Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai là người đọc đầu tiên?

Trần Linh| 02/05/2010 07:01

(HNM) - 11 giờ 30 phút trưa ngày 30-4-1975, Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chỉ 15 phút sau, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) phát đi bản tin thắng lợi: Quân ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy... Nhưng việc ai có vinh dự là người đầu tiên đọc bản tin đó thì chưa nhiều người biết.

Theo NSƯT Trần Phương, cựu phát thanh viên (PTV) Đài TNVN thì hai PTV Nguyễn Thơ và Tuyết Mai đọc trực tiếp bản tin thời sự khẳng định ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào 17 giờ ngày 30-4-1975. "PTV Nguyễn Thơ đọc bản tin lần một khẳng định chiến thắng lịch sử và sau đó PTV Tuyết Mai lặp lại bản tin lần hai". Trong khi đó, trên một bài viết về sự kiện lịch sử trọng đại này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi rõ: "Tại Tổng hành dinh, sau khi nhận tin Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện, tôi chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng Cục Chính trị điện ngay cho Thông tấn xã và Đài TNVN kịp thời loan tin thắng lợi và viết thông báo chiến thắng. Chỉ 15 phút sau, đài đã ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại những dòng tin phấn khởi mà muôn triệu con tim Việt Nam đang đón đợi: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng". Như vậy, bản tin vào trưa ngày 30-4 mới được coi là bản tin đầu tiên về chiến thắng vĩ đại này.

Vậy ai là người đọc bản tin trưa hôm đó? Ông Trần Trọng Trủy, người nhận và biên tập tin của ca trực ấy đã mất. Rất may, trong ký ức của một số cựu chiến binh vẫn còn lưu lại giọng đọc của một PTV người Sài Gòn và PTV người Bắc quen thuộc là Kim Cúc vào thời khắc thiêng liêng ấy. Dựa vào thông tin này, chúng tôi tìm gặp NSƯT Kim Cúc, PTV có giọng đọc quen thuộc với khán giả qua nhiều chương trình của Đài TNVN suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là chương trình Đọc truyện đêm khuya. Bà đã nghỉ hưu gần chục năm nay nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này ở Đài TNVN, VTV và nhiều chương trình khác. Bà nhớ lại: "Sau khi được anh Trủy chuyển bản tin, tôi và chị Kim Túy chạy xuống tầng hầm để đọc. Chị Túy đọc trước, rồi chuyển sang tôi đọc. Bản tin ngắn chỉ độ nửa phút".

NSƯT Kim Cúc còn nhớ như in tâm trạng của các chị lúc đó. "Chị Kim Túy nắm chặt tay tôi, rưng rưng nói: "Cúc ơi! Vậy là chị sắp được về nhà với má". "Sau khi hết phiên trực, tôi và chị Túy đạp thẳng xe ra hồ Hoàn Kiếm, nơi chúng tôi biết chắc có nhiều người tập trung để chia vui tin mừng chiến thắng. Ngồi trên xe mà người tôi nhẹ bẫng như bay trên mây. Trụ sở của đài hồi đó ở gần Sứ quán Cuba nên vừa ra khỏi đài, thấy các cán bộ và nhân viên của Đại sứ quán đổ ra đường vẫy cờ và hò hét rất to. Người mình hồi đó chưa có thói quen biểu lộ tình cảm mạnh mẽ như người nước ngoài nhưng có lẽ niềm vui chiến thắng lớn đến nỗi nhiều người Việt hòa cùng không khí đó, nhảy lên reo hò cùng các bạn Cuba… Trên đường ra bờ Hồ, đâu đâu cũng thấy người mừng vui tin chiến thắng, rất nhiều người đổ ra đường, hân hoan vẫy cờ…", bà Kim Cúc nhớ lại.

Về thông tin NSND Tuyết Mai hay PTV Nguyễn Thơ mới là người đọc bản tin này, NSƯT Kim Cúc giải thích: "Sau khi chúng tôi đọc thì bản tin chiến thắng do chị Tuyết Mai và anh Nguyễn Thơ đọc được thu vào băng nên từ đó thính giả được nghe bản tin này nhiều nhất. Bản tin do chị Túy và tôi đọc thẳng, vì máy lúc đó không lưu lại được". Hỏi NSƯT Kim Cúc, vì sao chị không lên tiếng "đính chính" để thông tin rõ hơn, vì bao nhiêu năm nay, hầu như không ai biết các chị là những người đọc bản tin chiến thắng đầu tiên trong ngày 30-4 lịch sử? Việc này không chỉ gắn với một kỷ niệm thiêng liêng mà còn là niềm vinh dự trong cuộc đời một PTV mà không phải ai cũng may mắn có được. Bà cho hay: "Tôi nghĩ đơn giản, tin về đúng vào phiên trực của ai thì người ấy đọc. Tôi coi đó là nhiệm vụ. Cả tôi và chị Kim Túy đều chưa bao giờ kể lại với báo chí về công việc của chúng tôi hồi đó. Vì thật ra cũng có nhiều chuyện tế nhị, mà tính tôi không muốn tranh luận…". NSƯT Kim Cúc cho biết thêm, hạnh phúc nhất với bà là mặc dù trở thành "người của công chúng" nhưng lẫn vào công chúng chứ không đứng một mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai là người đọc đầu tiên?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.