Theo dõi Báo Hànộimới trên

Âm mưu hiểm độc của chính quyền Richard Nixon

Đại tá, Thạc sĩ Phạm Đức Trường| 09/12/2017 06:37

(HNM) - Năm 1972, nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống và sức ép đè nặng lên đương kim Tổng thống Richard Nixon. Do đó, khi vận động tranh cử, R.Nixon đã phải chuyển từ chiến lược can dự trực tiếp sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, từng bước rút dần quân Mỹ ra khỏi Việt Nam trong danh dự...


Từ Chiến dịch Linebacker I...

Tuy nhiên, chiến lược này của Mỹ không đạt được mục đích khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam của quân và dân ta đã đi vào giai đoạn quyết định. Trên cả 3 mặt: Quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành được những thắng lợi rất to lớn. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon ra lệnh, huy động lực lượng không quân và hải quân tiến hành Chiến dịch Linebacker I, tiếp tục chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn. Mỹ đã sử dụng máy bay B.52 đánh phá các tỉnh miền Bắc như: Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng. Tổng thống Mỹ R.Nixon tuyên bố: “Chỉ dừng ném bom miền Bắc Việt Nam khi Cộng sản chấm dứt tiến công ở miền Nam Việt Nam”. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Không có mục tiêu công nghiệp nào ở miền Bắc được loại trừ”.

Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội) bị máy bay B.52 Mỹ ném bom phá hủy trưa 21-12-1972. Ảnh tư liệu


Thế nhưng quân và dân miền Bắc đã vượt lên mọi khó khăn ác liệt, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, lập nhiều chiến công lớn, đánh bại các cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ. Chỉ tính từ ngày 9-5 đến ngày 20-10-1972, quân và dân ta đã bắn rơi 561 máy bay các loại, diệt và bắt nhiều giặc lái. Đến đầu tháng 10-1972, cục diện chiến trường Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến quan trọng. Ở miền Nam, quân và dân ta tiếp tục giành được thắng lợi lớn. Mỹ vừa phải tiếp tục rút các đơn vị bộ binh vừa phải “Mỹ hóa” trở lại bằng không quân và hải quân để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ở miền Bắc, dù đã triển khai Chiến dịch Linebacker I, phá hoại miền Bắc nhưng quân đội Mỹ không đạt được mục tiêu mà giới cầm quyền mong muốn. Sự chi viện cho chiến trường miền Nam của miền Bắc vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong khi đó, chiến tranh tiếp tục kéo dài đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống ngày càng đến gần. Sức ép của chính giới Mỹ và của cử tri có tác động mạnh mẽ đến đường lối của đương kim Tổng thống R.Nixon. Nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án và đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Phong trào phản đối chiến tranh ngày càng lên cao ngay trong lòng nước Mỹ, buộc Nhà Trắng phải tìm lối thoát cho vấn đề Việt Nam. Cuộc đàm phán bốn bên ở Hội nghị Paris đã kéo dài 4 năm mà chưa đến hồi kết thúc. Trước các sức ép đó, Tổng thống Mỹ đã cử Ngoại trưởng Henry Kissinger đến Paris nối lại cuộc thương lượng. Ngày 8-10-1972, Ngoại trưởng Mỹ họp kín phiên thứ 19 với Cố vấn đặc biệt của Việt Nam là đồng chí Lê Đức Thọ và chấp nhận các điều khoản của Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do ta đưa ra.

Đến trò lừa bịp mới

Tuy nhiên, thay vì tích cực đẩy nhanh tiến hành các bước tiếp theo theo điều khoản đã thống nhất, Tổng thống Mỹ R.Nixon và Ngoại trưởng Mỹ H.Kissinger lại sử dụng dự thảo hiệp định để tung tin lừa bịp dư luận là “hòa bình đã ở trong tầm tay” và “chiến tranh sắp vãn hồi” để lôi kéo cử tri Mỹ. Ngày 23-10-1972, chính quyền R.Nixon tuyên bố tạm ngừng ném bom đánh phá miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra và dự kiến sẽ ký Hiệp định vào ngày 31-10-1972. Thực tế đây chỉ là trò lừa bịp mới để người dân Mỹ tin vào “thiện chí” của chính quyền và bỏ phiếu cho R.Nixon.

Ngày 7-11-1972, R.Nixon tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ lần thứ hai. Sau khi thắng cử ông ta tiếp tục dây dưa không ký tắt và ký chính thức vào bản Hiệp định mà các bên đã thỏa thuận, mà muốn kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh bom đạn. Lầu Năm Góc đã bí mật chuẩn bị kế hoạch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc nhằm gây sức ép, buộc ta phải nối lại cuộc đàm phán ở Paris, chấp nhận các điều khoản sửa đổi có lợi cho Mỹ; đánh phá hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm giảm thế và lực của ta so với quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa; đồng thời đe dọa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới.

Để thực hiện âm mưu trên, ngày 13-12-1972, Mỹ tuyên bố đình chỉ vô thời hạn việc nối lại các cuộc họp tiếp theo. Ngoại trưởng Mỹ H.Kissinger rời Paris về nước đề nghị cho B.52 ném bom miền Bắc theo kế hoạch chuẩn bị trước. Ngày 14-12-1972, Tổng thống R.Nixon phê chuẩn kế hoạch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B.52 vào miền Bắc Việt Nam - Chiến dịch Linebacker II. Cuộc tập kích bắt đầu vào tối ngày 17-12-1972, tức 19h ngày 18-12-1972, giờ Hà Nội. Và trong khi các máy bay B.52 đang trên đường bay từ đảo Guam vào oanh tạc Hà Nội, thực hiện cuộc tập kích chiến lược thì 14h ngày 18-12, Mỹ gửi công hàm cho ta đề nghị nối lại cuộc đàm phán sau ngày 26-12-1972. Công hàm của Mỹ lúc đó không có ý nghĩa thúc đẩy đàm phán mà thực chất là một thủ đoạn nghi binh để che đậy cuộc tiến công đường không chiến lược đã bắt đầu thực hiện. Đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng khổng lồ máy bay, tàu chiến, vũ khí, khí tài được sản xuất, cải tiến ở trình độ cao hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.

Như vậy, cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc tháng 12-1972 một âm mưu cực kỳ hiểm độc, được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tính toán kỹ lưỡng, bất chấp sự phản đối, lên án mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, màn kịch “hòa bình trong tầm tay” của Chính phủ Mỹ chỉ lừa dối được cử tri nước này. Với tinh thần cảnh giác cao độ, kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm dạn dày, quân dân cả nước, trong đó có Hà Nội, đã có sự chuẩn bị “đón khách” chu đáo, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu, mở ra bước ngoặt quyết định kết thúc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam sau đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Âm mưu hiểm độc của chính quyền Richard Nixon

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.