(HNM) - "Tiếng lành đồn xa", ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán chỉ vì mê phong tục đón tết cổ truyền, vì bị "hút hồn" trước văn hóa ẩm thực tinh tế nơi đây. Bích Ngọc, người có hơn mười năm trong nghề hướng dẫn viên nói với tôi như vậy trong cuộc "thảo luận bàn tròn" xung quanh ý tưởng phát triển ẩm thực Việt thành thương hiệu du lịch quốc gia.
Bánh chưng Tranh Khúc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì đã được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước. Ảnh: Bá Hoạt |
"Hồn Việt" là đây
Bên tách cà phê nóng, cô bạn hướng dẫn viên đưa tôi đến với chuỗi hành trình "nay đây, mai đó". Ngọc kể: "Lần dẫn một cặp vợ chồng người Na Uy có nhu cầu ăn tết với các gia đình Việt Nam để lại trong mình nhiều ấn tượng khó quên". Sau khi có những trải nghiệm về phong tục đón tết cổ truyền, hai vị khách mong muốn được học gói bánh chưng. Sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc bộ, Ngọc đã được bà, mẹ dạy cách gói bánh chưng từ nhỏ, đủ tự tin hướng dẫn hai vị khách gói bánh cổ truyền dân tộc. "Vừa gói, mình vừa kể cho họ về sự tích bánh chưng, bánh dày. Nhìn thao tác của họ chẳng khác nào một đôi vợ chồng Việt đang tất bật lo tết, vợ gói bánh, chồng lăng xăng vòng ngoài mang lá dong, lạt, gạo nếp, rồi… chụp hình. Lần đầu "chạm ngõ" ẩm thực Việt, đôi vợ chồng người nước ngoài tỏ ra thích thú với cách thức gói bánh lạ lẫm".
Sau lần ấy, cô bạn tôi quyết định sưu tầm thật nhiều sách dạy nấu ăn và sách viết về tinh hoa của ẩm thực Việt Nam, coi đó như nguồn tư liệu quý giúp những chuyến hành trình cùng khách có thêm "gia vị". Giờ thì đi đến mỗi vùng miền của đất nước, cô có thể tự hào "khoe" với du khách về những món ngon và sự tinh túy của ẩm thực Việt. Ngọc thường trổ tài nấu ăn, dạy khách nước ngoài nấu một vài món được biết đến nhiều như phở, nem, bún chả...
Đưa Việt Nam trở thành "bếp ăn thế giới"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhấn mạnh ý tưởng đó tại một cuộc họp diễn ra vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn 2012. Ông tâm sự, ẩm thực Việt có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách nước ngoài. Trong lần đặt chân đến Việt Nam của Phillip Kotler vào năm 2007, khi được một doanh nhân Việt hỏi "Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới, Ấn Độ thành văn phòng của thế giới, theo ông thì Việt Nam nên trở thành gì?", người được cho là cha đẻ của trường phái marketing hiện đại thế giới nói: "Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới". Gợi ý đó đã khiến Tổng Giám đốc Vietravel luôn suy ngẫm về việc dùng ẩm thực Việt làm thương hiệu du lịch quốc gia. Sau lần ấy, Vietravel đã từng bước phối hợp với ngành du lịch xây dựng kế hoạch, mời GS Trần Văn Khê đến nói chuyện về văn hóa ẩm thực cho hơn 400 cán bộ nhân viên của công ty, điểm mấu chốt là dẫn dắt niềm tự hào, rằng ẩm thực Việt Nam đáng giá đến nhường nào.
Rất nhiều người nước ngoài tìm đến nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết để học nấu ăn. |
Trò chuyện với nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết, người được ví như "bộ từ điển ẩm thực sống", có những bí quyết "vàng" để tạo ra những món ăn ngon đậm chất Hà thành khiến bạn bè quốc tế nể phục, bà cho biết: Hiện nay, ẩm thực Việt Nam được nhiều thực khách quốc tế ưa thích, được xếp loại "ẩm thực sức khỏe" do món ăn Việt ít dầu, mỡ hơn của Trung Quốc, ít cay hơn của Thái Lan hay Hàn Quốc, ít thịt hơn các món ăn Châu Âu và luôn được chế biến cầu kỳ, bảo đảm dễ tiêu hóa. Mặt khác, ẩm thực Việt có nguồn gia vị phong phú nhờ thiên nhiên ưu đãi, với rất nhiều loại rau - gia vị mà ngay cả những nước rất mạnh về ẩm thực như Trung Quốc hay Thái Lan đều không có. Điều đặc biệt hơn cả là mỗi loại gia vị tạo nên hương vị đặc biệt cho từng món ăn, mỗi món lại có thứ nước chấm riêng, rất thú vị. Mỗi miền, mỗi vùng quê đều có món đặc sản, độc đáo, hấp dẫn. Rất nhiều nguyên liệu, gia vị món ăn của Việt Nam là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh. Bà Ánh Tuyết nhấn mạnh: Ông cha ta có câu "Miếng ngon nhớ lâu. Đòn đau nhớ đời". Đến Việt Nam, với đa số khách du lịch, ngoài những cảnh đẹp thì điều quan trọng là được thưởng thức các món ăn đặc biệt chỉ có ở điểm đến, được tìm hiểu cách ăn, cách chế biến, từ món nào ăn với rau nào, nước chấm gì đến cách trình bày... Đó không chỉ là thưởng thức, mà còn là khám phá nền văn hóa, phong tục, con người nước sở tại.
Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các món ăn, từ lâu, căn nhà số 25 Mã Mây của nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết còn là địa chỉ cho nhiều người nước ngoài (gồm những du khách, những người sống và làm việc tại Thủ đô) đến học nấu ăn. Chỉ vì "nghiện" những món ăn do chính tay bà Tuyết nấu mà nhiều người nước ngoài đã tìm đến "tầm sư học đạo". Nhiều học viên, sau khi học cách chế biến món ăn, hiểu được sự tinh tế trong từng món ăn đã mê mẩn văn hóa ẩm thực Việt Nam, thường xuyên đến gặp bà để học thêm bí quyết nhà nghề.
Theo nhiều chuyên gia lữ hành, với cảnh đẹp thì đa số khách chỉ cần đến một lần là đủ, ngắm một lần rồi thôi. Chính những món ăn hấp dẫn và phong phú là yếu tố quan trọng hàng đầu giữ chân khách, khiến họ muốn quay trở lại. Đó chẳng phải mục tiêu hàng đầu của ngành du lịch hay sao!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.