Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn lao động càng trẻ càng ẩu? càng mất an toàn?

Kim Vũ| 14/01/2010 06:18

(HNM) - Lao động trung niên làm việc không ẩu như lao động thanh niên (lao động trẻ), đây là nghịch lý mà Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam đưa ra sau cuộc khảo sát tình hình sức khỏe của lao động độ tuổi thanh niên. Phần lớn lao động trẻ chủ quan, cậy khỏe nên thờ ơ với vấn đề an toàn lao động (ATLĐ). Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thanh niên chết vì tai nạn lao động (TNLĐ) không giảm.

Qua phân tích các biên bản TNLĐ chết người của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 2005 đến tháng 6-2009 có thể thấy, TNLĐ chết người ở lao động trẻ vượt xa so với lao động trung niên. Cụ thể, năm 2005 có 237 lao động trẻ chết trên tổng số 385 người, chiếm 61,56%; năm 2006 là 276/433 người, chiếm 63,74%; năm 2007 là 245/434 người, chiếm 66,45%; năm 2008 là 227/416 người, chiếm 54,66%; 6 tháng đầu năm 2009 là 95/175 người, chiếm 54,28%. Sau khi khảo sát tình hình sức khỏe trong 6 năm của 643 lao động ở 38 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tây (cũ), Hội ATVSLĐ đưa ra con số: khoảng 43% thanh niên ở độ tuổi 19-30 có sức khỏe loại trung bình, trong khi phần lớn lao động ở tuổi trung niên có sức khỏe loại khá.

Lao động trẻ làm việc tại Công ty Sản xuất bê tông Lan Hùng (Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều lao động trẻ không quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ, ngay cả khi chủ sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, họ cũng không yêu cầu. Mặt khác, thời gian đầu mới vào nghề, còn bỡ ngỡ khi tiếp cận với thiết bị, máy móc, công nghệ… có nhiều yếu tố nguy hiểm nhưng họ không được huấn luyện về ATVSLĐ nên không nhận biết được đầy đủ các nguy cơ gây TNLĐ và bệnh tật. Không ít lao động trẻ vẫn lơ là chủ quan, không tuân thủ các quy trình, quy phạm vận hành an toàn máy móc thiết bị. Họ không sử dụng hoặc sử dụng không đúng, không đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân. Thậm chí khi được nhắc nhở, họ chỉ thực hiện vài lần, sau đó không sử dụng vì cho rằng vướng víu trong thao tác.

Khảo sát 643 lao động ở 38 doanh nghiệp tại Hà Tây (cũ), chỉ có 9,3% nhận biết sự nguy hiểm của các bộ phận chuyển động sắc nhọn; 7% nhận thấy vật văng bắn nguy hiểm; 15,24% số người cho rằng điện giật, bỏng điện là nguy hiểm; 7,31% đánh giá cháy nổ gây hại; 3,58% nhận biết được các chất độc ăn mòn có hại. Đáng chú ý, có tới 289 người (chiếm 44,95%, trong đó có khoảng 23% là lao động trẻ) trả lời rằng chỗ làm việc không có yếu tố nguy hiểm nào. Điều này chứng tỏ người lao động trẻ rất chủ quan, không biết hoặc không nhận thức được thế nào là yếu tố nguy hiểm.

Theo ông Đặng Anh Vinh, Bí thư Đoàn Tổng Công ty Sông Đà, số lao động bị tai nạn gần đây ở Tổng Công ty này có tới 85% là thợ trẻ, mặc dù họ đã thường xuyên được huấn luyện về ATLĐ.

Thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2008, tổng số lao động ở nước ta là 44.915.800 người. Nếu ước tính tỷ lệ lao động ở độ tuổi thanh niên khoảng 50% thì có trên 22 triệu lao động trẻ (thực tế lao động thanh niên có thể cao hơn). Theo khảo sát của Trung ương Đoàn thì chỉ có 10% thanh niên nhận thức đầy đủ và có ý thức về sức khỏe trong lao động sản xuất, hiểu biết các chế độ, chính sách liên quan. Đây chính là tiếng chuông cảnh báo không chỉ cho NLĐ, doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, đặc biệt là của tổ chức đoàn thanh niên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
An toàn lao động càng trẻ càng ẩu? càng mất an toàn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.