Những nỗ lực giải cứu “siêu tàu” Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez vẫn đang tiếp tục, song do kích cỡ của tàu quá lớn nên quá trình làm nổi con tàu này sẽ cần thời gian.
Ngày 25-3, Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) thông báo, đã tạm thời đình chỉ giao thông tại kênh đào Suez để 8 tàu lai dắt có thể giải cứu siêu tàu chở hàng Ever Given đang mắc cạn tại phía Nam của kênh đào này trong hai ngày qua.
Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết, những nỗ lực giải cứu “siêu tàu” chở hàng Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez vẫn đang tiếp tục, song do kích cỡ của tàu quá lớn nên quá trình làm nổi con tàu này sẽ cần nhiều thời gian.
Theo SCA, gió mạnh và bão cát gây cản trở tầm nhìn được cho là nguyên nhân khiến con tàu dài 400m, rộng 59m và có thể chở 224.000 tấn hàng hóa này di chuyển chệch hướng, nghiêng sang một bên và mắc cạn, đồng thời làm tắc nghẽn tuyến vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này.
Tuy nhiên, ông Rabie khẳng định, SCA đã từng xử lý thành công một số trường hợp mắc cạn tương tự trong quá khứ.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Ai Cập, chuyên gia tại Công ty Bảo hiểm DNV GL Ashraf Belal có trụ sở tại Na Uy Ashraf Belal nhận định, công tác giải tỏa tàu chở hàng khổng lồ Ever Given có thể mất “vài ngày". Sau khi được giải cứu, tàu sẽ di chuyển về thành phố Suez để đánh giá hiện trạng kỹ thuật trước khi tiếp tục hành trình.
Theo cơ sở dữ liệu của Liên hợp quốc, tàu chở hàng Ever Given treo cờ Panama thuộc sở hữu của một công ty cho thuê tàu có trụ sở tại Imabari, Nhật Bản mang tên Shoei Kisen KK. Con tàu chở theo hàng trăm container hàng hóa, đang trong hành trình tới điểm đến Rotterdam ở Hà Lan thì bị mắc cạn trên kênh đào Suez.
Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez bị đình trệ nghiêm trọng, trong đó có nhiều tàu chở dầu và cũng là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%.
Vortexa Analytics, nền tảng phân tích dầu khí nhận định, 10 tàu chở dầu và 13 triệu thùng dầu có thể bị ảnh hưởng từ sự gián đoạn hàng hải của kênh đào Suez. Trong khi đó, một quan chức Ai Cập tiết lộ, số tàu ùn ứ phía sau con tàu mắc cạn lên tới hơn 100 và sẽ còn tăng theo thời gian. Hiện 25 thủy thủ đều an toàn và số hàng hóa trên tàu đều không bị ảnh hưởng.
Đây không phải là vụ mắc cạn đầu tiên tại kênh đào Suez. Vào năm 2017, một tàu Nhật Bản cũng bị mắc cạn ở kênh đào Suez trong vài giờ, hay năm 2008, tàu chở hàng 12.000 tấn của Anh bị mắc kẹt và khiến giao thông qua kênh đào này đình trệ trong 4 ngày.
Kênh đào Suez, nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải, được khánh thành vào năm 1869. Đây là nguồn thu ngoại tệ rất quan trọng của Ai Cập, với doanh thu đạt 5,6 tỷ USD trong năm 2020. Khoảng 12% giao thương thế giới lưu thông qua kênh đào Suez và là tuyến huyết mạch đường thủy nhanh nhất kết nối giữa châu Âu và châu Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.