(HNM)- Ngày 29-11, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) và Liên minh Châu Phi (AU) đã khai mạc tại Abidjan (Bờ Biển Ngà), với sự tham dự của hơn 40 nước và nhiều tổ chức quốc tế. Sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia Châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron,...
Vấn đề an ninh đã trở thành đề tài trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh EU - AU, thay vì các yếu tố thương mại. |
Diễn ra ngay khi truyền thông quốc tế đăng tải hình ảnh những người dân Châu Phi bị buôn bán như nô lệ trong một trại tập trung gần Tripoli (Libya) khiến thế giới "dậy sóng", nội dung trọng tâm của hội nghị đã chuyển hướng sang chủ đề chống khủng bố, buôn người, ngăn làn sóng tị nạn. Điều này nằm ngoài mong đợi của các nước chủ nhà Châu Phi, vốn rất muốn bàn về kinh tế, trong đó tập trung vào sự hỗ trợ của EU để phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Tuy nhiên, trong suốt hai ngày diễn ra hội nghị, các thảo luận về hợp tác kinh tế chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi và hứa hẹn, không có một dự án tầm cỡ nào được nhắc đến.
Thay vào đó, sự tập trung hướng vào cuộc khủng hoảng người tị nạn từ Châu Phi, vốn trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara kêu gọi thực hiện ngay mọi biện pháp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng buôn bán nô lệ nhập cư tại Libya, khẳng định thực trạng đó gợi lại những điều tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, đòi hỏi EU và AU có biện pháp giải quyết cấp bách. Ngay trong ngày đầu diễn ra hội nghị, một cuộc họp khẩn với sự tham gia của các thành viên chủ chốt của EU như Pháp, Đức, đại diện của Liên hiệp quốc và 5 nước lân cận khu vực Sahara đã đưa ra quyết định thành lập ngay “lực lượng phản ứng nhanh” nhằm hồi hương cho 3.800 người tị nạn đang bị đối xử như nô lệ trong trại tập trung nói trên. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ hiện có khoảng 42 trại tập trung tương tự đang tồn tại trên lãnh thổ Libya một cách vô chính phủ. Chính vì thế, mọi nỗ lực giải cứu chỉ là giải pháp tình thế, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán người cần có giải pháp căn cơ, toàn diện và hướng tiếp cận sâu sắc hơn.
Việc không thúc đẩy được quan hệ thương mại thông qua hội nghị lần này cũng là một thất bại của EU. Hiện nay, Châu Âu là đối tác quan trọng hàng đầu của Châu Phi, với những khoản viện trợ hằng năm khoảng 21 tỷ euro cùng với khoản đầu tư lên tới 32 tỷ euro. Tuy nhiên, vai trò của Châu Âu đang dần bị mờ nhạt trước Trung Quốc. Trong 7 năm qua, Bắc Kinh đã có những bước tiến rất nhanh và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi.
Bên cạnh lợi thế về địa lý (chỉ cách nhau biển Địa Trung Hải) và văn hóa (nhiều nước Châu Phi từng là thuộc địa của Châu Âu), các nước EU cũng có bất lợi khi hợp tác kinh tế với Châu Phi thường gắn liền với nỗi lo về an ninh. Đây là lý do vì sao Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn thúc giục và vận động thành lập một lực lượng quân sự chung của 5 nước cận Sahara (nhóm G5 Sahel) nhằm chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố và nhóm tội phạm buôn bán người trong khu vực.
Theo các nhà phân tích, không thể phủ nhận mong muốn hợp tác về mặt kinh tế của EU và AU, nhưng rõ ràng bài toán an ninh trong khu vực đang là vấn đề cấp bách, cần giải quyết trước khi tính đến việc tăng cường, mở rộng mối quan hệ giữa hai lục địa. Muốn làm được điều này, các nước thuộc hai khối cần nỗ lực đưa ra các giải pháp mang tính thực tiễn nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề như: chống khủng bố, buôn người, ngăn làn sóng tị nạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.