Một số loại virus cổ xưa lây nhiễm bệnh cho tổ tiên loài người trong hàng triệu năm qua vẫn còn ẩn náu đâu đó trong ADN của chúng ta. Đây có thể là cơ hội giúp con người phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả.
Theo kênh RT, các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Crick Group (Anh) vừa công bố một công trình mới trên tạp chí khoa học Genome Research cho thấy khoảng 8% bộ gen của con người có ADN bị nhiễm retrovirus (một virus khi xâm nhập vào cơ thể con người có khả năng thực hiện quá trình phiên mã ngược).
Thông thường, những ADN này không hoạt động, song chúng có thể tái kích hoạt nếu một tế bào trở thành tế bào ung thư.
Từ lâu, các nhà khoa học đã nghiên cứu ADN bị nhiễm virus để tìm hiểu hiện tượng tái kích hoạt khi đối phó với căn bệnh ung thư. Việc tái kích hoạt ADN bị nhiễm virus có thể tạo ra “sản phẩm” trong hệ thống miễn dịch và các nhà nghiên cứu tin rằng yếu tố đó có thể được khai thác để chống ung thư.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích mẫu ADN của các bệnh nhân bị nhiễm 31 loại ung thư khác nhau để liệt kê ra một danh mục dữ liệu khổng lồ gồm các yếu tố được sản sinh từ retrovirus nội sinh, thu hẹp phạm vi xuống còn “9 loại kháng nguyên độc nhất” có thể nhận biết trong hệ thống miễn dịch.
“Chúng tôi hy vọng phương thức tiếp cận này sẽ hình thành nền tảng cho liệu pháp ung thư trong tương lai, nếu chúng tôi giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công tế bào ung thư với những kháng nguyên mới tìm ra”, Tiến sĩ George Kassiotis - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, giải thích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.