(HNNN) - Đài Bắc không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đài Loan (Trung Quốc) mà còn là một trong những trung tâm lớn ở khu vực Đông Á, một thành phố toàn cầu hạng Alpha (kết nối lớn với kinh tế thế giới). Đặc biệt, Đài Bắc được đánh giá là thành phố công nghệ thông minh hàng đầu thế giới, là hình mẫu về xây dựng thành phố xanh.
Đài Bắc là thủ phủ của Đài Loan, có diện tích nội thị là 271,8km2, diện tích vùng đô thị là 3.678,1km2, dân số nội thị là gần 2,7 triệu người, dân số toàn vùng đô thị xấp xỉ 9 triệu người.
Ấn tượng đầu tiên là thành phố được quy hoạch bài bản và có cơ sở hạ tầng rất tốt, nhất là hệ thống công trình, đường sá và phương tiện giao thông hiện đại. Trên 34% dân cư Đài Bắc dùng Thẻ thông minh không tiếp xúc (Easy Card) khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Từ năm 1983, các tuyến đường sắt trên mặt đất được chuyển xuống dưới lòng đất, tạo thêm mặt bằng thông thoáng cho thành phố.
Một điểm đặc biệt hiếm có trên thế giới là cách tổ chức “giao thông vỉa hè”: Cho dù hè phố rộng hẹp khác nhau nhưng người dân lưu thông chủ yếu ở con đường rộng khoảng 2m trước cửa các ngôi nhà. Đây thực chất là một phần của các ngôi nhà, được thiết kế, xây dựng một cách thống nhất để tạo ra con đường liên hoàn dưới trần các ngôi nhà. Vì thế, khách đi lại, mua sắm rất thuận tiện, an toàn. Từ năm 1994, Đài Bắc bắt đầu thực hiện mục tiêu “tạo ra một hệ thống giao thông văn minh” và tới năm 2005 bắt đầu triển khai nâng cấp mạng lưới giao thông công cộng, thực hiện thu vé tự động hoàn toàn và không tiếp xúc, tích hợp 116 trạm tàu điện ngầm và bãi đỗ xe, trên 5.000 xe buýt.
Về kinh tế, từ năm 1990 Đài Bắc dẫn đầu Đài Loan trong việc áp dụng tự do hóa kinh tế với các cải cách về pháp lý, phát triển khu vực dịch vụ (hiện chiếm 73% nền kinh tế) và xuất khẩu. Chủ động bước vào cạnh tranh kinh tế toàn cầu, Đài Bắc thực hiện công nghiệp hóa ở mức độ cao, triển khai hàng loạt chương trình hiện đại, táo bạo như vật chất hóa khoa học và phát minh khoa học, thương mại hóa công nghệ; nâng cao tỷ lệ tự động hóa; giảm chi phí lao động và nâng cao hiệu quả, hiệu suất lao động. Đài Bắc trở thành một trong những thành phố dẫn đầu thế giới về chế tạo các mặt hàng công nghệ cao. Nhờ đó, trong 30 năm qua, tăng trưởng thực tế của GDP Đài Bắc đạt trung bình khoảng 8%.
Năm 2019, Hội nghị PICSA (thành phố thịnh vượng và bao trùm toàn cầu) lần thứ nhất đánh giá và trao thưởng cho Đài Bắc, thành phố châu Á duy nhất lọt vào top 20 và xếp thứ 6 thế giới về tiêu chí này. Đài Bắc dẫn đầu trong các hành động phát triển bền vững toàn cầu, hướng vào nền kinh tế tuần hoàn, không lãng phí tài nguyên. Ngành thông tin và công nghệ cao của Đài Bắc được công nhận đứng đầu thế giới. Đài Bắc còn đứng hàng đầu về mặt quốc tế hóa và dự trữ ngoại tệ, góp phần đưa Đài Loan trở thành một trong 4 “con rồng kinh tế” của châu Á (cùng Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông). Đài Bắc đạt mức GDP bình quân 50.000 USD/người/năm (gấp đôi bình quân toàn Đài Loan), một con số rất thuyết phục.
Trong 15 năm trở lại đây, Đài Bắc bắt đầu tăng tốc phát triển du lịch để đa dạng hóa nguồn thu. Thành tích rất ấn tượng: Năm 2010 thành phố vượt mốc 3 triệu khách/năm; đến năm 2015 đã cán mốc 10 triệu khách, đạt nguồn thu trên 15 tỷ USD, giữ vững vị trí trong top 15 thành phố trên thế giới về lượng khách và top 10 về nguồn thu.
Đài Bắc có lợi thế thiên nhiên tươi đẹp, cùng với đó là những công trình, khu giải trí, mua sắm... độc đáo để thu hút du khách như tháp Taipei 101, Trung tâm hòa nhạc quốc gia, Bảo tàng Cố cung, Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, Công viên sáng tạo Huashan 1914 Creative Park, Khu mua sắm Zhongxiao Dunhua, chợ đêm Ximending...
Hướng tới tương lai phát triển bền vững, Đài Bắc chú trọng phát triển giáo dục đạt tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện là hình mẫu của giáo dục Đài Loan với hai phẩm chất nổi bật là chất lượng cao và môi trường học tập thân thiện. Giáo dục đại học trở thành biểu tượng xã hội, tạo ra nhận thức: Càng học cao thì càng có điều kiện để có việc làm tốt và hoàn thiện bản thân. Đáng chú ý là trong mảng giáo dục đặc biệt, có những lớp học dành cho các tài năng đặc biệt (gồm trường cho những học sinh thiên tài và trường dành cho những học sinh tài năng), đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em.
Theo bà Hoàng San San, Phó Thị trưởng thành phố Đài Bắc, người dân ở đây rất tự hào vì được sống ở vùng đất tuyệt vời cả về tự nhiên, cơ sở hạ tầng lẫn văn hóa và con người nhưng vẫn tiếp tục phấn đấu để giữ vững danh hiệu thành phố xanh mẫu mực trên thế giới và để “kỳ tích Đài Loan” tiếp tục lan tỏa. Tại Đài Bắc có gần 3.500 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Đài Loan; có hơn 400 công ty khởi nghiệp và rất nhiều trung tâm ươm tạo..., cho thấy sức hút to lớn và tinh thần kinh doanh của thành phố này luôn dẫn đầu châu lục và nằm trong top 10 thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.