Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai dám bỏ tiền tỷ ra để biên soạn sách giáo khoa?

Theo Hồng Hạnh| 10/11/2014 16:32

Việc đầu tư ban đầu cho bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (SGK) dự kiến là 321 tỷ đồng. Vậy, các bộ SGK do cá nhân và tổ chức khác biên soạn có được đầu tư ban đầu thế không?

Vay tiền ngân hàng để đầu tư biên soạn SGK?

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn góp ý về Đề án một chương trình và nhiều bộ SGK với nhiều vấn đề như: Nếu Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn 1 bộ SGK và Bộ lại tổ chức thẩm định thì có công bằng và khách quan? Việc đầu tư ban đầu cho cho bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK dự kiến là 321 tỷ đồng (nhiều việc, không phải chi toàn bộ cho tác giả). Vậy, các bộ SGK do cá nhân và tổ chức khác biên soạn có được đầu tư ban đầu thế không?

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, tính khách quan của Hội đồng thẩm định và những tiêu cực trong việc phát hành SGK khi triển khai chủ trương này. Trong trường hợp Bộ GD-ĐT không chủ trì biên soạn SGK nếu khi đã đến thời điểm triển khai chương trình mới mà chưa hoặc chưa đủ SGK cho GV,HS thì sẽ thế nào? Ai chịu trách nhiệm? Vấn đề thi, kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh nhiều bộ SGK sẽ thế nào? Một tổ chức hay cá nhân có viết nhiều bộ SGK?...

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, chuyên trách về đổi mới chương trình và SGK - Bộ GD-ĐT cho biết: “Trong tờ trình Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho thực hiện phương án: Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Nếu giao toàn bộ việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa mà không có một đơn vị xuất bản nào chịu trách nhiệm chính, đảm bảo việc biên soạn SGK đúng tiến độ để phục vụ đổi mới chương trình thì hết sức bị động trong việc triển khai thực hiện”.

Theo ông Thống, việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn không ảnh hưởng đến việc có các bộ SGK khác cùng lưu hành vì tất cả các bộ SGK đều được Hội đồng quốc gia thẩm định độc lập. Với chủ trương mới cứ bộ SGK nào đủ tiêu chuẩn theo các tiêu chí đã ban hành đều được Bộ GD-ĐT cấp phép sử dụng trong các nhà trường phổ thông.

Về vấn đề lựa chọn SGK để sử dụng, ông Thống cho rằng, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các nhà trường, địa phương lựa chọn SGK theo quy trình. Các nhà trường tổ chức cho giáo viên, đại diện phụ huynh học sinh tìm hiểu các SGK đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt cho sử dụng. Trong quá trình dạy học, giáo viên và học sinh có thể tham khảo những SGK khác.

Ông Thống cho biết, để tạo sân chơi đầu tư bình đẳng, bộ sách do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, sau khi có bản thảo sách, sẽ bán đấu giá bản thảo, tiền bán được nộp lại cho ngân sách nhà nước. Cũng có thể đề nghị nhà nước thông qua các nhà xuất bản cho các tổ chức cá nhân đã đăng ký và được phê duyệt viết SGK vay tiền ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho việc biên soạn SGK, sau khi phát hành sẽ hoàn trả. Đề xuất này sẽ phát sinh thực tế là: giá SGK sẽ tăng do các NXB phải tính vào giá thành chi phí biên soạn ban đầu (vốn trước đây là nhà nước bao cấp).


GS.TS Phạm Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Ai là người đứng ra tổ chức viết và thẩm định SGK. Như vậy, đồng nghĩa với việc ai sẽ là chủ của các bộ SGK này, cũng có nghĩa là ai sẽ là người nắm tiền, được sử dụng tiền chi cho việc biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Số lượng các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn không nhiều. Các trường tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng, các tỉnh, thành và theo gợi ý của Bộ , Bộ đã tự nhận lấy phần công việc khó khăn nặng nề này. Vậy có nên như thế không? Và có thể làm nổi không? - GS Phú đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, GS Phú cho rằng: Bộ đưa ra lộ trình đến năm 7/2017 - 12/2020, triển khai áp dụng đại trà đồng loạt chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 5 và bắt đầu thực nghiệm cuốn chiếu đối với các lớp của cấp THCS và THPT… Như vậy, nếu theo lộ trình được đưa ra, phải mãi đến năm 2020, tức là sau 6 năm nữa kể từ thời điểm này, thế giới đã tiến rất xa, còn riêng ta vẫn loay hoay với SGK phổ thông, mà lại vẫn chưa xong, nhưng đồng thời lại phải bắt tay ngay vào việc tổ chức biên soạn SGK mới vì 6 năm đã trôi qua, SGK cũ đã mất sức sống, đã lạc hậu, không còn dùng được nữa.

Sẽ ít xảy ra một tổ chức tự đứng ra viết SGK

Ủng hộ chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK”, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn lo lắng, vấn đề không thể dừng lại ở chủ trương mà là cách làm như thế nào sẽ được những Bộ SGK đạt yêu cầu?

Chính vì vậy, GS.TS Phạm Tất Dong đề xuất: Cần phải có một chương trình khung về giáo dục được sự đồng thuận của một Hội đồng khoa học do Nhà nước thành lập, không được dùng chương trình hiện hành vì đang có quá nhiều vấn đề tranh cãi. Tổ chức đánh giá toàn diện các bộ SGK đang dùng hiện nay, chỉ ra những ưu điểm cần phát huy và những khiếm khuyết của chúng nhằm tránh cho những Bộ SGK mới đi vào vết xe của bộ SGK hiện nay.

Bên cạnh đó, chọn những tổ chức có năng lực biên soạn SGK phổ thông để xây dựng đề cương viết Bộ SGK chứ không chọn cá nhân viết từng cuốn SGK để đảm báo tính thống nhất và nhất quán về mặt học thuật, về giáo dục, về cách tiếp cận… Cần hết sức tránh đưa ra một bộ SGK được viết theo các quan điểm giáo dục khác nhau, tham khảo tài liệu của các nước khác nhau… như thế sẽ trở thành một bộ SGK “hổ lốn”.

Đặc biệt, không nên cùng một lúc có quá nhiều đề án viết các bộ SGK. Bộ SGK viết xong phải được mang ra dạy thử trọn bộ trong năm học sau khi qua sự thẩm định của một Hội đồng viết SGK quốc gia. Không nên chỉ thử nghiệm dạy vài tiết đối với mỗi SGK của từng bộ sách. Nhà nước phải đầu tư kinh phí cho các đề án viết SGK và bố trí một số trường thực nghiệp đối với từng bộ sách.

GS Dong cho hay, sẽ có hàng chục Bộ GSK mới được biên soạn, có hàng trăm cuốn SGK được viết ra và được đưa vào thử nghiệm, có hàng ngàn cán bộ khoa học và giáo viên tham gia viết sách, có nhiều Hội đồng viết sách nên phải có một cơ quan đứng ra quản lý, điều hành việc viết sách. Khoản ngân sách đầu tư viết sách sẽ rất lớn.

“Nếu có một tổ chức nào đứng ra viết một bộ SGK mà không cần đến sự đầu tư ngân sách của Nhà nước thì rất hoan nghênh. Song, tôi nghĩ, việc này ít xảy ra, bởi từ việc lập đề cương viết bộ sách cho đến khi kết thúc thử nghiệm sẽ tốn kém vô cùng. Trong trường hợp thất bại sẽ mất một khoản vốn bỏ vào việc này khó mà chịu đựng được” - GS cảnh báo.

Theo GS Dong, để có nhiều bộ SGK mong đợi, Bộ GD-ĐT phải dự trù kinh phí và phải được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, cần lường trước điều gì sẽ xảy ra khi mà sự yếu kém về quản lý dẫn đến hỏng việc, làm cho Nhà nước tốn kém rất nhiều tỷ đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai dám bỏ tiền tỷ ra để biên soạn sách giáo khoa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.