(HNM) - Gần đây, loại đá khô với ưu điểm “nửa ngày không tan” được nhiều người sử dụng không chỉ để bảo quản thuốc, thực phẩm, sữa mẹ mà còn cho vào các loại nước giải khát... Tuy nhiên, trong đá khô có rất nhiều hóa chất có thể gây hại cho người sử dụng.
Đá khô thường được sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Ảnh: Anh Tuấn |
Vừa uống vừa giữ tươi thực phẩm
Mùa hè nắng nóng, tại các khu chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ Ngã Tư Sở, chợ Dịch Vọng (Hà Nội)… xuất hiện khá nhiều cửa hàng bán đá lưu động, từ đá cây, đá viên tinh khiết đến loại đá khô lâu tan. So với các loại đá cây bán tràn lan trên vỉa hè thì đá khô, hay còn được đại lý gọi là đá gel, thường phải đặt hàng trước. Đá khô được bảo quản trong thùng xốp cách nhiệt, để nơi nhiệt độ thấp, tránh ánh sáng trực tiếp. Kích thước viên đá tùy thuộc vào khuôn, dao động trong khoảng 1,5kg - 2,2kg/viên. Đá khô được bán với giá 35.000 đồng/kg, đắt gấp năm lần so với đá viên thông thường. Mặc dù cửa hàng nào cũng treo biển đá cây, đá viên siêu sạch, đá khô tinh khiết nhưng khi chứng kiến cảnh các loại đá được bày bán tràn ra vỉa hè với những thùng đựng bằng sắt hoen gỉ, vài tấm bạt bám đầy bụi và một ít bao tải đựng đá cáu bẩn, bốc mùi, không ai dám khẳng định sản phẩm bảo đảm vệ sinh.
Đá khô có màu trắng đục, khi bảo quản không phải cho vào tủ đá vì lâu tan hơn so với các loại đá thông thường. Ban đầu, loại đá này chủ yếu được bán cho những người vận chuyển thực phẩm đường dài, đặc biệt là hàng hải sản do ưu điểm làm lạnh nhanh, lâu tan. Ngoài ra, đá khô cũng thường được dùng để trang trí, làm băng đăng, làm tháp rượu tại các tiệc cưới hỏi. Hiện nay, nhiều siêu thị cũng bày bán các loại đá này để người tiêu dùng mua bảo quản thức ăn. Thậm chí, nhiều phụ nữ mua đá khô để giữ lạnh túi trữ sữa mẹ mang đi du lịch… Nhiều cửa hàng giải khát cũng sử dụng loại đá này vì đá bốc hơi trắng toát trông khá hấp dẫn thực khách.
Chị Nguyễn Liên Hương, nhân viên văn phòng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Tôi biết đến loại đá này vì thấy nhiều cửa hàng rao bán trên mạng. Do đá lâu tan nên tôi mua về cho chồng uống với rượu tây để không bị mất mùi vị như uống với đá viên. Tôi cũng sử dụng cho con khi uống với pepsi, coca… vì nghe nói đá khô sạch và bảo đảm vệ sinh hơn đá cây thông thường.
Một trường hợp bị bỏng lạnh do sử dụng đá khô sai cách. |
Không nên sử dụng để ăn
Tuy nhiên, ít người tiêu dùng biết rằng quy trình sản xuất loại đá khô này khác với loại đá thông thường, đá khô được sản xuất bằng cách nén khí CO2 với áp suất cao để trở thành dạng lỏng, loại bỏ nhiệt trong quá trình nén. Nhiệt độ của đá khô vào khoảng -78 đến -79 độ C. Khi tan, nó không tan thành nước như đá bình thường mà bốc hơi và tỏa ra khí CO2.
Đá khô có thể sử dụng cùng với nước giải khát như đá thông thường nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bỏng lạnh, đau đầu, chóng mặt nếu hít phải hơi bốc lên. Theo GS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), đá khô thường dùng để làm lạnh hay bảo quản rau quả tươi, thủy hải sản... Ngoài ra, đá khô dùng để bảo quản mô sinh vật và thiết bị y tế, vệ sinh công nghiệp, bảo quản thi hài, tạo các hiệu ứng khói trong sân khấu tiệc cưới, ca nhạc... GS Trần Hồng Côn cảnh báo, phải sử dụng đúng cách, nếu không rất dễ ngộ độc CO2, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi tiếp xúc với đá khô, người sử dụng phải dùng găng tay cách nhiệt thích hợp như bao tay bằng cao su để di chuyển đá, không được chạm tay trực tiếp với loại đá này.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đá khô chủ yếu được dùng trong ướp xác, do đó không nên ăn uống. Bởi khi uống hoặc hít phải một lượng khí CO2 lớn sẽ bị nhiễm độc tố. Ngoài ra, đá khô gây kích thích da và mắt. Nếu trực tiếp cầm loại đá này hoặc đưa cả viên vào miệng, ngoài nguy cơ bị ngộ độc, người sử dụng có thể bị lột da lưỡi, lột da tay do bỏng lạnh. Do đó, nếu cho trẻ em tiếp xúc loại đá này sẽ rất nguy hiểm. Vì trẻ thường có thói quen ăn đá hoặc vì tò mò mà lấy ra nghịch.
Bác sĩ Chu Thanh Hương thông tin thêm: Nếu cơ thể tiếp xúc với đá khô trên 1 phút thì những tế bào ở vùng tiếp xúc sẽ chết, gây hoại tử. Nếu nuốt phải, nó làm bỏng thực quản, dạ dày, gây đau đớn và rất nguy hiểm. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, chỉ cần hít phải hơi bốc lên từ các loại đá này cũng dễ bị buồn nôn, chóng mặt… Do đó, không nên sử dụng loại đá này cho trẻ giải khát và người tiêu dùng cũng cần biết khi mua những loại thức ăn được làm lạnh bằng đá khô thì tuyệt đối không nên sờ hay hít ngửi khói trắng bốc lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.