(HNM) - Những bệnh nhân ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương có vô vàn lo toan, nhiều người đang mang trên vai gánh nặng vợ trẻ, con thơ.... Dù sống trong cùng cực nỗi đau và cả sự túng quẫn, hằng ngày họ vẫn gắng gượng vượt qua khó khăn để chiến đấu với bệnh tật.
Những thân phận vượt khó
Ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, không ai là không biết chị Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1970, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa). 45 tuổi đời nhưng chị Huệ đã có gần 15 năm bám cổng viện để kiếm tiền chạy chữa cho 2 người con một vừa bước qua tuổi 21 và một mới 14 tuổi mắc bệnh máu loãng. Ngày nhận được tin người con thứ nhất mắc bệnh, vợ chồng chị Huệ đã phải chạy vạy khắp nơi lo tiền nhập viện cho con. Và rồi đứa con thứ hai của anh chị mới được 4 tháng tuổi cũng bị mắc bệnh như người anh. Khi biết con bị bệnh, vợ chồng chị Huệ gần như ngã gục. Sau nhiều đêm trăn trở, cả nhà chị Huệ quyết định khăn gói lên Hà Nội mưu sinh để cùng con chiến đấu với bệnh tật.
Ông Phạm Văn Hân biểu diễn đàn bầu cho bệnh nhân cùng phòng nghe. |
Lên Hà Nội, hai vợ chồng chị Huệ thuê trọ ở gần viện. Dù nắng hay mưa, buổi sáng, chị Huệ đẩy xe quần áo và một ít đồ lặt vặt đi bán dạo khắp các con phố. Buổi tối, cả nhà lại cùng dồn sức vào quán trà đá ở cổng viện. Hai người con của chị cũng như quên đi bệnh tật để phụ bố mẹ trông hàng. Mọi người ở viện đều biết gia cảnh của chị nên thường ghé quán ủng hộ. Mỗi ngày, trung bình cả nhà chị Huệ kiếm được 200 nghìn đồng, phụ thêm chi phí cho việc chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được quyết tâm, nghị lực như gia đình chị Huệ. Vợ chồng anh Vũ Minh Tiến (31 tuổi) quê Thanh Hà, Hải Dương cũng phải bỏ việc nhà nông để lên viện chăm đứa con nhỏ. Gia cảnh khó khăn lại thêm nỗi lo cho sức khỏe của cậu con trai duy nhất nên hiếm khi những người cùng buồng bệnh thấy được nụ cười trên khuôn mặt vốn đã sạm vì mưa nắng. Trường hợp gia đình anh Tô Văn Thắng (31 tuổi, quê ở Thanh Hóa) còn khó khăn hơn. Là một gia đình nông dân, thuộc diện hộ nghèo, mới đây bố anh Thắng mắc bệnh tai biến mạch máu não, liệt cả hai chân. Mẹ anh Thắng đã nhiều năm bị bệnh tim hành hạ, nay cậu con trai cả mới 11 tuổi lại mắc bệnh ung thư máu. Dù hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng anh Thắng vẫn quyết tâm dù có phải bán hết gia sản cũng phải chữa bệnh cho con, "còn nước còn tát"!.
Các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, những bệnh nhân khi bước chân vào viện dường như mất hết niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, khi bình tâm trở lại, gặp những người cùng chung hoàn cảnh, họ đã có thêm nghị lực và thấy cần phải "chiến đấu" với bệnh. Nhiều người nhận ra rằng, sống không phải cho riêng mình mà còn cho những người họ yêu thương. Trần Duy Anh (sinh năm 1998), một bệnh nhân cho biết: "Động lực khiến em vượt qua bệnh tật, giành lấy sự sống chính là mong muốn được ăn một bữa cơm bình thường và được nhìn thấy bố mẹ em". Và nữa, chính sự quyết tâm ở bản thân mỗi người bệnh và gia đình của họ, cộng thêm sự gần gũi sẻ chia của những người có chung hoàn cảnh đã giúp họ lạc quan hơn trong cuộc sống.
Lạc quan để sống
Mặc dù hoàn cảnh éo le nhưng các bệnh nhân và người nhà của họ luôn tìm cách để vượt qua nỗi đau và bệnh tật. Chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy những vết thâm tím, cái nhăn nhó vì những mũi tiêm, vì những lần chuyền hóa chất của những em bé ở khoa Nhi. Và rồi sau những cơn đau đớn, đám trẻ lại chạy khắp các phòng bệnh, vô tư và hồn nhiên như lứa tuổi của mình.
Những bệnh nhi hồn nhiên.Ảnh: Trương Ngọc Sơn |
Tầng 7 của Viện Huyết học - Truyền máu trung ương được ví như "cửa tử" của viện. Những bệnh nhân ở đây phần lớn đều mắc bệnh ung thư máu. Tuy nhiên, khi bước chân vào đây, người ta vẫn thường nghe thấy tiếng nhạc, tiếng đàn. Phần nhiều thời gian ông Phạm Hồng Thái (sinh năm 1964, quê ở Nghệ An) lim dim đôi mắt cùng những ca khúc tiền chiến phát ra từ chiếc đài nhỏ để góc giường. Cái đầu trọc vì truyền hóa chất của ông thi thoảng lại đung đưa theo điệu nhạc. Với ông Thái, có buồn phiền thì bệnh cũng đã ở trong người, "không chạy đi đâu được".
Cũng là bệnh nhân ở tầng 7, nhưng với ông Phạm Văn Hân, sinh năm 1955, ở Gia Lộc, Hải Dương lại khác. Cả bệnh viện không ai không biết tiếng vì ông vẫn tự xưng là người khỏe nhất bệnh viện. Ông kể: "Khi nghe mình bị bệnh tôi cũng sốc lắm vì coi như đã lĩnh án tử. Nhưng bình tâm lại, tôi nghĩ phải làm điều gì để thấy cuộc sống còn có ý nghĩa thay vì ngồi một chỗ suy nghĩ, buồn rầu!". Thế là ông đem cây đàn bầu đi giao lưu với các bệnh nhân khác, biểu diễn khắp viện. 19 tuổi, ông Hân đã tự mày mò học cách làm đàn và chơi đàn bầu, suốt 40 năm gắn bó với đàn, chưa bao giờ ông thấy tiếng đàn của mình có giá trị đến thế. Bước chân vào viện, ông trở thành "nghệ sĩ bất đắc dĩ". Hằng ngày, ông ôm đàn cùng các sinh viên Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đi tổ chức các hoạt động giao lưu với lớp trẻ. Với nụ cười luôn thường trực trên môi, ông khoan thai chơi những ca khúc trữ tình, tiếng vỗ tay của các bạn trẻ và các bệnh nhân ngồi quanh chốc chốc lại vang.
Ở phòng bệnh, mỗi lần ông chơi đàn, các bệnh nhân ở phòng khác lại kéo đến nghe, những đứa trẻ ở khoa Nhi ở phía dưới cũng chạy lên tầng 7 xem ông Hân biểu diễn. Phòng bệnh như một sân khấu thu nhỏ, người biểu diễn và người nghe đều là những bệnh nhân. Họ giúp nhau quên đau đớn vì bệnh tật. Anh Uông Ngọc Nguyên (22 tuổi), sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Y Hà Nội đang thực tập tại viện cho biết: "Dù mới tiếp xúc với các bệnh nhân nhưng tôi đã bắt đầu hiểu họ. Tôi thương các em nhỏ mắc bệnh khi chúng chưa hiểu những gì đang diễn ra với mình và cảm phục những bệnh nhân lớn tuổi vì sự lạc quan và vượt lên khó khăn".
Hà Nội sắp vào xuân, những cơn mưa phùn đang thúc giục bước chân mỗi người nhanh chóng trở về nơi quê nhà để đón Tết. Những người bệnh ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cũng vậy. Thế nhưng sẽ có không ít bệnh nhân phải đón Tết tại giường bệnh. Và bất chợt trong lúc chia tay với những bệnh nhân nơi đây, tôi nghĩ: Với nhiều người, Tết đã cận kề. Nhưng với những bệnh nhân của Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Tết vẫn còn xa lắm. Chắc chắn, họ sẽ thấy ấm áp hơn, Tết đến gần hơn khi nhận được sự sẻ chia của các nhà hảo tâm và toàn xã hội.
Báo Hànộimới trích Quỹ Trái tim nhân ái để mừng tuổi bệnh nhân Mong muốn chia sẻ với các bệnh nhân ở Viện huyết học - Truyền máu trung ương, các thành viên nhóm SEN HỒNG KẾT NỐI YÊU THƯƠNG của Báo Hànộimới đã chia nhau từng công việc. Thu Hằng (ban Bạn đọc) xung phong nhận việc gói bánh chưng, Hằng bảo: mẹ em gói cho sạch sẽ, cẩn thận vì sức khỏe bệnh nhân yếu nên khâu vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu; Vân Nga (ban Công tác xã hội) nhanh nhảu gọi về quê nhờ dì gói cho những cái giò lụa nhỏ xinh 200gram; Thu Trang (ban Văn xã) nhận việc "kết nối với viện để chọn ra những bệnh nhân khó khăn nhất". Một tối Trang còn cho biết đã vận động bạn để ủng hộ bánh chưng. Gia đình Hoàng Anh (ban Cuối tuần) ủng hộ 10 thùng mì tôm. Thấy chúng tôi bận rộn lo toan, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán quyết định trích Quỹ Trái tim nhân ái của báo để mừng tuổi các bệnh nhân. Thật vui mừng hết đỗi. Chúng tôi mỗi người mỗi việc đều mong muốn được đóng góp sức lực và tình cảm để mỗi bệnh nhân không cảm thấy cô đơn, ấm áp hơn khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Mai Trang |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.