(HNMO)- Chợ Phủ (Quốc Oai) họp vào ngày 30 tháng Chạp. Có người đến đây để mua sắm hàng hóa phục vụ Tết, nhưng không ít người đến chợ với mong muốn tìm lại cho mình ký ức về một ngôi chợ Phủ xưa...
Chợ xưa còn trong ký ức...
Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, chợ Phủ xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XX ngay tại phố Phủ Quốc Oai, tiền thân là chợ Cháy. Chợ xưa không chỉ là nơi giao lưu, buôn bán của người dân quanh vùng mà đây còn là nơi tụ tập của đạo tặc trước khi đi cướp phá ở các làng, xã lân cận. Mỗi khi đi cướp không thành, hoặc bị nhân dân chống trả..., bọn cướp quay về châm lửa đốt chợ. Rất nhiều lần chợ bị đốt, nên người dân trong vùng gọi là chợ Cháy. Sau này, do đời sống xã hội phát triển, nhu cầu giao lưu buôn bán tăng, chợ mở rộng về quy mô, phong phú về mặt hàng. Không chỉ phục vụ trao đổi, buôn bán hàng hóa của các làng lân cận, chợ còn thu hút đông đảo người dân Phủ Quốc đến họp. Cái tên chợ Cháy dần lùi vào lịch sử, thay vào đó là tên chợ Phủ- tương xứng với quy mô và địa dư hành chính của cả một vùng rộng lớn.
Sơ khai, chợ Phủ được đặt gần đình làng Hoàng Thạch (nay thuộc khu phố huyện, thị trấn Quốc Oai) trên một khu đất rộng với những lều lán tạm bợ. Chợ Phủ họp các phiên ngày 3- 5- 8- 10 hàng tháng. Ngày chợ phiên, người dân từ Thạch Thất xuống, Hoài Đức sang, Chương Mỹ lên tụ hội bán, mua, nên chợ đông đúc người, sản vật cũng phong phú. Nhưng chính vì ở vào vị trí “đắc địa”, lại thuận tiện giao thông nên chợ Phủ là một trong những điểm Thực dân Pháp nhòm ngó nhiều nhất. Tiểu thương và nhân dân đến chợ không ít lần phải chịu cảnh “mưa đòn” trong mỗi trận càn của Thực dân Pháp: “Thương lắm chợ quê Phủ Quốc Oai/ Chẳng quên năm tháng chuyển đi hoài/ Tránh bom quang gánh vào Du Nghệ/ Né đạn ngựa xe tới Ngọc Than...”. Chỉ bấy nhiêu câu thơ đã nói lên cảnh chợ Phủ phải di chuyển nhiều lần do chiến tranh loạn lạc. Nhưng cũng nhiều lần, chợ Phủ được lực lượng cách mạng chọn làm nơi tổ chức các cuộc diễn thuyết, rải truyền đơn nhằm tập hợp lực lượng cách mạng...
Trong ký ức của ông Nguyễn Duy Ký 75 tuổi ở khu phố huyện, thì chợ Phủ là một bức tranh mộc mạc, đậm đà chất quê. Ông Ký còn nhớ như in cảnh buôn bán sầm uất ở chợ Phủ ngày ông còn lon ton theo mẹ đi chợ sắm Tết. “Những năm chợ còn ở gần đình làng Hoàng Thạch, mỗi phiên chợ có cả nghìn người đến họp. Đám trẻ chúng tôi thường kéo nhau ra chợ chơi. Thú vị nhất được xem khu bán trâu, bò. Những con trâu to, đen trùi trũi, cặp sừng nghễu nghện, lắc lư khi khách đến xem"- ông Ký kể lại. Là chợ của một vùng quê thuần nông nên mặt hàng buôn bán ở đây thường là rau, dưa, cau trầu, hàng xén, thừng chão, rổ rá, nong nia và trâu, bò, lợn gà...
Nét riêng xứ Đoài
Trải qua nhiều lần bị đánh phá, di chuyển, từ năm 1975 đến nay, chợ Phủ đi vào hoạt động ổn định, quy mô rộng hơn. Chủ nhiệm HTX Thương mại- Dịch vụ chợ Phủ Trần Đại Tư cho biết: Từ ngôi chợ với khoảng 100 gian lều lán tạm, 2 dày nhà cầu xuống cấp nghiêm trọng, đường đi lối lại trong chợ lụt lội mỗi khi trời mưa, hệ thống tường bao quanh chợ bị đập phá (những năm 1990 trở về trước), từ năm 2005 đến nay, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, chợ Phủ được cải tạo, nâng cấp thường xuyên. Đến nay, chợ có một cơ ngơi khang trang với 415 điểm gian hàng, 20 gian ki ốt; 2 khu nhà để xe, trụ sở làm việc của HTX và khoảng 500m2 dành cho nông dân có hàng hóa tự sản xuất ra bán. Toàn bộ đường đi, lối lại trong chợ được đổ bê tông sạch sẽ; hệ thống đường điện, cống rãnh thoát nước; khu vệ sinh công cộng được cải tạo và xây mới, tạo điệu kiện thuận lợi cho tiểu thương và nhân dân đến kinh doanh, mua sắm tại chợ.
Vào những phiên áp Tết, chợ Phủ tấp nập, náo nhiệt lạ thường. Giọng nói của nhiều vùng trong huyện hợp lại tạo nên một âm sắc rất riêng mà chỉ có chợ quê mới có. Ngoài các mặt hàng thông thường, chợ Phủ ngày Tết còn có thêm những dãy hàng bán lá dong, ống giang, chuối, bưởi, hoa đào, quất… Gian hàng bán trầu cau của cụ Triệu Thị Tỉnh (năm nay ngoài 80 tuổi) vào phiên tất niên lúc nào cũng thu hút rất đông các bà, các mẹ đến mua về thắp hương lễ Tết. Kinh doanh tại chợ già nửa cuộc đời, nay tuổi đã cao, mắt không còn tinh anh nhưng cụ vẫn chưa muốn nghỉ. “Ngày nào mệt thì ở nhà, lúc khỏe tôi lại cùng con ra bán hàng cho vui”- cụ Tỉnh cho biết. Cụ Nguyễn Thị Tân, quê Hữu Bằng Thạch Thất, 76 tuổi nhưng vẫn cần mẫn chở hàng đến chợ Phủ. Chất giọng Nủa đặc sệt, lời mời chào đon đả, gian hàng của cụ tấp nập người mua, xem hàng...
Người đi bán, mua hàng Tết nhiều và người đi chơi chợ để tận hưởng không khí Tết cũng lắm. Cảnh bán mua nhiệt thành, lời mời chào, mặc cả, lời thăm hỏi của những người thân quen đã lâu mới có dịp gặp nhau nhờ phiên chợ Tết khiến chỗ nào cũng rộn rã, cho dù giờ đây đã vắng bóng các cụ đồ già từng áo the, khăn gõ phủ phục trên chiếc chiếu hoa viết câu đối Tết, vắng cả những hàng bán tranh Đông Hồ trẻ tíu tít đến mua, xem...
Nhưng trải qua bao thăng trầm, chợ Phủ Quốc Oai vẫn giữ được nét đặc sắc của chợ quê xứ Đoài. Hàng hóa phong phú từ điện tử, quần áo, vải vóc, giày dép, tạp hóa, đến thịt cá, rau củ quả, hàng khô, cau trầu..., chợ Phủ còn là nơi giao lưu hàng hóa của bà con dân tộc Mường ở các xã Phú Mãn, Đông Xuân. Từ năm 2009 đến nay, sức mua, sức bán tăng nên chợ mở tất cả các ngày trong tháng, tuy nhiên vào phiên chợ chính chợ đông hơn nhiều. Hàng hóa theo đó cũng tăng 5-7 lần so với năm 2000 trở về trước. Ngoài tiểu thương ở thị trấn Quốc Oai còn khá đông tiểu thương đến từ các xã trong huyện như Cấn Hữu, Nghĩa Hương, Cộng Hòa và một số xã của huyện Thạch Thất, Hoài Đức. Trong số đó có nhiều tiểu thương đã gắn bó với chợ Phủ già nửa cuộc đời....
Chợ Phủ Quốc Oai có từ ngày nào đến nay chẳng ai còn nhớ. Chỉ biết rằng chợ đã đi vào thơ ca, tiềm thức, ký ức của mỗi người dân trong vùng. Tết đến, xuân về, mưa giăng giăng khắp ngả mà dòng người vẫn nườm nượp đổ về chợ Phủ. Phiên tất niên đông như trảy hội khiến cả đoạn đường phố huyện chật như nêm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.