(HNM) - Lữ đoàn Stryker số 4 của Mỹ với 1.800 binh sĩ cùng 360 xe quân sự đã hoàn tất việc rút quân khỏi Iraq sáng ngày 18-8. Đây là đơn vị chiến đấu cuối cùng của Mỹ rút quân sau hơn 7 năm Mỹ phát động cuộc chiến tại Iraq.
"Thời khắc lịch sử" này với binh sĩ Mỹ đã đặt nền an ninh của Iraq vào một bài toán chưa có lời giải cuối cùng. Mặc dù vào trung tuần tháng tám Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Iraq Raymond Odierno đã trấn an rằng quân đội Iraq đã sẵn sàng và đủ khả năng bảo đảm an ninh khi Mỹ rút quân lớn, nhưng triển vọng tình hình xem ra còn u ám.
Chỉ một ngày trước khi những binh sĩ cuối cùng của Mỹ rời Iraq, ít nhất 60 người thiệt mạng, 125 người khác bị thương trong vụ đánh bom liều chết (ngày 17-8), ngay tại một trung tâm tuyển quân của quân đội Iraq tại thủ đô Baghdad. Bạo lực cũng đã xảy ra trước đó ở một thị trấn phía Nam thủ đô Baghdad (ngày 15-8), làm ít nhất 14 người thiệt mạng và 30 người bị thương, trong đó có ba nhà lãnh đạo của lực lượng dân quân địa phương bị sát hại. Cùng thời gian này, ngoài khơi Vịnh Persian, các tay súng chưa rõ danh tính đã cướp tàu thương mại của một số nước khi đang thả neo gần thành phố dầu mỏ Basra...
Vào thời điểm mà sự tồn tại của "Chiến dịch Giải phóng người dân Iraq", do cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khởi xướng, chỉ còn tính bằng tuần, thậm chí bằng ngày, thì câu hỏi liệu quân đội Iraq có đảm đương được an ninh cho đất nước hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Theo cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 31-8 tới, sứ mệnh chiến đấu của binh sĩ Mỹ tại Iraq sẽ kết thúc. Đây sẽ là một trong những chiến dịch "hậu chiến" lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua của Mỹ như cam kết của ông B. Obama đưa ra khi nhậm chức (năm 2009). Washington sẽ chỉ duy trì một lực lượng hỗ trợ quá độ tại Iraq trong những tháng tới và sẽ rút hết cuối năm 2011.
Tuy nhiên, kế hoạch rút quân của Mỹ vào thời điểm này đã tạo ra thách thức không nhỏ với tình hình chính trị và an ninh của Iraq. Số vụ đánh bom đẫm máu tại Baghdad và nhiều nơi khác tại Iraq đang tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, nền chính trị của quốc gia này vẫn chưa có hy vọng bớt căng thẳng. Trong một động thái mới, ngày 16-8, Liên minh Người Iraq (IL) của cựu Thủ tướng Iyad Allawi và Liên minh Nhà nước pháp quyền (SOL) của đương kim Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã chấm dứt các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền dù chưa đạt kết quả cụ thể.
Đã 5 tháng sau bầu cử Quốc hội Iraq, hy vọng sớm lấp đầy khoảng trống chính trị tại quốc gia này đã tiêu tan và khó có thể thành lập được chính phủ mới trước khi kết thúc tháng lễ Ramadan vào giữa tháng 9 tới. Dư luận quốc tế lo lắng, người dân Iraq thất vọng. Cuộc chiến chính trị quyết liệt và cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái đã và đang làm tăng thêm mối quan ngại về một khoảng trống quyền lực lớn tại Iraq.
Vào lúc cao điểm (tháng 10-2007), có tới 170.000 quân Mỹ hiện diện tại Iraq, nhưng bạo lực vẫn nổ ra. Đến nay, khi Mỹ chỉ duy trì một lực lượng khoảng 50.000 người, lại chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện binh lính bản địa, hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố và các hoạt động dân sự khác thì bài toán an ninh tại Iraq xem ra càng nan giải. Bình yên đã không thể đến sớm như mong đợi với xứ sở Nghìn lẻ một đêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.