(HNM) - Ngày 10-12, ca sĩ Thái Thùy Linh chính thức phát hành album vol.3 của mình mang tên "Bộ đội". Album này, từ khi chưa ra mắt đã tạo cơn "sốt" nhẹ trong làng nhạc Việt, bởi cô ca sĩ cá tính đã hát các ca khúc cách mạng trang nghiêm, hào hùng theo phong cách pop-rock.
Muốn làm mới nhạc cách mạng
Album "Bộ đội" có 9 bài, là những bài hát cách mạng "đi cùng năm tháng" như "Hò kéo pháo" của Hoàng Vân, "Dậy mà đi" của Nguyễn Xuân Tân, "Lì và Sáo" của Văn Chung. Những bài hát "nhạc đỏ" này được phối và hát theo một phong cách pop-rock hoàn toàn mới lạ. Đặc biệt, điểm nhấn của album là bài "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" của Chu Minh, thơ Hoàng Trung Thông. Đây là bài hát mà từ trước tới giờ chưa có một giọng nữ nào thể hiện, thường được mọi người biết đến với giọng hát của NSND Quang Thọ và dàn hợp xướng. Ca khúc đặc biệt nữa là "Lì và Sáo", tác phẩm có tuổi đời 60 năm rồi, nhưng dường như chưa có bản thu chính thức nào. Nhiều người nghĩ đây là bài hát thiếu nhi, nhưng thực chất là một bài hát cách mạng, rất đáng yêu, hay, có tính giáo dục cao.
Hình ảnh ca sĩ Thái Thùy Linh trong album “Bộ đội”. |
Nói về ý tưởng thực hiện album này, Thái Thùy Linh chia sẻ, rằng từ bé chị đã tích cực tham gia các phong trào của đoàn, đội, lớn lên thì tham gia các hoạt động sinh viên, thanh niên. Tinh thần "cách mạng", những bài hát cách mạng đã ngấm vào trong máu Thái Thùy Linh. Chị yêu nước, yêu người lính, yêu luôn những ca khúc cách mạng hào hùng, những tác phẩm gắn liền với một thời kỳ oanh liệt. "Bài hát cách mạng có nhiều bài hay, nhưng gặp phải vấn đề là các bản phối quá cũ kỹ. Bao nhiêu năm liền vẫn hát một kiểu như nhau, kể cả nhiều người thuộc thế hệ sau này cũng hát bản phối như thế hệ trước. Mà một khi thế hệ trước đã hát hay, có những nghệ sĩ hát những ca khúc tưởng đã thành chuẩn mực, thì thế hệ sau có hát giống cũng khó mà bằng được những tượng đài sừng sững ấy nữa".
Cái quen thuộc là hay (mà có hay mới trở nên quen thuộc được), nhưng quá quen sẽ bị nhàm chán. Những bản nhạc cách mạng mà cứ cũ kỹ thì không thể nào cuốn hút được lớp thanh niên sau này, lớp người tách rời khỏi cuộc chiến, thời buổi bây giờ cũng không còn cảnh ông bà, cha mẹ ngồi kể ngày xưa chiến đấu như thế nào… Nhạc cách mạng hiện giờ vẫn còn nhiều người nghe, nhưng khi mà nhiều dòng nhạc khác du nhập vào đời sống tinh thần giới trẻ, đến một lúc nào đó nhạc cách mạng sẽ ra sao?
Từ những trăn trở ấy, Thái Thùy Linh muốn hát những ca khúc cách mạng theo một cách mới, khác với những gì đã là chuẩn mực, với mong muốn nhạc cách mạng đến gần hơn với giới trẻ.
Dư luận trái chiều
Khi album chưa phát hành, Thái Thùy Linh đã đưa một đoạn trong bài "Hò kéo pháo" hát theo phong cách pop-rock của mình lên mạng để thăm dò ý kiến. Kết quả là có tới 60% độc giả cho rằng không thích bản phối này bằng các bản cũ. Thái Thùy Linh, với tình yêu dành cho nhạc cách mạng, vẫn tin tưởng rằng chị làm hoàn toàn vì tình yêu và được quyền yêu theo cách của mình dù chính chị cũng ngần ngại khi lần đầu nghe bản phối ấy: "Dù là người thai nghén ý tưởng đó, đã hình dung, tưởng tượng rất nhiều nhưng khi tác phẩm thành hình, hiện ra với âm thanh thật thì chính bản thân Linh cũng ngạc nhiên".
Những bài hát cách mạng không chỉ tả thực chiến tranh, mà còn mang trong nó một phần lịch sử, là truyền thống, là tình yêu, khát vọng… những thứ không có tuổi, thay đổi những điều "mặc định" về nhạc cách mạng quả là khó. Đã có ý kiến cho rằng Thái Thùy Linh hát "nhạc đỏ" theo phong cách pop-rock là động đến sự thiêng liêng của dòng nhạc này.
Lớp trẻ cần ý thức về sự kế thừa, nhưng kế thừa mà lặp lại thì khó phát triển được. Tất nhiên, "không đi thì không thành đường" và khi đi đường mới thì ắt có nhiều chông gai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.