Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ân tình còn mãi

Mai Trang| 24/10/2014 06:12

(HNM) - Tròn 10 năm Báo Hànộimới được sự ủy thác của doanh nghiệp để triển khai dự án

Hơn 10 năm trước, tôi còn là phóng viên thời sự chính trị. Ngoài nhiệm vụ chính của báo, thi thoảng tôi theo đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị đi tặng quà và tham gia các hoạt động cộng đồng. 17 năm tác nghiệp trong lĩnh vực này, nhiệt huyết và lòng yêu nghề, yêu các hoạt động xã hội đã ngấm vào tôi tự lúc nào không hay.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới cùng nhiều doanh nghiệp và đông đảo tấm lòng hảo tâm, nhiều gia đình được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế.


Cuối năm 2003, Ban Biên tập có trao đổi với tôi: Doanh nghiệp BAT tại Việt Nam chọn Hànộimới để thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng. Và Ban Biên tập quyết định trao cho tôi thêm trọng trách này. Ngày đó, phía doanh nghiệp cử chị Trần Thị Thanh Loan và Võ Thị Thanh Thảo, chuyên viên đối ngoại phụ trách công việc này. Đây cũng là lần đầu doanh nghiệp có dự án hỗ trợ cộng đồng. Hànộimới và đối tác đều rất bỡ ngỡ với công việc mới. Khởi đầu của loạt dự án mang tên "Quỹ hỗ trợ giảm nghèo" chúng tôi quyết định chọn huyện Sóc Sơn làm thí điểm. Còn nhớ, hồi đó, 83 hộ dân nghèo ở các xã Bắc Sơn, Việt Long được vay bò. Sau hơn 3 năm, bò sinh sản ra bê, các gia đình sẽ trả lại bò mẹ. Để dễ bề quản lý, địa phương đã bấm số để mỗi con bò có một hồ sơ quản lý riêng.

Sau dự án đầu tiên triển khai ở Sóc Sơn thuận lợi, doanh nghiệp tiếp tục ủy thác để Hànộimới lần lượt triển khai dự án ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Hiệp Hòa (Bắc Giang), Quảng Yên (Quảng Ninh), Đức Huệ (Long An), Hướng Hóa (Quảng Trị). Đặc biệt, trong đó có hai dự án xây cầu bê tông xóa cầu khỉ ở Cà Mau và Kiên Giang. Các điểm cầu này được xây dựng tại các điểm trường đã tạo điều kiện giúp học sinh đi học thuận lợi hơn, không còn xảy ra tình trạng đuối nước.

10 năm thực hiện dự án tại các địa phương đã để lại cho chúng tôi biết bao kỷ niệm và ân tình. Còn nhớ sau 4 năm triển khai dự án ở xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Vì thế, chúng tôi quyết định di chuyển dự án sang xã khác để nhằm tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận được nguồn vốn không lãi suất. Hôm đó, về với Hòa Bình có tôi và chị Trần Thị Thanh Loan, đại diện cho chủ đầu tư. Thật bất ngờ, tất cả lãnh đạo xã Hòa Bình có mặt đông đủ từ bí thư, chủ tịch đến lãnh đạo các tổ chức đoàn thể. Buổi làm việc lúc đầu thật ấm cúng, tình cảm... sau "căng thẳng" chỉ vì lý do: Hòa Bình trình bày nhiều phương án những mong giữ dự án lại để người dân được vay thêm 1 chu kỳ nữa. Tôi và Thanh Loan đã rất bối rối vì sự trân trọng của ban lãnh đạo xã Hòa Bình. Chúng tôi đã liên tục hội ý vì tình huống này. Cuối cùng thì cũng quyết định dời dự án sang địa phương khác trong nỗi niềm không được vui cho lắm (có phần hơi dỗi) của địa phương.

Còn nhiều lắm những kỷ niệm của chúng tôi đối với các địa phương tiếp nhận vốn. Ở đâu chúng tôi cũng nhìn thấy sự hồ hởi, phấn khởi của người dân và lãnh đạo khi họ được vay không phải trả lãi. Chị Ma Thị Đào, người dân tộc ở thôn Tân Nội, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo có gia cảnh nghèo khó: 3 con còn nhỏ, trong đó có 2 con sinh đôi. Với vốn vay 5 triệu đồng cho chu kỳ 2 năm gia đình mua 40 con gà về nuôi thả vườn. Đến nay đàn gà đã phát triển hàng trăm con. Anh chị có thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Chị Đào cho hay, từ miền núi về làm dâu, trình độ văn hóa thấp nên chẳng biết làm gì ngoài chăn nuôi. Người phụ nữ ngoài 30 tuổi chỉ mong được vay vốn lâu dài để chăn nuôi, có thêm thu nhập chuẩn bị cho 3 con tới tuổi đến trường.

Mới đây, trung tuần tháng 10 chúng tôi vừa triển khai chu kỳ mới dự án ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. 40 hộ dân ở đây được vay mỗi hộ 5 triệu đồng để chăn nuôi, kinh doanh. Hướng Hóa là huyện có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tình trạng buôn lậu thường xuyên xảy ra và gia tăng vào dịp lễ Tết. Đối tác hy vọng với nguồn vốn được vay sẽ góp phần thay đổi nhằm tiến tới giảm hẳn tình trạng buôn lậu qua biên giới. Qua 4 năm triển khai dự án đã có những hiệu quả rõ rệt. Chị Trần Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị cho hay: Nguồn vốn đã đáp ứng được nhu cầu của chị em, tạo được việc làm ổn định và góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của phụ nữ nghèo.

10 năm - một thập kỷ với biết bao nhiêu kỷ niệm trong quá trình làm dự án. Còn nhớ thuở ban đầu cả Hànộimới và chủ đầu tư còn bối rối trong dự án vay bò, trả bò ở Sóc Sơn (Hà Nội). Càng làm chúng tôi nhận thấy một điều: cho vay vốn hợp lý hơn cả. Ngày ấy, tại lễ thu hồi vốn ở Sóc Sơn, có vài hộ "phàn nàn" nuôi phải chú bò bị lưỡng tính, 3 năm chẳng sinh sản gì. May được sức kéo để phục vụ thu hoạch, cày cấy. Có nhà nghèo quá, được vay bò. Lúc bò có thai, cho bò lên nhà trên ngủ cùng chủ vì sợ ở dưới chuồng không đủ ấm và bị muỗi đốt. Rồi ở Vĩnh Bảo, đang dở buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, có chị nghe tin con báo đã hớt hải chạy ra đồng "ẵm" em dê cái về vì trở dạ. Sau này hỏi chị, chị bảo "nhà nghèo, dê sinh nở mừng lắm, phải bế về ngay để chăm cả mẹ và con". Lại có nhà bò mới sinh phải nấu cháo cho ăn để dưỡng sức mà trong nhà không có nổi vài chục nghìn đồng...

10 năm, nhân sự quản lý dự án của phía chủ đầu tư luôn có sự thay đổi: Người đi, người luân chuyển sang các bộ phận, vị trí khác. Điều đó đã khiến chúng tôi - đơn vị được ủy thác cũng gặp không ít khó khăn. Đã có những thời điểm bị gián đoạn. Nhưng trên hết với tấm lòng và nhiệt huyết, Hànộimới vẫn bền bỉ giám sát và quản lý để không thất thoát một đồng vốn. Những nhân sự của đối tác sau này dù có chuyển sang công tác khác nhưng vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Hànộimới nói chung và với những phóng viên thực hiện dự án nói riêng. Và cũng trong 10 năm đó chúng tôi đã và vẫn đang được đối tác tin tưởng ủy thác quản lý số vốn gần 2 tỷ đồng.

10 năm qua, chúng tôi đơn vị được ủy thác đã đi lại như con thoi giữa Hà Nội với các địa phương: Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Trị, Long An, An Giang. Có đi mới thấy người nghèo còn thiếu vốn. Vay của Ngân hàng Chính sách tuy lãi suất ưu đãi nhưng thủ tục cũng rườm rà, không dễ tiếp cận. Qua quá trình làm dự án cũng đã cho thấy chỉ có hội phụ nữ là làm bài bản, quản lý vốn tốt. Tất cả các địa phương: Hải Phòng, Bắc Giang, Long An, Quảng Trị, Hưng Yên dưới bàn tay quản lý của các cấp hội phụ nữ nguồn vốn được bảo toàn 100%.

Và đặc biệt hơn, từ uy tín của tờ báo Hànộimới, sự tin tưởng của doanh nghiệp, Tổng Biên tập Hànộimới khi đó là Nguyễn Xuân Trình quyết định cho ra đời Ban Công tác xã hội. Quả là dấu mốc quan trọng. Người kế nhiệm ông - cựu Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi cho ra đời Quỹ Trái tim nhân ái. Tổng Biên tập kế tiếp Tô Quang Phán cũng đã cùng tập thể báo gìn giữ, vun đắp xây dựng để Trái tim nhân ái ngày càng làm nhiều việc nhân ái cho cộng đồng. Cũng đã sắp 10 năm vận hành một ban mới chuyên việc chăm lo cho cộng đồng: từ cứu trợ khẩn cấp khi thiên tai, bão lũ; thăm hỏi, trợ cấp cho những mảnh đời gặp khó khăn, bệnh hiểm nghèo; xây dựng chương trình học bổng dành riêng cho sinh viên khuyết tật; xây dựng lại các điểm trường ở những vùng bị bão lũ...

Thấm thoát đã 10 năm trôi qua. Một thập kỷ bền bỉ với mục tiêu giảm nghèo, mang niềm vui đến với những mảnh đời bất hạnh. 10 năm qua với biết bao nhiêu ân tình mà chúng tôi luôn trân trọng!

Công ty Unilever tặng quà cho Quỹ Trái tim nhân ái

(HNM) - Sáng 23-10, Công ty Unilever Việt Nam đã trao tặng Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới hơn 30 thùng quà gồm: Bột giặt OMO, bàn chải đánh răng, sữa tắm, nước sả. Công ty Unilever là đơn vị đã nhiều năm tặng quà cho Quỹ Trái tim nhân ái của báo. Toàn bộ số quà trên, Quỹ sẽ gửi tặng các điểm trường dân tộc nội trú vùng cao và bà con nghèo.

* Tại bản Ngò, huyện Xín Mần (Hà Giang) vừa diễn ra lễ khởi công xây dựng điểm Trường Mầm non Đoàn Kết. Điểm trường được xây dựng sẽ gồm 2 phòng học theo thiết kế của Tổ chức Plan International với tổng chi phí 470.000.000 đồng. Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã tài trợ 80.000.000 đồng; trong đó, 50.000.000 đồng được trích từ tiền phúng viếng cố nhà báo, nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hồng Lĩnh được gia đình gửi tặng theo di nguyện của ông; 30 triệu đồng trích từ Quỹ Trái tim nhân ái.

Dự kiến trường sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 4-2015.

Thuận Thi


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ân tình còn mãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.