của nhân viên ngành điện. Nội dung hợp đồng mua bán điện quy định rõ trách nhiệm của các bên trong kinh doanh, sử dụng điện an toàn", ông Dũng nêu.

Chiều 23-4, Báo Công an nhân dân và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp tổ chức toạ đàm "An toàn điện sau công tơ". Thiếu tướng Phạm Khải, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân nhấn mạnh, thực tế nhiều sự cố đáng tiếc về cháy nổ, thậm chí gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đã xảy ra do sự chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc không tuân thủ quy định trong việc sử dụng điện an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn sử dụng điện sau công tơ: Nhận thức đúng, hành động kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.