Quận Thanh Xuân đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là chăm lo người có công, hỗ trợ vay vốn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/QU ngày 12-11-2021 của Quận ủy về “Lãnh đạo công tác quản lý xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội quận Thanh Xuân, giai đoạn 2020-2025” gắn với thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, quận Thanh Xuân đã thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội.
Chăm lo tốt đời sống gia đình chính sách
Trong giai đoạn 2020-2025, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của quận Thanh Xuân với doanh số cho vay khoảng 800 tỷ đồng, dư nợ ước đạt 352 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho khoảng 4.200 khách hàng vay vốn.
Anh Trần Văn Hải (con hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết, nhờ được vay hơn 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ quận, anh đã có việc làm ổn định. Đời sống gia đình anh cải thiện rõ rệt.
Tương tự, bà Trần Thị Huệ (hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc) cũng được vay hơn 500 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua Hội Liên hiệp phụ nữ quận. Hiện, kinh tế gia đình đang phát triển khá tốt.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa cho biết, ngoài tạo điều kiện cho đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế, triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/QU, quận Thanh Xuân đã làm tốt công tác an sinh xã hội. Hằng năm, quận tổ chức chi trả trợ cấp hằng tháng cho đối tượng người có công và thân nhân hơn 169,96 tỷ đồng; cấp, đổi thẻ bảo hiểm xã hội cho hơn 2.000 người có công, thân nhân người có công.
Cùng với đó, quận tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 7.113 lượt người với số tiền gần 1,8 tỷ đồng; xét duyệt hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở cho 83 gia đình người có công với cách mạng và thân nhân với số tiền gần 4,6 tỷ đồng; thu ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 3,7 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đăng ký hằng năm.
Đối với công tác trợ giúp xã hội, quận đã xét duyệt hồ sơ, ban hành 1.374 quyết định thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng, chuyển đi, chuyển đến, hỗ trợ người nuôi dưỡng, hộ gia đình nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng… trên địa bàn; chi trả trợ cấp hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền 58,03 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 1.723 đối tượng.
Quận cũng đã hỗ trợ cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới nhà ở cho 24 hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng; hướng dẫn, tư vấn cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát cận nghèo các mô hình dịch vụ, thương mại phù hợp để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; giới thiệu và giải quyết việc làm 6.300 người/năm; dạy nghề cho 650 người/năm... Vì vậy, số hộ cận nghèo hằng năm giảm nhanh, đến cuối 2024, toàn quận không còn hộ cận nghèo.
Không để phát sinh hộ nghèo, cận nghèo
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng đặt ra những khó khăn đối với công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Mặc dù số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tăng dần qua các năm, nhưng việc duy trì người tham gia chưa đạt yêu cầu, nhất là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân còn gặp khó khăn, trong khi một số bệnh mới nổi, như sởi, bạch hầu, ho gà... mặc dù đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát cao...
Khắc phục những khó khăn trên, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến cho biết, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách xã hội.
Đồng thời, quận tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công; thực hiện các chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất, tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội; bảo đảm người có công và gia đình người có công có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Quận cũng tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng sổ tiết kiệm, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà, cấp phát thuốc miễn phí cho người có công...
Song song đó, quận Thanh Xuân chú trọng phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động; khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho người thuộc hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đáng chú ý, quận Thanh Xuân kiên quyết không để phát sinh hộ nghèo, cận nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.