(HNM) - Cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra cuối tuần qua tại Afghanistan đồng nghĩa với việc Afghanistan rồi đây sẽ gánh lấy trách nhiệm điều hành đất nước thay thế Mỹ và đồng minh từng hiện diện tại đây kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ vào cuối năm 2001. Khúc mở đầu cho một giai đoạn mới vừa bắt đầu đã báo hiệu một hồi kết đầy cam go khi Mỹ và đồng minh rút khỏi đây.
Người dân Afganistan đi bỏ phiếu. |
Theo Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tại quốc gia Nam Á này, trên toàn lãnh thổ Afghanistan, trong ngày bầu cử (18-9) đã xảy ra 303 vụ tấn công và được xem là nhỏ lẻ. Một số binh sĩ ISAF đã bị thương trong các vụ tấn công của phiến quân Taliban, chủ yếu tại các tỉnh miền Nam. Có 5 lính và 4 cảnh sát Afghanistan thiệt mạng cùng 8 dân thường nước này bị thương trong các vụ việc liên quan tới bầu cử. Tỉnh trưởng tỉnh Kandahar, ông Toryalai Wesa đã thoát chết trong một vụ đánh bom trong khi thị sát các điểm bỏ phiếu ở khu vực miền Nam bất ổn…
Dẫu vậy, cuộc bầu chọn người vào cơ quan hành pháp vẫn được xem là bước tiến lớn của chính quyền Kabul trong nỗ lực hướng đến sự tự bảo đảm an ninh thời hậu chiến. Sự kiện này như một "phép thử" đối với sự ổn định ở Afghanistan, trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama xem xét lại chiến lược chiến tranh tại quốc gia này vào tháng 12 tới để xác định tốc độ và quy mô rút lính Mỹ, dự kiến vào giữa năm 2011.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, cuộc bầu cử vừa kết thúc tại Afghanistan là liều thử đắng với Washington. Có đến 400.000 binh lính Afghanistan và liên quân được tung ra nhằm bảo đảm an ninh cho 11,4 triệu cử tri tại tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Thêm vào đó, trước thềm bầu cử, lực lượng an ninh Afghanistan cùng với liên quân do Mỹ đứng đầu đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án nhằm đối phó với các cuộc tấn công của phiến quân. Tuy vậy, kết quả đạt được thật khiêm tốn; các vụ tấn công không mong đợi vẫn xảy ra.
Rõ ràng, cuộc bầu cử thứ hai tại Afghanistan - sau cuộc bầu cử Tổng thống vẫn còn gây tranh cãi hồi tháng 8-2009 - kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ như nhận định của giới quan sát là không thành công. Ở một khía cạnh nào đó, phiến quân Hồi giáo Taliban đã có được điều mong muốn khi tuyên bố tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Trong khi đó, với người dân Afghanistan, dù sự việc mục sư Terry Jones (ngày 11-9) - ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ khủng bố 9 năm trước ở nước Mỹ - từ bỏ kế hoạch đốt kinh Koran do sức ép của dư luận trong nước và nước ngoài cũng đã đủ làm dâng cao hơn tâm lý chống Mỹ đang ngày một dâng cao ở quốc gia Nam Á này.
Còn tại Mỹ, người dân đã quá thất vọng với những gì mà Washington thể hiện trong thời gian qua để tạo dựng hình ảnh nước Mỹ. Mới đây, ngày 17-9, Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, đã công bố kết quả nghiên cứu; theo đó, 91% số người Mỹ được hỏi cho rằng điều quan trọng hiện nay với nước Mỹ là cần quan tâm nhiều đến các vấn đề trong nước hơn là các thách thức ở nước ngoài, đặc biệt là sau khi bị sa lầy vào hai cuộc chiến tranh hao người tốn của và kéo dài ở Iraq và Afghanistan. Đa số người Mỹ phản đối việc Washington can thiệp vào các cuộc xung đột trên thế giới, nếu không gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ.
Mong muốn tạo dựng sự ổn định mới tại Afganistan sau cuộc chiến; đồng thời lấy lại uy tín cho Nhà Trắng trong cuộc rút quân lớn bằng cuộc bầu cử đã không diễn ra như mong muốn, mà ngược lại, nó đang dấy lên mối lo ngại về một tương lai không sáng sủa tại quốc gia Nam Á này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.