Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ám ảnh rừng ma

TUANPHONG| 02/11/2008 08:18

Những khu rừng ma nằm rãi rác trên những cánh rừng nằm dọc theo dãy Trường Sơn vẫn là nổi ám ảnh đối với đời sống từ người già đến trẻ con trong từng ngôi nhà của các bộ tộc người Ca Dong, Xê Đăng… ở vùng Tây đất Quảng.

Câu chuyện đêm miền rừng

Len lén ra khép cánh cửa làm tạm bằng những thanh nứa để che chắn như sợ có người nghe, Đinh Văn Am (nóc Tăk Ngo, xã Trà Mai, huyện vùng cao Nam Trà My) nhẹ nhàng như con mèo hoang trở về bên bếp lửa. Ném thêm mấy que củi và cời than, ngọn lửa nhảy múa kèm theo tiếng nổ tí tách giữa căn nhà sàn, như tạo thêm cái huyền hoặc của đêm miền sơn cước khi ngồi nghe chủ nhân căn nhà và người làng kể về thế giới của ciéc.

Những đêm miền rừng và những câu chuyện kể về rừng ma.


Mấy đứa trẻ mắt tròn xoe, há miệng như nuốt từng lờikể, ngồi nép mình bên người lớn, có đứa nhảy tót vào lòng cha mẹ để cố nghe cho hết câu chuyện không đầu và cũng không có đoạn kết được người kể sau thêm thắt, thêu dệt, làm câu chuyện rùng rợn giữa đêm đầu đông miền rừng.

Chuyện kể rằng, có người thợ săn, sau hơn 3 ngày đêm theo dấu chân thú hoang và bắn chết con heo rừng nặng như con trâu. Con heo rừng khi chết dựa vào gốc cây sao đen đầu gục xuống. Khi người thợ săn chạy đến, thì phát hiện trên hai nanh trước dài hơn 1m có cắm hai sọ người còn nguyên hốc mắt.

Người thợ săn sợ quá vừa chạy về làng vừa vái con heo vừa săn được, rồi báo cho dân làng, nhưng chẳng ai dám đến, vì ai cũng bảo con heo rừng ấy đi từ khu rừng ma! Chỉ mấy ngày sau, người thợ săn ấy tự nhiên đâm ra điên khùng và đẻ ra những đứa con có mặt to và tay chân thì cuộn lại giống như những con rắn rừng.

Một nóc nhà nép mình bên sườn núi.

Vẫn chưa hết, bà con cả nóc của người thợ săn đó về sau bị ma rừng ám nên dịch bệnh, đau ốm…nên phải dời làng cách mấy quả núi mới làm ăn yên ổn. Còn gia đình người thợ săn bị làng chối từ, buộc phải ở lại làng cũ, vì sợ con ma rừng đi theo, đến bây giờ chết hay sống chẳn ai biết, ai hay…

Góp thêm câu chuyện về thế giới céic, già làngĐinh Văn Cường thầm thì như sợ có người nghe trộm, ngước đôi mắt thâm quầng nhìn ra khoảng không tối đen bên ô cửa sổ chưa kịp cài của căn nhà sàn rệu rã, ánh lửa bập bùng phía núi kèm theo từng cơn gió hú rít qua khe cửa tạo cảm giác rùng rợn cho người nghe.

Theo lời già làng, có một thanh niên ở một làng nằm dưới chân đỉnh Ngọc Linh không chịu tin vào ciéc, một buổi trưa, nhà hết gạo, chàng thanh niên đã đến khu rừng ma để chặt đót. Khi gùi bó đót về đến đầu làng, tự nhiên chàng thanh niên hộc máu, anh bò về đến nhà tóc rụng từng mảng và 3 ngày sau thì chết. Cả làng không ai dám đến và sau đó, già làng lệnh đốt làng và dời đi nơi khác cách 4 quả núi mới tránh được cái hoạ ma rừng ám.

Nhiều câu chuyện hoang đường tôi đã được nghe người làng kể lại trong suốt đêm đầu đông ở miền rừng này, từ những chuyện chết chóc do ma rừng ám, đến chuyện quở phạtkhi có người nào dám xâm phạm vào lãnh địa của ciéc.

Càng về khuya, chẳng ai đi ngủ, câu chuyện ma rừng cứ thế được tiếp nối, có người quả quyết với tôi rằng: nếu năm nào người trong làng thấy những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên trời từ những khu rừng ma, thì chắc chắn năm đó bà con trong làng bị đau ốm hoặc mùa màng thất bát.

Để tránh hậu hoạ phải gấp rút dời làng. Bà Đinh Thị Ung (90 tuổi) quả quyết với tôi rằng, đã có nhiều người vô tình bắt con cá, con ốc, hái rau cạnh những con suối ma (con suối bắt nguồn từ những khu rừng ma) đem về ăn thì đột nhiên lưỡi bị dài ra, biến thành ma rừng rồi chết.

Không ai dám đoán chắc với tôi là bao nhiều người chết vì ma ám.

Khi tôi đề nghị già làng Cường đưa tôi đi đến rừng ma mà ông biết, già làng chắp tay vái tôi ba cái rồi lắc đầu bảo: ”Cán bộ thích thì đi, nhưng đừng bảo là mình chỉ đường. Mình sợ lắm cán bộ à…”.

Ám ảnh rừng ma

Hơn 3 đêm trắng ngồi nghe kể chuyện ma rừng trong những căn nhà sàn nằm dưới chân đỉnh Ngọc Linh, những câu chuyện không đầu, không cuối, dài lê thê. Ngồi kể cho tôi nghe, nhưng nhìn nét mặt ai cũng lộ vẻ sợ hãi nếu lở ma rừng nghe thấy.

Ngay cả những già làng tôi gặp và nghe họ kể về ma rừng, câu đầu tiên dặn dò tôi là không được kể và không được đến những khu rừng ma. Nếu đến hoặc kể lại, ma rừng nghe thấy sẽ trừng phạt cả người kể cũng như người dám xâm phạm vào thế giới của rừng ma.

Dường như, trong mỗi nóc nhà sàn nhỏ bé nằm nép mình dưới chân đỉnh Ngọc Linh cao vời vợi này, thế giới rừng ma là nổi ám ảnh truyền kiếp từng con người, từng nóc nhà.

Tôi ngước nhìn đỉnh Ngọc Linh, những đám mây lởn vởn và câu chuyện huyền hoặc về những đám khói đen cuộn cuộn bốc lên, tôi kịp hình dung ra những gương mặt sợ hãi của các mẹ, các chị và ngay cả già Cường đã kể cho tôi nghe những chuyện về rừng ma đêm qua. Rồi tự hỏi, không biết đến bao giờ, nổi ám ảnh truyền kiếp kia về thế giới ma rừng được xoá nhoà trong tâm trí của những con người bé nhỏ nơi miền rừng heo hút này?

Nhìn gương mặt nghiêm trọng của già Cường khi kể về chuyện người chết trong làng, bất kỳ ai sau khi chết đều được thanh niên trai tráng trong làng khiêng đi thật xa cách làng ít nhất cũng một ngày đi bộ theo một con đường mòn trong rừng. Sau khi chôn xong người chết, những người đi chôn phải mở một con đường khác để đi về làng, không được đi theo con đường cũ.

Vật dụng chôn theo người chết là những thứ họ thường dùng hàng ngày. Đối với già làng hoặc người có uy tín được chôn theo thêm thanh la, ché, áo quần…Mộ chôn xong được lấp bằng, không được vun nấm.

Riêng đối với già làng thì được người trong nóc lên rừng chặt cây gỗ giỗi nhiều tuổi, chọn khúc đẹp nhất đem đẻo thành hình chiếc thuyền và khoét làm hòm đặt người chết vào. Rồi người thân cận nhất ra suối chọn mảnh đá đẹp khắc tên, tuổi người chết đem đặt dưới hố chôn.

Khi chôn xong, thanh niên vào rừng tìm cho bằng được cây tầm phục (loại cây mọc hoang dại) để nguyên lá cắm phần ngọn xuống hố chôn, gốc rễ lên trời mà như các già làng bảo đó là dấu hiệu của sự sống chấm dứt. Bao nhiều người đưa ma, sẽ có bấy nhiêu cây tầm phục cắm ngược dưới hố chôn. Khi chôn cất xong người chết, người đi đưa ma phải cắt rừng không đi theo đường cũ để về làng.

Trước khi vào làng, già làng chọn những loại cây có nhiều gai nhọn làm phép huơ xung quanh từng người. Sau đó nhà có người chết giết trâu, mổ bò cúng đúng 3 ngày, 3 đêm mới được ra khỏi nhà.

Theo phong tục của bà con Cadong, Xê Đăng..., vùng đất này, khi chôn xong người chết, không một ai dám đến khu rừng chôn người chết, họ gọi đó là rừng ma. Quan niệm chết với họ là người sống chấm dứt hoàn toàn mọi quan hệ với người chết. Nếu không cắt đứt quan hệ đó, thì hồn người chết sẽ đi theo về làng phá phách không cho bà con làm ăn sinh sống.

Bao giờ xoá tan những ám ảnh rừng ma?

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Lê Ngọc Kích kể cho tôi nghe câu chuyện buồn vừa xảy ra với một lãnh đạo xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, sau khi xuống huyện họp, trên đường trở về xã, anh bị nước cuốn trôichếttại con suối cách làng hai dãy núi.

Nhận được tin, huyện lên vận động người nhà đem về chôn, nhưng người làng thì nhất quyết không chịu. Bởi theo luật tục, nếu không phải chết trong làng, trong nóc, thì bất kỳ người nào chết ở đâu thì phải chôn ngay tại đó, dù là lãnh đạo xã cũng không ngoại lệ.

Dù có tuyên truyền đến từng buôn làng, nhưng truyền thuyết về rừng ma vẫn còn đó.


Ông Kích thở dài bảo, không biết đến bao giờ mới xoá hết được những tập tục lạc hậu này? Nhiều già làng tôi gặp, hỏi chuyện an táng người chết, tất cả đều thừa nhận là do ám ảnh về ma rừng, nên toàn bộ người chết được chôn ở rất xa làng và đào hố chôn rất cạn,sau khi chôn xong vài ngày là bị thú rừng đào lên. Chính vì vậy mà những câu chuyện về ma rừng được thêu dệt truyền từ người này sang người khác trở thành những câu chuyện rùng rợn không có hồi kết.

Tôi đã nhiều lần đi qua những khu rừng ma nằm rải rác trên các cung rừng miền Tây đất Quảng. Nếu để người dân phát hiện thì sẽ bị từ chối không cho vào làng, vì họ sợ con ma rừng theo về làng. Ngay những vị lãnh đạo đi công tác vùng cao đã nhiều lần cùng tôi mắc võng ngũ giữa rừng vì đã vô tình đi qua khu rừng ma nên không được dân làng tiếp đón…

Nổi ám ảnh về thế giới của ciéc (ma rừng) và rừng ma giờ đây vẫn đang tồn tại, trói chặt những phận người nơi vùng cao heo hút này, không biết đến bao giờ nổi ám ảnh kia mới được xoá, để bà con có được cuộc sống yên lành.

Còn ông Đinh Mướk, nguyên Bí thư huyện uỷ Nam Trà My, hiện là Trưởng ban Dân tộc và miền núi Quảng Nam cho rằng, chuyện vận động bà con từ bỏ tập tục lạc hậu khó thành công trong ngày một ngày hai, do luật tục truyền đời tồn tại hàng trăm năm qua.

Ông Hồ Văn Reo, nguyên Trưởng ban Dân tộc miền núi Quảng Nam cũng tâm sự: Hơn 30 năm sau giải phóng, đời sống bà con ngày được nâng cao, nhưng những tập tục lạc hậu, và thế gới ciéc ăn sâu, mọc gốc rễ trong tư tưởng của hầu hết người dân nơi đây, nên khó xoá được.

Theo VietNamNet

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh rừng ma

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.