Trái tim nhân ái

Ấm áp nghĩa tình Hà Nội với nhân dân vùng lũ

Mai Hoa 12/09/2024 - 20:30

Những ngày qua, khó có thể kể hết các hội, nhóm, cá nhân, tập thể trên địa bàn Thủ đô đã và đang cùng vào cuộc trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi). Bằng nhiều phương thức khác nhau, mỗi người dân Thủ đô đều mong mỏi “góp một chút nhỏ”, nhằm sẻ chia, động viên đồng bào vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai

dong-vien-ong-hoi.jpg
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Nội Đào Ngọc Triệu cùng thành viên đoàn công tác trao hỗ trợ cho ông Nguyễn Hữu Hội (Hạ Long, Quảng Ninh). (ảnh: Hương Dung)

Ngày 12-9, bên ngôi nhà cũ, có khu vực bị bay nguyên nóc nhà, ông Nguyễn Hữu Hội, ở tổ 5, khu 1 phường Hà Tu (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) xúc động đón nhận các phần quà do đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trao tặng. Chia sẻ cùng Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Nội Đào Ngọc Triệu, ông Nguyễn Hữu Hội cho biết, cả 2 vợ chồng ông đều làm lao động tự do, thu nhập không ổn định, con trai đang tại ngũ. Cơn bão số 3 ảnh hưởng nặng nề đến gia đình ông, nhà bị bay nóc, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn sau bão.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết: “Đến trao quà tại thực địa, chứng kiến biết bao sự mất mát, đau thương, chúng tôi không cầm được nước mắt. Những ngày qua, một mặt triển khai công tác hỗ trợ tại các huyện ở Hà Nội như Thường Tín, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Sóc Sơn…, mặt khác, Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, với sự đồng hành của rất nhiều người dân Thủ đô, đã trực tiếp đến trao hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ nghiêm trọng như Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng… Bước đầu, khoảng 10.000 suất quà, mỗi suất chừng 500.000 đồng - 700.000 đồng, gồm nước uống, đồ ăn, thuốc thiết yếu đã được chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ”.

hai-phong-tiep-nhan.jpg
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Nội Đào Ngọc Triệu(thứ hai từ trái sang) trao tiền ủng hộ, giúp người dân Hải Phòng khắc phục hậu quả cơn bão số 3. (ảnh: Hương Dung)

Chỉ riêng trong ngày 12-9, Hội Chữ thập đỏ Hà Nội đã tổ chức 2 đoàn công tác đến hỗ trợ khẩn cấp nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên. Tại Quảng Ninh và Hải Phòng, mức hỗ trợ bước đầu là 50 triệu đồng/tỉnh. Tại Thái Nguyên, đoàn đã trực tiếp trao tặng 400 suất quà gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu, mỗi suất gồm 1 thùng mỳ tôm, 10 chai nước, 1 suất ăn (xôi, lạc, sữa)... cùng 100 thùng nước 20 lít.

Cùng góp mặt trong các nhóm thiện nguyện đồng hành với Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, chị Bùi Thanh Hương, nhà sáng lập thương hiệu áo dài Hương Queen (83A Phố Huế, Hà Nội), Giám đốc Quỹ xã hội từ thiện Hành trình xanh, Chủ tịch sáng lập và điều hành của Cộng đồng dành cho phụ nữ với 18.000 thành viên mang tên Happy Women Leader Network chia sẻ: “Ngay khi cơn bão số 3 đi qua, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân, bởi sau bão là lũ, sạt lở, nguy hiểm tính mạng. Phối hợp chặt chẽ cùng Hội Chữ thập đỏ Hà Nội và các cơ quan chức năng, chúng tôi đến Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng… và các nơi úng ngập ở Hà Nội để kịp thời hỗ trợ người dân.

Ổn định đời sống, khôi phục kinh tế

chung-tay-thien-.jpg
Các tình nguyện viên của quán Nụ cười Shinbi (đối diện cổng viện K3 Tân Triều) chung tay làm những suất ăn phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lực lượng cứu hộ - cứu nạn làm nhiệm vụ (ảnh: Lâm Võ)

Với sự phát triển của mạng xã hội, những ngày bão lũ, khó có thể kể hết các hoạt động thiện nguyện đã và đang được phát động nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Chị Nguyễn Trà My - chủ quán Nụ cười Shinbi, quán cơm từ thiện đối diện cổng viện K3 Tân Triều dành cho những mảnh đời khó khăn chia sẻ giản dị: “Vợ chồng tôi đã tham gia công tác thiện nguyện hàng chục năm qua. Kinh nghiệm của chúng tôi là nên làm hoạt động cứu trợ phù hợp khả năng của mình, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền, các tình nguyện viên địa phương để hành trình thiện nguyện được triển khai chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong những ngày cơn bão số 3 hoành hành, quán nhỏ của chúng tôi đã cung cấp hàng nghìn suất ăn thiện nguyện ngon, đa dạng. Thông qua các cấp Hội Chữ thập đỏ, các cơ quan chức năng, những suất ăn này được dành cho lực lượng cứu trợ tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), lực lượng cứu hộ - cứu nạn, dân phòng, thanh niên xung phong và nhân dân đang ở nhà tạm lánh phường Chương Dương, Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), xã Hoàng Văn Thụ, (Chương Mỹ, Hà Nội)…”.

Ấm lòng suất ăn hỗ trợ bà con vùng lũ của tình nguyện viên quán “Nụ cười Shinbi” (video: Lâm Võ)
suat-com-mua-bao-lu.jpg
Suất ăn thiện nguyện mang trọn vẹn tình cảm ấm áp, sẻ chia, quan tâm của các tình nguyện viên giữa những ngày cơn bão số 3 hoành hành (ảnh: Lâm Võ)

Đồng hành của “Nụ cười Shinbi” là sự chung tay của các tình nguyện viên đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội. Đó là bác sĩ Hòa (Nha khoa Shinbi, đồng sáng lập, ủng hộ đều đặn 10 triệu đồng/tháng), là Nhóm Đồng Cảm SympaMeals (mời cơm người nghèo thứ 4 hàng tuần), là Nhóm Nồi cháo yêu thương (tặng cháo, sữa thứ 4 hàng tuần)… Các tình nguyện viên tích cực, thường xuyên tham gia đều là những người dân Hà Nội bình dị, như chị Bùi Thị Phương Thảo (bếp chính, nhà ở Long Biên), hay những người lớn tuổi về hưu mà chủ quán coi như người nhà, vô cùng thân thiết: Bà Bính (80 tuổi), bà Hoa (75 tuổi), bà Thủy (70 tuổi)…

Rất nhiều cá nhân, tập thể, nhóm thiện nguyện trên địa bàn Thủ đô đã và đang cùng chung tay hỗ trợ bà con vùng bão lũ, mỗi người theo cách riêng, khả năng riêng. Người ủng hộ tiền, thông qua các tài khoản thiện nguyện của các tổ chức chính trị xã hội, hoặc thông qua các cơ quan truyền thông - báo chí để chuyển giao phần hỗ trợ đến tận tay người bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Người góp công, góp sức, góp kỹ năng. Người không có điều kiện, thì lặng lẽ chia sẻ thông tin, góp một chút nhỏ qua tổ dân phố, chi bộ trên địa bàn dân cư… Mỗi người dân Thủ đô đều muốn góp sức, sẻ chia, cùng đồng bào cả nước hướng về người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

bua-com-mua-lu.jpg
Tiếp nhận suất ăn thiện nguyện đến đúng nơi, đúng lúc trong giai đoạn mưa bão (ảnh: Lâm Võ)

Trong bão lũ, ưu tiên hàng đầu là công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chuyên trách. Sự đồng hành, tham gia hỗ trợ khẩn cấp của người dân chủ yếu phải nhờ đến lực lượng này để bảo đảm an toàn, chuyên nghiệp. Nhưng sau bão lũ, công tác cứu trợ cần được đặc biệt chú trọng, đòi hỏi sự chung tay rất lớn của cộng đồng trong việc đến với các địa bàn bị ảnh hưởng, đồng hành cùng những nạn nhân của bão lũ ổn định đời sống, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. “Đó thực sự là thử thách, vì thiệt hại vật chất và con người của cơn bão số 3 là vô cùng lớn. Tôi mong rằng sẽ ngày càng có nhiều người dân Hà Nội phát huy tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, đồng hành cùng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ” - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Nội Đào Ngọc Triệu bày tỏ.

Nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Nhắc lại câu nói này, chị Bùi Thanh Hương bày tỏ: “Hoạt động hỗ trợ phục hồi, giúp các gia đình sửa chữa nhà ở, khôi phục sinh kế và ổn định cuộc sống là rất quan trọng. Tin rằng với sự san sẻ, tình yêu thương, chúng ta sẽ cùng nắm tay nhau vượt qua chặng khó khăn này”./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp nghĩa tình Hà Nội với nhân dân vùng lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.