Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm áp bức tranh quê

Đỗ Chí - Tư Văn| 11/10/2010 06:50

(HNM) - Xã Liên Hà (Đông Anh) hôm nay mang một diện mạo mới, năng động và tràn đầy sức sống. Bên cạnh màu xanh êm ả của những cánh đồng lúa là những gam màu tươi sáng, sôi động của phố thị; hình ảnh no đủ toát lên từ những người thợ miệt mài bên những sản phẩm làng nghề.

Đáng nói, những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân vẫn được lưu giữ và ngày càng phát triển. Truyền thống hiếu học, trọng đạo lý làm người được thể hiện trong ý thức và hành động cụ thể của mỗi người dân Liên Hà.

Lưu giữ hồn quê

Trước năm 1961, xã Liên Hà thuộc huyện Đông Ngàn (Bắc Ninh), là xứ Kinh Bắc, nên mang đầy đủ yếu tố của vùng đất có bề dày văn hiến. Trong cuốn "Lịch triều hiến chương loại chí - tập I, nhà sử học Phan Huy Chú từng viết về xứ Kinh Bắc: "Phong tục dân phần nhiều chuộng văn hóa, ít quê kệch".

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Liên Hà. Ảnh: Chí Đạo

Liên Hà còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa độc đáo như hát ca trù Lỗ Khê, hát quan họ, võ vật… Nói về Ca trù Lỗ Khê thì phải nhắc đến nghệ nhân Hoàng Kỷ (83 tuổi), 10 năm qua ông đã cất công sưu tầm, nghiên cứu ca trù để truyền lại cho đời sau. "Ca trù Lỗ Khê có lịch sử gần 600 năm, tuy có giai đoạn thăng trầm nhưng khói hương ở nhà thờ Tổ sư không bao giờ ngưng, kể cả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. Lỗ Khê là sở tại của giáo phường Ca trù Hàng Phủ - giáo phường nổi danh ven đô kinh thành Thăng Long xưa được nhiều người mến mộ"- nghệ nhân Hoàng Kỷ cho biết. Theo Bí thư Chi bộ thôn Lỗ Khê Phạm Huy Truyền, Ca trù Lỗ Khê được lưu giữ và phát triển thông qua Câu lạc bộ Ca trù. Câu lạc bộ có 54 hội viên với đủ lứa tuổi, cao tuổi nhất là hơn 80, thấp nhất là 12. Những năm qua, nhiều lớp truyền dạy ca trù đã được mở, đây là cơ sở để ca trù sống mãi trong lòng người dân Lỗ Khê, góp phần lưu truyền, phát triển ca trù cho dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, thừa hưởng nền văn hóa Kinh Bắc truyền thống, người dân Liên Hà vẫn mang trong mình sự nghiêm túc, khắt khe, tôn ti trật tự trong gia đình, dòng tộc.

Sức sống mới hôm nay

Để hiểu rõ sự "thay da đổi thịt" của Liên Hà, chúng tôi tìm gặp cụ Dương Đình Huệ là lão thành cách mạng, năm nay 87 tuổi với 61 năm tuổi Đảng. Cụ Huệ say sưa kể về một thời trai trẻ giàu lý tưởng, sôi nổi và đầy nhiệt huyết, cụ Huệ nói về một thời xóm thôn khốn khó nhưng ở đó là những người con giàu lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân để giữ bình yên cho quê hương máu thịt. Cụ Huệ nói: "Tôi tham gia cách mạng năm 18 tuổi, ngày đó một sào lúa nông dân chỉ thu hoạch 60 đến 70kg thóc, kiếm đủ ăn quanh năm rất cực nhọc. Bây giờ thì năng suất lúa đã tăng 3, 4 lần, cộng với thu nhập từ nghề phụ, đời sống gấp hàng chục lần so với trước kia". Thôn Hà Lỗ nơi cụ Huệ sinh sống đã được công nhận làng văn hóa cấp thành phố liên tục 15 năm nay. Nhận xét về lớp trẻ Liên Hà, cụ Huệ tự hào: "Thế hệ trẻ ngày nay làm kinh tế giỏi, chỉ làm nghề phụ nhưng thu nhập hơn cả đi Tây".

Ông chủ trẻ Ngô Văn Suyết (doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ San Điều) ở thôn Thù Lỗ chia sẻ: "Cái tâm với nghề truyền thống ông cha để lại là điều kiện tiên quyết để tồn tại và thành công. Ngoài ra, cái không thể thiếu đối với một doanh nghiệp trên thương trường hôm nay là táo bạo, nhanh nhạy". Lượng lưu thông hàng hóa hằng tháng của Doanh nghiệp San Điều đạt trị giá 400 đến 500 triệu đồng. Đáng khâm phục là điều hành hơn 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở xã thì chiếm đa số là những ông chủ trẻ có tuổi đời dưới 35. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Lệ cho biết: "Niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền Liên Hà là giữ vững và phát huy tốt truyền thống anh hùng. Dù là địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, lao động nơi khác đến làm việc nhiều nhưng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, không có tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút - là xã duy nhất của Đông Anh giữ vững trận địa này".

Cơ sở hạ tầng ở Liên Hà cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống giao thông được rải nhựa, bê tông và gạch hóa; 8/8 thôn có nhà văn hóa; trường THCS và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia… Hiện Liên Hà đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Con đường trục kinh tế miền Đông chạy qua 5 xã thuần nông của huyện Đông Anh (gồm Dục Tú, Liên Hà, Vân Hà, Việt Hùng và Uy Nỗ) vẫn còn thơm mùi nhựa. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phan Văn Châm cho biết, trục kinh tế này có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền Đông, là huyết mạch kích thích kinh tế nông thôn; kéo ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong giao lưu, phát triển KT-XH. Nằm trong chuỗi phát triển đó, Liên Hà đang có nhiều thuận lợi để tiếp tục tăng tốc, gặt hái những thành công mới trên con đường xây dựng nông thôn giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

Thu nhập bình quân đầu người của Liên Hà đạt 17 đến 18 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,1%. Khu vực làng nghề trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nguồn ngân sách lớn cho địa phương. Hiện Liên Hà có nghề thủ công truyền thống sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, làm bánh chưng… với quy mô hơn 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ, lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh bình quân 40-50 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Nghề thủ công truyền thống còn giải quyết việc làm ổn định cho 5.000 lao động các địa phương lân cận với thu nhập thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp bức tranh quê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.