Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm áp đùm bọc, sẻ chia nơi vùng “rốn” lũ

Hưng Thịnh - Quang Thái| 03/08/2018 13:14

(HNMO) - Những ngày này, về với vùng “rốn” lũ ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) mới thấy “tình làng, nghĩa xóm” thật ấm áp, thiêng liêng...


Sát cánh ứng phó với mưa lũ

Do sống trong vùng trũng, người dân ở nhiều xã của huyện Chương Mỹ luôn sẵn sàng, chủ động ứng phó với ngập lụt mỗi khi bước vào mùa mưa bão hằng năm. Bởi vậy, trong trận mưa kéo dài từ ngày 20-7 đến 22-7 vừa qua, khi nghe loa truyền thanh xã gấp gáp thông báo mực nước đê bao Bùi 2 gần đạt ngưỡng tràn, hàng nghìn người dân ở các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Tốt Động đã ra đồng giúp nhau thu hoạch cá, chuyển lợn, gà, tài sản về làng.

Ông Bạch Văn Mỹ (thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ) cho biết, rút kinh nghiệm từ mùa mưa năm trước, khi nghe xã thông báo mực nước sông Bùi lên nhanh, gia đình đã huy động toàn bộ anh em, xóm giềng hỗ trợ vận chuyển 70 con lợn, thu hoạch vớt vát ao cá, chuyển gần 5.000 con gà nuôi ngoài trang trại về làng.

Người dân trong "rốn" lũ Chương Mỹ luôn chủ động phương tiện ứng phó với ngập lụt.


Ông Lê Trung Hà, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ cho biết, xã có hơn 200 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng đê bao Bùi 2, tổng giá trị tài sản nhân dân đầu tư tại khu vực này khoảng 20 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ mùa lũ năm trước, đối phó với hoàn lưu cơn bão số 3, chính quyền xã đã liên tục đi kiểm tra, đôn đốc nhân dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực trũng thấp. Đồng thời, xã huy động toàn bộ lực lượng xung kích của địa phương (150 người) ra đồng hỗ trợ nhân dân kê kích, di chuyển tài sản đến nơi an toàn, chuẩn bị vật tư, nhân lực chống tràn cho tuyến đê…

Tiếp đến, trong 2 ngày 28 và 29-7, khu vực TP Hà Nội, đặc biệt là tỉnh Hòa Bình, xảy ra mưa lớn, gây ra lũ rừng ngang, khiến mực nước sông Tích, sông Bùi tăng nhanh làm tái ngập nhiều khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông ở các huyện Quốc Oai và Chương Mỹ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, với mục tiêu hạn chế thiệt hại, huyện đã huy động 6.811 người thuộc lực lượng tại chỗ của các xã, thị trấn và 1.230 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an, quân đội cùng 214 phương tiện... giúp nhân dân kê kích tài sản; sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.

Bên cạnh việc bảo vệ tuyến đê tả Bùi, huyện Chương Mỹ đã quyết liệt triển khai phương án bảo đảm đời sống nhân dân. Ngoài sơ tán 6.097 nhân khẩu và nhiều tài sản giá trị đến nơi an toàn, huyện đã huy động các nguồn lực khác hỗ trợ nhân dân.

Thắt chặt hơn “tình làng, nghĩa xóm”

Đến ngày hôm qua (2-8), tại vùng “rốn” lũ ở huyện Chương Mỹ vẫn còn 3.635 hộ sống trong cảnh ngập lụt. Trong số đó, rất nhiều hộ gia đình phải đi ở nhờ nhà hàng xóm, hoặc phải sơ tán đến nhà họ hàng ở các làng, xã lân cận để tá túc từ hơn chục ngày qua.

Chị Lê Thị Hân ở thôn Hạnh Bồ (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ) cho biết, gia đình chị chưa xây được nhà kiên cố cao tầng, lại nằm ở vũng trũng, nên khoảng 2-3 giờ sáng 22-7, khi nước lũ dâng cao, gia đình chị vội vàng mang đồ đạc gửi hàng xóm, rồi cả gia đình (vợ chồng và 3 con) đến ở nhờ nhà người bác họ tại xã Tân Tiến cho đến nay.

“Mừng là nước lũ đang rút và nếu không còn mưa, thì chắc khoảng 10 ngày nữa gia đình tôi có thể dọn về nhà. Tôi sốt hết cả ruột gan vì 3 đứa con đang đi học, nhất là thằng út năm nay bước vào lớp 9 nhưng trường thì vẫn đang bị ngập. Nước cạn sớm ngày nào, mừng ngày ấy! Cũng may, gia đình tôi được tá túc tại nhà bác họ. Trận lụt tháng 10 năm ngoái, gia đình tôi cũng ở nhờ nhà bác” - chị Hân bộc bạch.

Sơ tán gia đình đến nơi an toàn.


Ông Đỗ Văn Thăng, trưởng xóm Đồng Rạch, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến cho biết, nhà cũng bị ngập hết tầng 1. Vì tầng 2 chỉ là gian gác nhỏ nên cậu con trai sinh năm 1992 phải đi ở nhờ nhà người thân để nhường chỗ cho bố mẹ ở trông nhà. Từ hôm ngập lụt đến nay đã hơn 10 ngày, cứ tối đến, hai vợ chồng ngủ, nghỉ trên gian gác nhỏ, còn ban ngày, với chiếc thuyền thúng nhỏ, ông Thăng lại bơi thuyền quanh xóm để tuần tra, bảo vệ và giúp đỡ người dân khi cần. Do không có điện, không có gì để đun nấu, hằng ngày, phần lớn vợ chồng ông ăn lương khô, hoặc ăn mì tôm, nước uống thì dùng nước đóng chai, còn nước sinh hoạt thì chắt chiu từ chiếc bể nhỏ trên tầng 2…

“Khó nói hết được khó khăn, vất vả của người dân sống trong cảnh ngập lụt. Song, những lúc như thế này mới thấy được tình cảm thương yêu mà bà con lối xóm dành cho nhau. Vợ chồng tôi thấy ấm lòng mỗi khi bà con trong thôn, trong xóm mời ăn bữa cơm nóng. Dù là cơm rau dưa nhưng còn hơn cả mâm cao, cỗ đầy... Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no” - ông Thăng chia sẻ.

Hạnh Bồ, Nhân Lý là hai thôn bị ngập nặng của huyện Chương Mỹ, nhưng trong làng vẫn có không ít nhà cao tầng kiên cố, hoặc ở địa thế đất cao nên nhiều gia đình vẫn ở tại nhà mà không phải đi sơ tán. Mỗi gia đình như thế lại cho 2-3 gia đình khác ở nhờ. Dù mất điện nhưng việc nấu nướng hằng ngày vẫn được duy trì đều đặn. Và những bữa cơm như thế thật đầm ấm...

Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Tân Tiến chia sẻ: “Nhà tôi ở giáp ranh với xã Nam Phương Tiến nhưng may mắn không bị ngập lụt. Nhà lại có sân rộng nên chia sẻ vất vả với bà con bên Nam Phương Tiến, gia đình tôi trở thành điểm trông giữ xe máy, xe đạp miễn phí từ hôm xảy ra ngập lụt đến nay. Nhiều người có nhà bị ngập lụt ở Nam Phương Tiến phải đi sơ tán sang các xã bên để ở, ban ngày muốn trở về nhà xem tình hình nhà cửa ra sao, thường gửi xe ở nhà tôi rồi đi thuyền, hoặc lội bộ vào làng”.

Sống trong cảnh ngập lụt, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, thì sự đùm bọc, sẻ chia, “đồng cam, cộng khổ” của những người hàng xóm, láng giềng càng giúp họ thắt chặt thêm “tình làng, nghĩa xóm”, giúp nhau vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra.

Một vài hình ảnh về sự chủ động trong sơ tán, đùm bọc, sẻ chia, thắt chặt "tình làng, nghĩa xóm" trong hoàn cảnh ngập lụt ở vùng "rốn" lũ tại huyện Chương Mỹ:







(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp đùm bọc, sẻ chia nơi vùng “rốn” lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.