(HNM) - Trong quá trình phát triển công nghiệp âm nhạc, các nghệ sĩ, giới hoạt động âm nhạc Việt Nam không chỉ chú trọng thị trường trong nước mà đã vươn tới mục tiêu xa hơn - bước ra thị trường thế giới. Với nguồn cảm hứng từ các nước có nền âm nhạc phát triển cùng nhiều cơ hội đang rộng mở, giới âm nhạc Việt Nam cần linh hoạt, chủ động hơn để “cất cánh”.
Xuất hiện ở những “miền đất mới“
Ở tuổi 19, ca sĩ Mỹ Anh đã tự tin bước ra thế giới khi được mời trình diễn trong lễ hội âm nhạc nổi tiếng ở Mỹ “Head In The Clouds 2021” cùng các nghệ sĩ lớn, như: CL (2NE1), Keshi, Joji, Saweetie… Tháng 1-2022, Mỹ Anh lại xuất hiện ấn tượng trong chương trình “Round Asean - Korea Music Festival” được phát trên Đài KBS (Hàn Quốc) cùng với nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc và Đông Nam Á. Nữ ca sĩ trình diễn các tác phẩm do mình sáng tác, tương tác tốt với khán giả quốc tế và được chọn là gương mặt tiêu biểu cho chiến dịch EQUAL của nền tảng phát nhạc trực tuyến quốc tế Spotify, nhằm tôn vinh tài năng và phong cách âm nhạc riêng biệt của các nữ nghệ sĩ toàn cầu... Cùng với Mỹ Anh, nhiều ca sĩ Việt Nam đã được chọn tham gia chiến dịch và được biết đến rộng rãi trên thế giới như: Mỹ Tâm, Văn Mai Hương, Hoàng Thùy Linh, Bích Phương.
Nhiều năm qua, nhạc sĩ Quốc Trung có mặt tại các festival âm nhạc uy tín thế giới: Montreux Jazz Festival (Thụy Sĩ), Roskilde Music Festival (Đan Mạch) và biểu diễn cùng với nhiều nghệ sĩ âm nhạc lớn: Stephan Eicher, Manu Katche… Ông cũng đã kết nối để nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc Việt Nam tham gia các chương trình, hoạt động, lễ hội âm nhạc ở nước ngoài…
Gần đây, nhiều nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam đã đến những “miền đất mới” và nhận được sự ủng hộ của khán giả quốc tế. Như Sơn Tùng M-TP “Mỹ tiến” tốt với tác phẩm kết hợp với nghệ sĩ rap quốc tế Snoop Dogg. Nữ ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý cũng chọn kết hợp với nhóm nghệ sĩ châu Phi Kenyan Boys Choir trong ca khúc “8 chữ có”, gặt hái nhiều thành công trên các nền tảng nghe nhạc và các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế… Các ca khúc của Việt Nam: “Anh có muốn đưa em về không?” (Orinn, Ngô Lan Hương), “Có chàng trai viết lên cây” (Phan Mạnh Quỳnh), “Tình bạn diệu kỳ” (Ricky Star, Lăng LD, Amee), “Hai phút hơn” (Pháo)… khi phát hành từng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Nhiều nhóm nhạc trẻ, người trẻ nổi tiếng quốc tế đã thực hiện video hát lại những ca khúc này.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nghệ sĩ, nhóm nhạc đơn lẻ, bước ra thế giới chủ yếu với mục đích quảng bá, giao lưu, chưa đóng góp đáng kể cho công nghiệp âm nhạc nước nhà.
Nhiều cơ hội chờ đón
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn, trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, xuất khẩu âm nhạc là một trong những hướng đi đúng đắn, song đang gặp không ít rào cản.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, nhà sáng lập và điều hành Hot Panda Media - đơn vị quảng bá và sản xuất âm nhạc hợp tác quốc tế, để xuất khẩu âm nhạc thì nghệ sĩ và sản phẩm của họ phải đặc sắc, có tố chất riêng, có triển vọng. Tiếp đó, họ phải được đầu tư về khả năng truyền tải tác phẩm để đạt chất lượng “chuẩn quốc tế”. Ông Nguyễn Phương Đông cũng cho rằng, rào cản đối với việc nghệ sĩ Việt Nam bước ra thế giới là vấn đề ngôn ngữ và kinh phí. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam chưa biết xây dựng hình ảnh, chưa chứng tỏ mình có sức hút lâu dài sau một sản phẩm có tiếng vang…
Song, âm nhạc Việt Nam cũng có thuận lợi trên hành trình đầy hứng khởi này. Từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ Việt Nam như Đen, Sơn Tùng M-TP, ông Antoine El Iman, Giám đốc điều hành đơn vị phân phối nhạc số Believe Music nhận định, nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam trẻ, năng động, cập nhật xu hướng thế giới và có khả năng tiếp cận khán giả quốc tế trên nền tảng số. Các nghệ sĩ Việt Nam nên tận dụng nền tảng số, mạng xã hội để nhiều người biết đến và có doanh thu. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng đánh giá, âm nhạc đương đại Việt Nam có thế mạnh là sự mới mẻ, cá tính, đậm bản sắc dân tộc. Khi được trang bị các kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp cùng sự tự tin, các nghệ sĩ sẽ dễ dàng hòa nhịp với thế giới. Ngoài ra, theo ông Oscar Fijean, đại diện Viện Pháp tại Paris, nước này có chính sách, quỹ hỗ trợ nghệ sĩ Pháp ra thế giới và nghệ sĩ quốc tế, trong đó có Việt Nam, đến thị trường Pháp thông qua các chương trình liên kết tuyển chọn, đào tạo…
Ở góc độ người làm nghề, nghệ sĩ Trang Lê, thành viên Limebócx - nhóm nhạc kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại đã biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới chia sẻ, hướng đến khán giả quốc tế nên nhóm tập trung phát triển sản phẩm có sự kết hợp giữa tính cá nhân với xu hướng thế giới. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng chủ động tiếp cận các chương trình, quỹ, đơn vị phân phối, truyền thông quốc tế để hỗ trợ đưa âm nhạc của mình đến khán giả thế giới…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, với việc tổ chức các hoạt động, lễ hội giao lưu văn hóa, âm nhạc; liên kết đào tạo, thi tài để dần tạo lập thị trường quốc tế cho âm nhạc Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.