Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ẩn họa từ rượu “nút lá chuối”

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 11/10/2016 06:25

(HNM) - Những con số thống kê do Bộ Y tế vừa đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình: Gần 80% đàn ông Việt Nam sử dụng rượu, bia - thuộc nhóm cao nhất thế giới hiện nay.

Năm 2015, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Rượu tự nấu, hay còn gọi là rượu “nút lá chuối” luôn tiềm ẩn mối nguy cho sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện nay dù không thiếu các quy định pháp lý, song do chưa phù hợp với thực tế đời sống nên chỉ có tác dụng trên... giấy tờ. Điều đó dẫn đến công tác quản lý, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu “nút lá chuối” còn thả nổi.

Nấu rượu thủ công tại thôn Cự Đà, xã Cự Khê (Thanh Oai).


Phủ khắp làng quê

Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) nằm ven sông Hồng nức tiếng từ lâu về nghề nấu rượu. Người "làng Bá" (cách gọi vắn tắt) vẫn tự hào về sản phẩm truyền thống ông cha để lại. Đi dọc những con đường làng đã được bê tông hóa, mùi men rượu len lỏi khắp ngõ ngách… Ông Phạm Văn Hà, Bí thư Chi bộ Cụm dân cư số 3 làng Bá Dương Nội cho hay: Rượu ở đây không được cấp nào dán nhãn hay công nhận thương hiệu, nhưng tên rượu đã đi vào đời sống của người dân quanh vùng. Vì nấu rượu lãi ít nên nhiều người đã chuyển nghề làm đậu phụ, nhà nào nấu rượu đều kết hợp nuôi lợn… Tuy là "đất rượu", nhưng ở đây chưa bao giờ xảy ra ngộ độc rượu. Rượu luôn bảo đảm chất lượng và các mối mua đều là người quen biết đã lâu… Tuy nhiên, rượu được bán từ các làng truyền thống này đi đâu, về đâu, được pha chế thế nào cũng ít người quan tâm.

Chúng tôi tìm về làng rượu Trại Chiêu (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức). Đây là vùng sản xuất rượu truyền thống, nhưng nay cả xã cũng chỉ còn 36 hộ nấu rượu thường xuyên để bán, quy mô chỉ 5 đến 10 lít/ngày. Ông Nguyễn Chí Lợi, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết: Hầu hết các hộ nấu để sử dụng khi nhà có công việc; còn người nấu rượu để bán chỉ là nhỏ lẻ, chủ yếu lấy phụ phẩm để chăn nuôi. Các hộ nằm rải rác ở khắp các thôn, nhưng nhiều người cho rằng rượu ở thôn Trại Chiêu ngon hơn cả bởi ở đây có được mạch nước ngon nhất vùng… Rượu được tiêu thụ trong làng, ngoài xã, cũng có người cung cấp cho một số nhà hàng trong nội thành Hà Nội.

Rượu Yên Ngưu, xã Tam Hiệp (Thanh Trì), hay rượu Chi Nê, xã Trung Hòa (Chương Mỹ), rượu Cự Đà, xã Tam Hưng (Thanh Oai)… đều là những làng rượu quê có tiếng. Tuy độ ngon mỗi nơi một khác, nhưng về chất lượng, độ an toàn đều đã được khẳng định từ lâu. Có một điểm chung ở hầu hết các làng chuyên nghề rượu “quốc lủi”, đó là kết hợp giữa nấu rượu và nuôi lợn nên rất nhếch nhác, ô nhiễm. Trên những mảnh ni lông, bao tải dứa, người ta tãi cơm, rắc men rượu ngay ở sân nhà hay lối đi mặc cho ruồi nhặng bu bám. Điều đó làm dấy lên những nghi ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)…

Quy định vẫn… trên giấy!

Sáng 7-10, chúng tôi có mặt tại nhà ông Lập, xóm Cương, làng Cự Đà, xã Cự Khê (Thanh Oai). Nói về các quy định với hộ sản xuất rượu thủ công để kinh doanh, ông Lập cười trừ: “Khi có quy định, xã cũng tuyên truyền để người dân đến đăng ký, kê khai biểu mẫu… nhưng không ai thực hiện. Chúng tôi là nông dân, tranh thủ lúc nông nhàn thì nấu rượu. Năm bữa nửa tháng mới đun một nồi, gom vào đó để bán dần”. Tương tự, chị Lan ở thôn Bá Dương Nội cũng thản nhiên: Đời ông bà tôi đã nấu rượu, giờ đến tôi. Tôi nấu rượu lấy bỗng nuôi lợn chứ bán được nhiều đâu mà khai báo với đăng ký ngành nghề. Không có nhãn mác, chúng tôi vẫn bán rượu bình thường…

Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ quy định: Sản xuất (SX) rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải xin cấp phép với các điều kiện: Có đăng ký kinh doanh ngành nghề SX rượu thủ công; bảo đảm các điều kiện về môi trường, chất lượng, ATVSTP; rượu là sản phẩm hàng hóa bắt buộc phải đăng ký bản công bố hợp quy; sản phẩm rượu chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi có nhãn hàng hóa… Đặc biệt, “từ ngày 1-1-2014, sản phẩm rượu SX để tiêu thụ trong nước lưu hành trên thị trường phải được dán tem…”. Tất cả các quy định này đều hướng đến việc công khai xuất xứ, nguồn gốc rượu, gắn trách nhiệm của người SX với người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế lại khác rất xa.

Ông Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (Đan Phượng) thừa nhận: Làng Bá Dương Nội được công nhận làng nghề chế biến lương thực thực phẩm từ năm 2004, nhưng nay nghề nấu rượu không còn như xưa, số hộ đã giảm rất nhiều. Phần lớn, các hộ bán nhỏ lẻ nên không đăng ký nhãn mác. Chưa kể, các điều kiện để công nhận thương hiệu cũng khó đạt vì các hộ SX gắn liền với chăn nuôi, không bảo đảm yêu cầu ATVSTP. Trong khi đó, rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh nên mức thuế cao, người dân không muốn đăng ký.

Cùng chung tình trạng ấy, ông Nguyễn Chí Lợi chia sẻ: Vì quy mô SX rượu thủ công nhỏ lẻ, phạm vi kinh doanh mang tính làng, xã nên người dân không quan tâm đến ghi nhãn hay tem… Nhìn nhận việc này, đại diện Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho hay: Trên địa bàn huyện Đan Phượng có hai xã Hồng Hà và Hạ Mỗ nổi tiếng về nấu rượu, trong đó tập trung ở làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà với khoảng 1.000 hộ, có quy mô SX từ 20 đến 70 lít/ngày. Từ khi có Nghị định 94/2012/NĐ-CP, huyện đã triển khai bộ thủ tục hành chính về cấp phép SX, kinh doanh rượu thuộc thẩm quyền, công khai tại bộ phận "một cửa"; đồng thời chỉ đạo các xã triển khai... Tuy nhiên, do quy hoạch SX rượu chưa thực hiện được nên việc cấp phép còn tạm thời. Đối với các làng nghề thì không có tổ chức, đơn vị nào bảo đảm được trách nhiệm và đăng ký các thủ tục pháp lý đại diện cho làng nghề để SX và kinh doanh.

Thực tế, số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép SX rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương quá ít so với thực tế các cơ sở đang hoạt động (Ứng Hòa 572 hộ, Hoài Đức khoảng 200 hộ…). Mặt khác, quy định rượu là sản phẩm phải được công bố hợp quy, nhưng hiện nay chưa có đủ quy chuẩn kỹ thuật cho tất cả các loại rượu trên thị trường; người bán lẻ thường là các hộ kinh doanh nhỏ, bán rượu kèm theo các loại tạp hóa khác nên không đăng ký kinh doanh... Với thực trạng đó, Sở Công Thương cho biết: Sau 4 năm Nghị định 94/2012/NĐ-CP ra đời, đến nay trên toàn địa bàn thành phố mới cấp được 3 giấy phép.

Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng trên, bà Trịnh Thị Hồng Loan, Chánh Văn phòng Sở Công Thương nói: Đa số các hộ SX rượu truyền thống ở quy mô gia đình, bán sản phẩm không nhãn mác, không thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy… Trong khi đó, phòng kinh tế cấp huyện có số lượng cán bộ hạn chế, thiếu cán bộ chuyên môn về an toàn thực phẩm, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và công tác tuyên truyền chưa thật sự sâu rộng nên người dân chưa hiểu đầy đủ về quyền và nghĩa vụ.

Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã hai lần ban hành nghị định về SX, kinh doanh rượu nhưng nhiều quy định đối với SX rượu thủ công vẫn không đi vào cuộc sống. Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đang soạn thảo nghị định mới thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu trong hoạt động SX kinh doanh rượu. Mong rằng, những quy định mới sẽ bám sát thực tiễn để công tác quản lý rượu “nút lá chuối” ẩn họa nhiều nguy cơ không bị thả nổi như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ẩn họa từ rượu “nút lá chuối”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.