(HNM) - Dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng nhiều lần cảnh báo về các vụ ngộ độc thực phẩm do thói quen ăn các loại côn trùng, ấu trùng lạ. Thế nhưng, thời gian gần đây, tại một số địa phương vẫn ghi nhận các vụ ngộ độc, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong sau khi ăn sâu ban miêu, mối, côn trùng lạ... Để tránh rước họa vào thân, người dân tuyệt đối không nên sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng lạ làm thức ăn.
Liên tiếp các ca tử vong sau khi ăn côn trùng lạ
Vào ngày 12-6 vừa qua, sau khi ăn sâu ban miêu khoảng 1 giờ đồng hồ, bà B.T.B (64 tuổi) và ông T.M.H (50 tuổi) ở xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có biểu hiện phỏng rộp miệng, lưỡi, nôn ra máu, đau bụng, đau tức ngực và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đô Lương. Nhận thấy đây là một loại sâu có độc tính cực độc, nên hai bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Tuy nhiên, bà B. đã tử vong do nội tạng bị phá hủy, còn ông H. tiếp tục được điều trị trong tình trạng nguy kịch đến chiều 13-6 cũng qua đời.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (60 tuổi, ở Hà Nội) bị nhiễm nấm Aspergillus fumigatus sau khi ăn mối. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân T. về quê Ninh Bình và có qua Hòa Bình mua mối sống về làm món mối rang. Tuy nhiên, do ăn không hết, nên bệnh nhân có bỏ thức ăn thừa và lượng mối còn sống vào trong tủ lạnh bên cạnh các thức ăn nhanh như giò, chả…
Sau đó 5 ngày, bệnh nhân T. có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, tụt huyết áp. Bệnh nhân được cấp cứu tại bệnh viện tỉnh và được xử trí theo hướng sốc nhiễm khuẩn, nhưng tình trạng không cải thiện. Ngày 30-5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phổi không còn bảo đảm được chức năng thông khí… Đến ngày 4-6, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và đã tử vong sau 6 ngày được điều trị tích cực.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tất cả mẫu bệnh phẩm đường thở của bệnh nhân đều có kết quả nhuộm soi ra nấm sợi Aspergillus fumigatus. Đây là loại nấm ký sinh trên nhiều loại động vật, côn trùng và trong môi trường. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch (như bị bệnh nặng…), nấm có cơ hội phát triển và gây bệnh với các triệu chứng rất nặng, đặc biệt là hô hấp, với tỷ lệ tử vong rất cao.
Tương tự, vào giữa tháng 4-2022, khi chặt bạch đàn thuê cho một người dân ở xã Đăk Song (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), ông Đ.V.G (59 tuổi, ở thôn Măng Đen, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) bắt được nhiều con côn trùng màu đen không biết tên. Sau đó, ông G. mang số côn trùng này đi chiên và cùng ăn với hai người khác. Đến buổi tối cùng ngày, cả 3 người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, tiêu chảy nhiều lần. Đến khoảng 3h ngày 19-4, ông G. tử vong…
Tuyệt đối không ăn côn trùng lạ
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại Việt Nam, việc sử dụng côn trùng, như: Cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây… làm thức ăn, thậm chí được chế biến thành những món đặc sản khá phổ biến. Tuy nhiên, việc ăn các loại côn trùng này, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đối với côn trùng như sâu ban miêu nằm trong nhóm cực độc. Dù có các cảnh báo, nhưng hằng năm đều có các nạn nhân nhập viện vì ăn sâu ban miêu. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột đến cơ, gan, thận… Hiện tại, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả. Chất độc này không phân hủy ở nhiệt độ cao, do đó không sử dụng sâu ban miêu làm thực phẩm, dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.
Theo các chuyên gia, sâu hay bọ xít có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loại chứa độc tố. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc, nhưng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người, như các ký sinh trùng, vi khuẩn, vi rút. Do đó, để phòng, tránh ngộ độc, bên cạnh một vài dạng sâu đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm, như nhộng tằm, người dân tuyệt đối không được sử dụng bọ xít, sâu làm thực phẩm hoặc cho vào vị thuốc.
Trong trường hợp sử dụng món ăn từ côn trùng, người dân chỉ nên ăn những loài côn trùng đã được sử dụng làm thức ăn quen thuộc, như: Nhộng, châu chấu, cào cào..., không nên chế biến, ăn những loài côn trùng lạ. Đặc biệt, khi chế biến món ăn từ côn trùng cần phải có quy trình xử lý bảo đảm. Cụ thể, cần ngâm, rửa sạch côn trùng bằng nước muối ấm hoặc nước vôi trong để khử hết nấm độc, giun... bám trên côn trùng và để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột; đồng thời loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi của côn trùng. Ngoài ra, tuyệt đối không ăn sống, ăn tái côn trùng. Với những loài côn trùng quen thuộc được sử dụng làm thức ăn khi nấu phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay khi chưa có các nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, người dân không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn. Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa..., cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.