(HNM) - Giá đường trong nước hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây (20.000 đồng/kg). Do giá đường trên thế giới không ổn định, nhiều nhà máy sản xuất đã găm hàng, đẩy giá đường trong nước tăng cao.
Giá đường tăng 2,5 lần
Theo khảo sát của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện giá bán buôn tại các nhà máy đường trong nước dao động từ 16-17.000 đồng/kg, giá bán lẻ đường tại các siêu thị, cửa hàng từ 21-22.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 lần so với thời điểm đầu năm 2009. Việc tăng giá mạnh tại thời điểm này gây bức xúc cho dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, hiện lượng đường tồn kho còn khoảng 137.000 tấn, cuối tháng 2-2010 sẽ có thêm 400.000 tấn nữa bổ sung. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của cả nước chỉ khoảng 100.000 tấn/tháng. Hiện nay sản xuất đường Việt Nam đang vào chính vụ, 40 nhà máy đang hoạt động hết công suất. Giá đường tăng cao như hiện nay là bất hợp lý, gây ảnh hưởng lớn cho người tiêu dùng.
Giá đường tăng đột biến trong thời gian qua. Ảnh: Hoàng Minh |
Ông Diệp Kỉnh Tần cho rằng, các nhà máy sản xuất đường trong nước hoặc đang "làm" giá hoặc có yếu tố đầu cơ để đẩy giá lên cao. Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VCSA) lại đổ tại giá nguyên liệu mía tăng cao là nguyên nhân chủ yếu khiến giá đường tăng. Thực tế theo cân đối cung cầu sử dụng đường trong nước giữa Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT, trong năm 2010, nước ta sẽ tiêu thụ khoảng 1,3 triệu tấn đường. Trong đó, sản xuất trong nước đáp ứng được 1 triệu tấn, năm 2010, nước ta sẽ thiếu hụt tối thiểu khoảng 300.000 tấn đường. Nếu giá đường không bình ổn trở lại, Bộ NN&PTNT sẽ xin Chính phủ cho nhập đường miễn 100% thuế.
Doanh nghiệp, nhà sản xuất đổ lỗi cho nhau
Giá đường tăng khiến giá các sản phẩm chế biến từ đường cũng tăng theo, đặc biệt là mặt hàng bánh kẹo và sữa. Công ty Sữa Vinamilk cho biết, giá đường tăng chính là nguyên nhân Vinamilk phải tăng giá sữa lên 6% vào tháng 12 - 2009. Còn để cân đối có lợi nhuận thì Vinamilk phải tăng giá lên 40% mới bù đủ vào giá đường. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, rất nhiều DN sản xuất sữa và chế biến công nghiệp thực phẩm không dám nhập đường. Bởi nếu nhập với mức giá cao như hiện nay, thì các sản phẩm ăn theo cũng buộc phải tăng giá. Không đồng tình với quan điểm này, đại diện nhiều nhà máy đường cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp chế biến hưởng lợi nhuận, chi phí trung gian quá cao đã đẩy giá đường tăng như hiện nay. Năm nay, nguồn cung mía giảm, chất lượng mía kém cộng với chi phí vận chuyển tăng từ 25-30%, bên cạnh đó là chi phí thương mại trung gian quá lớn, chiếm từ 25-30%. Đây chính là nguyên nhân đẩy giá đường tăng cao. Bởi vậy, đại diện nhiều nhà sản xuất đường cho rằng, các nhà bán lẻ, các nhà chế biến cũng phải có trách nhiệm trong việc đẩy giá đường tăng cao như hiện nay.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp chế biến trong nước đã lợi dụng sự biến động của thị trường đường thế giới để tăng giá đường trong nước. Thực tế dù giá mía nguyên liệu có tăng cộng với chi phí vận chuyển cao cũng không làm cho giá đường trong nước tăng đến mức như vậy. Để bình ổn giá đường trong nước, ngoài động thái cho nhập đường miễn thuế, Bộ NN&PTNT đề nghị Hiệp hội Các nhà bán lẻ phải kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ không được lợi dụng để làm giá hoặc tìm cách đầu cơ tăng giá. Bộ đề nghị các bộ, ngành liên quan phát hiện sai phạm để xử lý nghiêm minh, góp phần bình ổn giá đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.