Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm lại khúc sông Bằng

Trần Chiến - Ngọc Hải| 27/01/2011 06:52

(HNM) - Biết đoàn công tác của Báo Hànộimới "quần nhau với… rét" đã mấy ngày giời, leo không ít đường đồi núi, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng chọn một điểm bị thiệt hại trong đợt rét gần quốc lộ để trao tiền hỗ trợ từ Quỹ Trái tim nhân ái và Tập đoàn HUD. Thế nhưng, hơn 18km từ đường nhựa vào xã chúng tôi phải xuống đẩy xe, đi bộ nhiều lần, vật vã mất gần 3 giờ mới tới nơi.

Dòng Bằng Giang đục ngầu và lạnh ngắt. Mây mù phủ đầy các ngọn núi đá, gió rét lùa từng cơn buốt giá. Các hộ dân còn mải cắt cỏ, che chắn chuồng trại nên dù được báo trước nhưng chưa có ai ra xã để nhận hỗ trợ. Vậy là chúng tôi lại đến từng hộ…

Chủ động vẫn hơn

Tiếp tục hành trình đến với đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do rét đậm, rét hại kéo dài, ngày 26-1 chúng tôi có mặt ở Cao Bằng, mang theo 200 triệu đồng do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị HUD tài trợ. Ông Lý Hải Hầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, ngay đầu mùa đông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ban, ngành vận động đồng bào các dân tộc chuẩn bị phòng chống rét và thức ăn cho gia súc. Khi những cơn gió mùa đầu tiên đổ về, Chủ tịch UBND tỉnh có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục Thú y tỉnh khẩn trương triển khai ngay việc: Chỉ đạo nhân dân tiếp tục triển khai cấp bách các biện pháp phòng, tránh, chống rét cho đàn gia súc như: che chắn chuồng trại, giữ nền khô và lót vật liệu ấm... kiên quyết không cho thả trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C đồng thời bảo đảm đầy đủ thức ăn cho gia súc, bổ sung thức ăn có chất bột (cháo, cám...) và cho uống nước ấm... Với sản xuất nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn nhân dân gieo trồng ngô, màu, mạ xuân đúng thời điểm, tránh các đợt rét đậm; thực hiện các biện pháp chống rét cho mạ xuân; kiên quyết không cho gieo trồng ngô, mạ khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C… Dù được chỉ đạo quyết liệt, nhưng do rét đậm, rét hại kéo dài nên số trâu bò bị chết cứ tăng nhanh từng ngày. Ngày 12-1, toàn tỉnh mới có 1.534 con trâu bò chết vì rét thì đến hết ngày 26-1, số chết đã lên tới 4.751 khi nhiệt độ có lúc xuống dưới 2 độ C.

Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới trao tiền cho những hộ dân gặp khó khăn tại Cao Bằng.

Ông Trần Văn Khẩn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nhiều đợt. Nhưng do đợt rét kéo dài, nhiệt độ xuống quá thấp, nên gia súc không thể chịu nổi. Một số huyện miền Tây của Cao Bằng như Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình và các huyện miền Đông như Trùng Khánh, Hạ Lang đã có lúc nhiệt độ xuống dưới 2 độ C kèm theo hiện tượng băng giá và sương muối. Để khẩn trương bảo vệ đàn gia súc, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ mỗi gia đình diện khó khăn 40 mét vuông vải bạt để che chắn chuồng trại, chống gió lùa. Chính vì thế, mặc dù thời tiết lạnh và kéo dài hơn năm 2007 và đầu 2008, nhưng đến thời điểm này, số trâu bò chết mới chỉ bằng hơn 40% so với năm 2008.

Cần thay đổi thói quen, nếp sống

Phạm Đại Sứ là một trong 7 chủ gia đình được trợ cấp của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới. Râu ria rậm rì, lấy vợ bằng tuổi, cả hai đều không ngại việc, mà gia cảnh không lấy gì làm ung dung. Ruộng cấy hai vụ lúa, nương một vụ lúa một vụ ngô, cả thảy 5.000 mét vuông, cung cấp cho 6 miệng ăn khá vất vả. Sứ nuôi 4 trâu, con nghé 4 tháng tuổi chết giữa trưa, tiếc đứt ruột, lũ trẻ chưa biết tiếc thì thương. Anh có 4 con, đứa lớn đã bỏ học, thằng thứ hai đang theo lớp 11 trường bán trú huyện, mỗi tuần về mang 10 bò gạo và "ẵm" theo 50 nghìn đồng mua thức ăn và hai đứa sinh đôi đang lớp 9. Rất cảm kích trước sự giúp đỡ mang lên từ báo Đảng Thủ đô, anh cho biết cũng chỉ có thể mua lợn gà, thức ăn bù đắp vào, chứ không thể tậu lại con nghé khác.

Sứ rầu rĩ: "Phải để mua cái khác sản xuất lại thôi". Anh cho biết Khuổi Linh có ông Nông Văn Hiển "bị" nặng nhất, có 4 trâu thì chết mất 3, mà đều "đi" ngay trong chuồng, chả phải lúc tha thủi trong rừng.

Hồng Nam là xã vùng sâu vùng xa, khó khăn vào loại nhất của Hòa An, huyện thuận lợi vào loại nhất tỉnh. 1.374 khẩu Tày, Nùng, Dao của 276 hộ sống bằng lúa, ngô, đỗ tương, lạc, sắn, thuốc lá, khoai lang, mía… Trong "bối cảnh" nông phẩm gần như không trao đổi gì ra bên ngoài, đàn trâu bò có vai trò rất quan trọng. Ngoài rơm rạ để lâu dài, có những nương cỏ voi cung cấp thức ăn cho chúng. Hơn hai chục ngày rét đậm rét hại vừa qua, ba thôn Khuổi Sàng, Khuổi Linh, Bằng Giang có 20 trâu "chầu trời". Mỗi hộ bị "mất của" như thế đã được nhận 40 mét vuông bạt che chuồng để số trâu bò còn lại đủ sức tiếp tục "thi gan" với trời đất, dẫu muộn còn hơn không.

Hòa An là cánh đồng rộng nhất tỉnh Cao Bằng, trước kia ôm trọn lấy thị xã. Dòng sông Hiến từ trên nguồn tới đây gặp sông Bằng, ngoằn nghoèo chảy sang Trung Quốc. Đang mùa khô mà nước đục như có lũ, do những điểm khai thác vàng sa khoáng chi chít của người dân hay doanh nghiệp. Trời làm rét to quá, theo 19 xã đã có báo cáo lên, cả huyện có tới 151 trâu, 16 bò bị chết. Xem ra cái câu "Yếu trâu hơn khỏe bò" trong trường hợp này không hẳn đúng. Trên Nguyên Bình, Bảo Lạc, nghe nói băng đọng trên lá làm trúc gãy oằn, chết kha khá, nghĩa là nguồn thu từ chiếu trúc của các huyện này năm nay có cơ giảm. Lãnh đạo huyện xúc động, cảm ơn sự quan tâm của các đơn vị tài trợ và Báo Hànộimới, số tiền hỗ trợ sẽ là nguồn động viên tinh thần to lớn, góp phần sưởi ấm những bản làng vùng cao của Hòa An.

Rút kinh nghiệm đợt rét chưa từng có năm 2008, Hòa An có những bước chuẩn bị chủ động, trước cả khi tỉnh có chủ trương lớn phòng ngừa trời lạnh giá. Từ tháng 10 năm 2010, huyện đã chỉ đạo các thôn, xã dự trữ thóc ăn, che chắn chuồng trại. Cán bộ phòng nông nghiệp trèo đèo lội suối đi khắp huyện mở 600 lớp dạy cách ủ cỏ chua cho bà con. Phòng sớm thế mà vẫn không lại. Đến khi có công điện của tỉnh về trợ cấp cho những gia đình bị thiệt hại, khoảng gần nửa tỷ đồng đã được phân bổ tới tay 1.446 hộ kém may mắn nhất. Kinh phí trên nếu trao bằng tiền mặt, người dân có thể sẽ chi tiêu không hợp lý, nên được "quy" ra thành nhiều vật phẩm hữu dụng. Đa số biến thành bạt, loại 33.000 đồng một tấm mua ngay ở cửa khẩu, ô tô doanh nghiệp được huy động đến xã. Nhưng ở "cấp cơ sở" này cũng nảy sinh những chuyện không dễ giải quyết: nếu chỉ cấp cho hộ bị thiệt hại thì những "anh" che chắn, giữ ấm cho trâu bò cẩn thận bị thiệt. Lại nữa, làm chuồng ngay dưới nhà sàn, một tập quán nhiều ngành đang vận động bỏ để giữ vệ sinh, thì lại bảo vệ được vật nuôi khỏi những đợt giá rét. Hơi bếp, hơi người bên trên giữ nhiệt cho trâu bò gà lợn bên dưới rất nhiều.

Tuy nhiên, về lâu dài, đây là những điều dễ khắc phục, nếu người dân có ý thức và có cách bố trí nhà cửa, chuồng trại hợp lý. Phong tục, nếp sống người vùng cao có những điều cần thay đổi. Không biết buôn bán, làm ra hàng hóa để trao đổi, họ rất quý tiền. Có 50 nghìn ra chợ để túi áo cài kim băng thật kỹ, xe máy thì càng nhiều khóa, nhưng đàn trâu bò hàng chục triệu, sức kéo cho cả gia đình trông vào thì vẫn chăn thả, có để trong chuồng thì mặc cho giá rét hành hạ.

Trước khi về Hòa An, chúng tôi đã dành trọn buổi vượt gần 100km đường đèo dốc cheo leo từ thị xã Cao Bằng về huyện Trùng Khánh.

Theo ông Mã Bế Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trùng Khánh, đến chiều 24-1, toàn huyện đã có 700 con trâu, bò bị chết rét. Sao mà nhiều vậy? Thì do trời rét quá, cộng với các hộ có trâu bò chết đa phần dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, cái ăn cho người còn lo toát mồ hôi, nói chi trâu bò, thế nên dù cán bộ khuyến cáo từ đầu mùa đông, nhưng số trâu bò chết rét vẫn cao. Vậy huyện đã có kết quả điều tra số hộ cần hỗ trợ khẩn cấp bạt che chắn theo công điện của tỉnh chưa (hạn đến hết chiều 26-1 là phải làm xong)? Vấn đề này khó lắm, phải thận trọng, nếu không làm kỹ dễ sinh kiện cáo, nhà bảo vệ trâu bò tốt không bị chết, nhưng không được cấp bạt sẽ kiện: "Sao tôi chăm tốt thế mà không được trợ cấp, nhà bên nó không biết chăm, trâu chết lại được?" - ông Dương trả lời.

Ông Dương cũng không biết khi nào thì các xã sẽ thống kê xong để gửi báo cáo lên huyện, từ đó huyện mới có kế hoạch để mua bạt cho dân. Chưa biết khi nào cái rét mới chịu dừng, nhưng đến giờ này, Trùng Khánh có hơn 700 trâu bò bị chết, còn Hòa An chỉ có 167 con. Liệu trong số trâu bò của Trùng Khánh bị chết trong đợt rét vừa qua, có con nào bị "oan" do sự tắc trách, thiếu sâu sát của cán bộ?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấm lại khúc sông Bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.