(HNM) - Môn lịch sử luôn luôn giữ vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông. Yêu cầu thực tế đòi hỏi phải cải cách môn học lịch sử, điều quan trọng lúc này là tìm giải pháp để khắc phục yếu kém hiện nay, nâng cao chất lượng dạy và học môn học này.
Đổi mới từ việc tạo sinh khí dạy - học
Trước thực trạng chất lượng môn học lịch sử ở giáo dục phổ thông chưa đạt hiệu quả mong muốn, liên tiếp những năm gần đây, Bộ GD-ĐT và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Việc rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa nhằm hạn chế tính hàn lâm, sự trùng lặp đã được triển khai ở các môn học, trong đó có lịch sử; việc vinh danh, cấp học bổng cho các học sinh (HS) giỏi môn lịch sử, tổ chức thi tìm hiểu về lịch sử.... trở thành hoạt động thường niên ở khắp các địa phương.
Giờ học lịch sử của học sinh Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh). Ảnh: Phạm Hùng |
Việc đổi mới cách thức tổ chức dạy học lịch sử cũng được quan tâm nhiều hơn. Từ năm học 2013-2014, việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học lịch sử đã được triển khai đại trà tại các trường phổ thông trên toàn quốc nhằm đem đến cho HS cách tiếp cận mới, cuốn hút hơn. Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) nhận định: Kết quả dạy học thực tế ở các nhà trường trong thời gian qua cho thấy, việc sử dụng di sản để dạy học các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông nói chung và môn lịch sử nói riêng đã giúp cho các giờ học lịch sử hấp dẫn, gần gũi hơn với HS. Việc được trực tiếp học tập tại di sản "sống", chứ không phải qua mô hình, tư liệu... khiến những kiến thức lịch sử vốn bị coi là khô khan được mềm hóa, gần gũi hơn với HS bởi những hình tượng, con số, thời khắc gắn liền với những địa danh tại nơi các em sinh sống. Ngoài việc sử dụng để dạy học lịch sử, di sản văn hóa còn được các trường phổ thông trên địa bàn thành phố lồng ghép vào các giờ địa lý, ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật...
Không chỉ HS khu vực quận Hoàn Kiếm mà HS các trường trên địa bàn thành phố đã dần quen với những buổi học thực địa ngoài Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn... Nhiều HS có hứng thú tìm hiểu hơn khi biết có những địa điểm lịch sử chính là ngôi trường các em đang học hay thường ngày đi qua như Trường THCS Ngô Sỹ Liên, THCS Trưng Vương... Được tận mắt chứng kiến chứng tích về cuộc sống gian khổ nhưng kiên cường của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, về tấm gương anh dũng hy sinh của các anh hùng..., hầu hết HS đều cảm thấy xúc động, từ đó tự có ý thức hơn trong học tập. Theo nhận định chung của các giáo viên đứng lớp, việc điều chỉnh cách thức để tạo sinh khí cho các giờ dạy học lịch sử như vậy đạt hiệu quả hơn, có ý nghĩa hơn nhiều so với việc các em ngồi nghe thuyết trình trong lớp.
Nỗi lo "đầu ra"
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên thực trạng đáng buồn của việc dạy và học môn lịch sử đã được "mổ xẻ", trong đó có những bất cập về nội dung chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy... Nhưng, còn một lý do khác chưa được đề cập nhiều dù có tác động không nhỏ tới việc tìm đến lịch sử của HS hiện nay, đó là "đầu ra" đối với những HS theo học ngành lịch sử chưa hấp dẫn. GS Nguyễn Ngọc Cơ, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, sự thiếu quan tâm đối với môn lịch sử có phần nguyên nhân từ định hướng nghề nghiệp. "Đầu ra" cho các môn khoa học nói chung, môn lịch sử nói riêng còn quá hạn chế nên khó có thể lôi cuốn các bạn trẻ chọn theo học môn này.
Theo thống kê sơ bộ, trong khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi ĐH khối C hằng năm của cả nước chỉ khoảng 5-6% tổng số thí sinh đăng ký dự thi, thậm chí có địa phương chỉ đạt 4%, đa số còn lại đều đăng ký dự thi các ngành, trường thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật. Với những ngành liên quan trực tiếp như khoa học lịch sử, sư phạm lịch sử, sức hút đối với HS rất hạn chế. Vào mùa tuyển sinh, trên các trang mạng xã hội, luôn tràn ngập thông tin về những ngành học "thời thượng", cho cơ hội việc làm tốt và thu nhập cao, rất ít thông tin về ngành học liên quan đến môn lịch sử. Trong khi đó, thực tế cho thấy nhu cầu xã hội đối với ngành học này không phải là nhỏ, nhất là khi các em có kết quả học tập tốt trong quá trình đào tạo.
Có thể thấy rằng, nếu yếu tố "đầu ra" của ngành nghề liên quan đến sự học môn lịch sử được lưu tâm, được điều chỉnh đồng bộ với nhiều giải pháp khả thi thì chắc chắn sẽ có thêm HS chọn "đầu vào" bắt đầu từ môn lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.